Cuộc sống của tiểu thư, thiếu gia Trung Quốc ở trời Tây

Weymi Cho và những cô bạn tại thành phố Vancouver, Canada. Ảnh: Newyorker.
Weymi Cho và những cô bạn tại thành phố Vancouver, Canada. Ảnh: Newyorker.
Gia thế lẫy lừng, nói tiếng Anh trôi chảy, học vấn cao và biết hưởng thụ cuộc sống, con cháu của những người Hoa siêu giàu đang đổ bộ sang những đô thị nổi tiếng ở phương Tây.

Weymi Cho lái chiếc xe Maserati GranTurismo màu trắng với nội thất da màu đỏ, sống trong một căn hộ siêu sang trị giá 4 triệu USD nhìn ra cảng ở thành phố Vancouver. Với thân hình mảnh mai, đôi mắt to và mái tóc đến thắt lưng, cô vốn là con của một đại gia Trung Quốc. Cô gái 20 tuổi nói tiếng Anh với chất giọng tinh tế và có trọng âm rõ ràng. Trong sinh nhật hồi tháng 3, cô chi khoảng 4.000 USD để mua hai chai rượu đắt tiền.

Gia đình đưa Weymi tới Vancouver năm 14 tuổi để học. Họ sở hữu một doanh nghiệp sản xuất linh kiện bán dẫn ở Đài Loan, nơi cô lớn lên, nhưng cha và mẹ cô lại tới từ đại lục. Weymi và em gái học ở trường quốc tế để chuẩn bị cho việc học ở nước ngoài. Vào các mùa hè, Weymi thường tới Mỹ hoặc Australia. “Cha luôn muốn tôi sử dụng thành thạo tiếng Anh. Kế hoạch của gia đình là chúng tôi sẽ sống ở một nước phương Tây”, cô kể.

Sống ở phương Tây là kế hoạch của nhiều nhà giàu ở Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, họ đã mua hàng loạt căn hộ ở New York, London, Los Angeles. Nhưng sự hiện diện của người giàu Trung Quốc ở thành phố Vancouver mới là hiện tượng nổi bật trong nhiều năm qua. Người Trung Quốc thích Vancouver vì nó nằm trên vành đai Thái Bình Dương, có khí hậu dễ chịu và nhịp sống chậm rãi. Những triệu phú Trung Quốc coi nó là nơi lý tưởng để đầu tư và cho con cái học hành, lập nghiệp.

Hình ảnh "phú nhị đại" trong mắt người Trung Quốc

“Phú nhị đại” là từ người ta dùng để gọi thế hệ thứ hai của những gia đình siêu giàu Trung Quốc. Trong một nền văn hóa mà sự nghèo đói và tính tằn tiện đã tồn tại hàng nghìn năm, lối sống xa hoa của người giàu trở thành nhân tố xấu đối với đa số người dân.

Năm ngoái, con trai của người đàn ông giàu nhất Trung Quốc tung ảnh con chó của anh đeo hai đồng hồ Apple mạ vàng ở hai chân trước. Trên các diễn đàn, cộng đồng mạng bình luận rằng các phú nhị đại khoe khoang những thứ mà họ dùng tiền của gia đình để mua và sự phô trương kệch cỡm là thuốc độc đối với tinh thần làm việc của người Trung Quốc.

Mặc dù vậy, phú nhị đại vẫn là đối tượng mà công chúng quan tâm. Hàng loạt phim truyền hình dài tập về phú nhị đại xuất hiện trong vài năm gần đây. Người dân cũng đang theo dõi một chương trình truyền hình trực tế về phú nhị đại mang tên Ultra Rich Asian Girls of Vancouver (Những cô gái châu Á siêu giàu ở Vancouver".

Weymi là nhân vật chính trong chương trình, còn những nhân vật khác là bạn của cô. Tiếng Hoa và tiếng Anh là hai ngôn ngữ trong chương trình. Người Hoa ở đại lục và trên khắp thế giới xem nó trên mạng Internet để hiểu cuộc sống xa hoa tột đỉnh của những cô gái gốc Á tại Vancouver.

Họ lên án, chế giễu các cô vì thói vung tiền bạt mạng nhằm chứng tỏ đẳng cấp. Tập 1 kết thúc với việc người ta nghi một cô thực hiện những hành vi không xứng tầm - như dùng các túi Hermes nhái hay mặc những trang phục không phải là sản phẩm của các nhà thiết kế thời trang danh tiếng.

"Trong các diễn đàn về chương trình, cộng đồng mạng thường đưa ra những câu kiểu như: Tại sao họ phải phô trương tiền như thế? Tôi không nghĩ tôi khoe của, mà tôi chỉ đang thể hiện cuộc sống của tôi", Weymi vừa nói vừa nhún vai.

Xu hướng rời Trung Quốc của người giàu

Khoảng 30% của cải ở Trung Quốc thuộc về khoảng 1% dân số. Dù người nghèo vẫn chiếm đa số trong nền kinh tế, một báo cáo gần đây cho thấy Trung Quốc có nhiều tỷ phú USD hơn cả Mỹ.

