Cuộc hồi hương 2.000 km

0:00 / 0:00
0:00
Không biết đường, cả nhà Giàng Đỗ Chai cứ chạy xe máy theo biển chỉ dẫn, thẳng "đường cái to to" từ Lâm Đồng về Lào Cai tránh dịch.

Giàng Đỗ Chai, một người Mông 33 tuổi, quê ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai) tin rằng cứ đi theo con đường lớn ấy là sẽ về tới quê nhà. Gia đình họ rời xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) sau một tháng không có việc làm. Sáng 24/7, nhà năm người vét nốt nồi cơm với đĩa rau luộc, treo túi quần áo lên xe máy rồi đi. Họ bỏ lại tất cả đồ đạc, khóa cửa, trả phòng để về quê lánh dịch.

Cuộc hồi hương 2.000 km ảnh 1
Người dân từ các tỉnh, thành phía Nam đi xe máy về quê. Ảnh: Võ Thạnh

Chị Ly Thị Gió quấn đứa út 8 tháng tuổi trong cái chăn mỏng ôm trên tay. Đứa thứ hai ngồi giữa, con gái lớn nhất 4 tuổi ngồi phía sau ôm cứng lấy lưng bố. Gió không biết đi xe máy, nên Chai là người cầm lái suốt chặng đường. Trước hôm về, anh đã mang xe đi thay dầu, kiểm tra nhông xích, đổ đầy bình xăng.

Anh Giàng Đỗ Chai mang vợ con vào Lâm Đồng hồi tháng 4, sau mấy cuộc gọi của anh em cùng bản. Họ bắt xe khách bắc nam và gửi theo một chiếc xe máy để đi làm. Chai thấy may mắn "nhờ thế nên giờ mới có phương tiện về quê".

Cuộc hồi hương 2.000 km ảnh 2
Cả nhà 5 người dừng chân tại chốt kiểm soát dưới chân đèo Hải Vân thuộc địa phận Đà Nẵng. Ảnh: Công an Đà Nẵng.

Chai và Gió đi nhổ rau, trồng hành thuê cho chủ vườn, luân phiên trên các cánh đồng của xã Hiệp Thạnh, vùng chuyên canh rau thuộc huyện Đức Trọng. Ngày có việc, họ kiếm được 200.000 đồng mỗi người. Không ra ruộng thì không có tiền. Ba đứa trẻ con, nhỏ nhất 8 tháng, lớn nhất 4 tuổi gửi hết vào nhà trẻ. Tiền gửi trẻ mỗi tháng 3,5 triệu đồng, chưa tính tiền ăn, phòng trọ. Ba tháng đi làm thuê, vợ chồng để dành gửi về quê được hai lần, mỗi lần ba triệu. Khoản tiền lo thuốc thang cho người cha đau yếu, tháng nào cũng phải đi viện thăm khám.

Nếu không có dịch, Chai không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đi vào Nam. Nương vẫn trồng ngô, trồng lúa một năm hai vụ, nhưng nhiều gia đình ở bản không đủ ăn, chỉ còn cách đi làm thuê. Bạn bè cùng trang lứa với Chai thường chọn làm thuê bên kia Trung Quốc. Họ vượt qua đường mòn lối mở, đi trồng cây, hoặc chặt cao su, kiếm 400.000 đồng một ngày. Nếu nhà có việc, chỉ cần đi xe máy khoảng 30 phút là về đến bản.

Hai năm dịch bùng phát, đường mòn lối mở đều có chốt kiểm soát của bộ đội biên phòng. Không qua được biên giới, họ xuôi về phương Nam, "đi công ty" ở Bình Dương, Đồng Nai, hoặc lên Sài Gòn bưng bê, phụ việc trong các quán ăn. Nghe bạn bè kể thu nhập tầm 7 - 8 triệu đồng mỗi tháng, Chai cũng ham lắm. Nhưng làm công nhân có giờ giấc, anh lại vướng trẻ con. Cuối cùng vợ chồng chọn đi nhổ rau, làm ngày nào tính tiền ngày ấy.

Cuối tháng 6, Chai theo dõi tin tức thấy TP HCM liên tục kéo dài thời gian giãn cách và áp dụng chỉ thị 16 hôm 9/7. Đây cũng là lúc những chuyến xe rau từ Lâm Đồng về thành phố bắt đầu ách tắc ở các chốt kiểm soát. Rau để già trên luống, chủ vườn ít khi gọi vợ chồng Chai đi làm. Mười ngày sau đó, 19 tỉnh thành phía Nam đồng loạt áp dụng Chỉ thị 16.

Lâm Đồng không thuộc diện giãn cách, lúc đó ghi nhận tổng cộng 18 ca nhiễm. Nhưng gần một tháng không ra ruộng, không kiếm được đồng nào, thêm sợ dịch, vợ chồng Chai quyết định về quê sau gần một tuần bàn bạc. Họ sợ "nếu cứ chần chừ, không may dịch lan rộng thì không còn đường về quê". Cả nhà rời đi lúc 7h sáng, thì 12h trưa 24/7, xã Hiệp Thạnh phong tỏa tạm thời khi phát hiện 2 ca nhiễm.

Cuộc hồi hương 2.000 km ảnh 3
Đoàn người từ phía Nam được CSGT Thừa Thiên Huế dẫn đường từ chân đèo Hải Vân ra Quảng Trị để tiếp tục về quê, chiều 3/8. Ảnh: Võ Thạnh.

Chai không thạo đường Tây Nguyên như vùng Tây Bắc. Anh đi theo các biển chỉ dẫn màu xanh ven quốc lộ. "Cứ chạy theo đường thẳng to to, theo các đoàn xe, chỉ có một đường ấy, thế nào cũng về được nhà", Chai kể.

Cũng như hàng chục nghìn cuộc hồi hương cuối tháng Bảy, gia đình họ ngày đi, đêm tạt vào ven đường nằm nghỉ vài tiếng, rồi lại đi. Gió chuẩn bị cả chăn mỏng, màn che cho các con nhỏ. Đi khỏi Tây Nguyên mát mẻ, từ Đà Nẵng trở ra là những ngày nắng rát mặt. Cầm lái liên tục, có lúc Chai đuối sức, nhất là khi trẻ con ngủ gà gật trên xe, ghì tay lái nặng trĩu.

Qua các chốt kiểm dịch, họ đều phải khai báo y tế. Dừng chân ở địa phận Đà Nẵng đêm 26/7, cả nhà được công an chốt trực tiếp nước, bánh mì và góp ủng hộ một ít tiền. Chặng đường từ Đà Nẵng ra đến Quảng Bình được cảnh sát giao thông các tỉnh dẫn đường cùng với hàng nghìn xe máy khác. Về đến Thanh Hóa, chốt trực test nhanh miễn phí cho cả gia đình; kết quả âm tính, họ được đi tiếp.

Nghe tin Hà Nội cách ly xã hội, cả gia đình không thể theo lộ trình bình thường để về Lào Cai được nữa. Nếu theo lộ trình này, Chai đi khoảng 450 km nữa để về đến quê nhà. Anh lần đường, vòng qua Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu để về Lào Cai, khoảng 680 km.

Họ về tới Sa Pa hôm 30/7. Chốt chặn kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực, dặn về Trạm y tế xã Phong Hải khai báo rồi đi cách ly. Cả gia đình sau đó được đưa tới khu cách ly của huyện Bảo Thắng. Từ nơi cách ly tập trung, Chai cho biết "được chăm sóc, ăn uống đầy đủ, mấy đứa trẻ con chơi vui lắm".

Ông Trần Xuân Lộc, phụ trách khu cách ly, cho biết kết quả xét nghiệm lần một của cả nhà Giàng Đỗ Chai đã âm tính. Gia đình có ba con nhỏ nên anh em thường cho thêm bánh, sữa. Khu cách ly tiếp nhận khoảng 50 người dân huyện Bảo Thắng từ các tỉnh phía nam trở về, chủ yếu là Bình Dương, Đồng Nai.

Đồng hồ công tơ mét trên chiếc xe máy đã hỏng, Giàng Đỗ Chai không biết mình đã đi bao nhiêu cây số trong 7 ngày. Nhưng ứng dụng bản đồ ước tính, họ đã đi một quãng đường khoảng 2.000 cây số.

Theo VnExpres
MỚI - NÓNG