Jeffrey Winters, giáo sư chính trị của Đại học Northwestern tại Mỹ, nhận định rằng thế giới đang chứng kiến sự xuất hiện của người giàu với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Ông nói thêm rằng Trung Quốc là một trong số rất ít quốc gia mà tình trạng siêu giàu từng biến mất (trong Cách mạng Văn hóa) rồi lại tái xuất hiện.

Một nghiên cứu do Ngân hàng Trung Quốc và tổ chức Hurun Report thực hiện cho thấy 60% người giàu Trung Quốc có ý định hoặc đang trong quá trình chuyển ra nước ngoài. (Theo tiêu chuẩn ở Trung Quốc, những người sở hữu hơn 10 triệu nhân dân tệ, tương đương 1,5 triệu USD, thuộc tầng lớp giàu).

Hiện tại, dân Trung Quốc đang chuyển tiền ra nước ngoài với tốc độ khoảng 450 tỷ USD mỗi năm. Phần lớn số tiền đó chảy vào bất động sản. Theo Hiệp hội Bất động sản Trung Quốc, khách hàng người Hoa trở thành nguồn cung cấp tiền mặt lớn nhất đối với thị trường nhà ở dân cư ở Mỹ.

Người giàu rời Trung Quốc bởi nhiều lý do. Một số người lo ngại tình trạng ô nhiễm, trong khi nhiều người khác muốn con tiếp cận nền học vấn tiên tiến.

Zhou Xuegang, giáo sư xã hội học của Đại học Stanford (Mỹ) nhưng từng lấy bằng cử nhân ở Trung Quốc, nhận định: “Sự cạnh tranh trong hệ thống trường ở Trung Quốc rất khốc liệt. Các trường hàng đầu có thể nhận nhiều học sinh nhưng đôi khi bạn vẫn không thể chiếm một suất dù bạn rất giàu”.

Song một bộ phận người giàu Trung Quốc muốn rời quê hương vì không yên tâm khi để tài sản ở đó. Sự lo ngại của họ tăng lên trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm và thị trường chứng khoán trở nên bất ổn.

Những gương mặt tiêu biểu

Paul Oei, một người đàn ông 50 tuổi và hoạt ngôn, là nhân vật khá nổi tiếng đối với người Hoa ở Vancouver. Ông đảm nhiệm tới 3 chức vụ: Tổng giám đốc công ty sản xuất phân trộn Organic Eco-Centre, Chủ tịch Hội đồng tổ chức cuộc thi Hoa hậu Trung Quốc tại Vancouver, giám đốc một công ty Di trú và Tài chính.

Oei thành lập công ty từ 10 năm trước để tư vấn chiến lược di cư, đầu tư và hòa nhập vào xã hội mới cho người Hoa muốn tới Vancouver. Đối với các phú nhị đại, Oei là người chuyên giải quyết mọi vấn đề rắc rối và đại sứ không chính thức.

Oei nói rất nhiều người Hoa muốn tới Vancouver. "Họ mua bất động sản mà không hề do dự", ông khẳng định. Giá bất động sản ở Vancouver rẻ hơn nhiều so với New York, Los Angeles, Hong Kong hay Nhật Bản.

"Những người Trung Quốc đó có quá nhiều tiền nên họ muốn đa dạng hóa các nguồn thu nhập và đầu tư vào những nước an toàn", Oei lập luận.

Hu Yan là chủ một nhà hàng ở trung tâm Vancouver. Người phụ nữ trong độ tuổi tứ tuần từng điều hành một nhà hàng nổi tiếng ở thành phố Tây An trước khi quyết định mua nhà ở đây hai năm trước.

Ngôi nhà không phải là lý do khiến Hu muốn định cư ở Canada. Cô tới Vancouver vì tương lai của cậu con trai 11 tuổi. Hiện tại con trai của cô đang tham gia một giải golf ở Los Angeles, Mỹ. Hu lập kế hoạch tiến về miền đông nước Mỹ bằng cách lập các nhà hàng ở Los Angeles, Vegas và New York.

Khi được hỏi tại sao lại muốn kinh doanh ở New York, cô đáp: "Vì con trai tôi, tất nhiên rồi. Các trường đại học hàng đầu nước Mỹ đều tập trung ở vùng đông bắc. Đó là nơi con trai tôi sẽ sống trong tương lai".

Ưu tiên của Hu là điểm chung của lớp doanh nhân đầu tiên của Trung Quốc. Nhờ kiếm những khoản tiền lớn trong quá trình đất nước chuyển đổi sang kinh tế thị trường, họ có thể nuôi dưỡng con trong môi trường thuận lợi.

Chính sách một con khiến họ dồn mọi nguồn lực cho con, đồng thời cũng kỳ vọng vào chúng nhiều hơn. Ký ức về thời kỳ nghèo khó và lạc hậu vẫn hằn sâu trong tâm trí lớp doanh nhân đầu tiên ở Trung Quốc. Cha mẹ càng nghèo lại càng muốn con tận hưởng cuộc sống sung sướng hơn.

Nhiều khách hàng của Paul Oei không thuộc tầng lớp giàu nhất hay có quan hệ rộng ở Trung Quốc. Họ muốn con tiếp cận nền văn hóa, học vấn tiên tiến để xây dựng một tương lai chắc chắn.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG