Công an miệt mài sửa xe, lấm lem dầu nhớt
Những ngày này, các cán bộ trong Hội phụ nữ Công an tỉnh Kon Tum miệt mà iđi chợ, vào bếp nấu nướng, đóng gói từng suất cơm hộp gửi tới người dân phương xa dừng ở chốt kiểm dịch số 1 Sao Mai, TP. Kon Tum, Kon Tum.
Lực lượng Công an huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) còn lập hẳn một tổ sửa xe, thay nhớt, xăm, lốp miễn phí cho người dân từ các tỉnh phía Nam qua. Do quãng đường di chuyển dài nên Công an huyện Ngọc Hồi đã huy động, lập tổ có 14 cán bộ chiến sĩ biết sửa xe, thay nhớt, xăm, lốp xe miễn phí cho người dân.
Ngoài lực lượng trên, công an huyện còn huy động hơn 10 người dân, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ 220 chiếc xăm, 20 lốp xe và 50 chai nhớt phục vụ việc sửa chữa. Cả trăm xe máy đã được sửa chữa như tăng sên, sửa phanh, thay nhớt giúp người dân tiếp tục hành trình về quê an toàn.
Các chiến sĩ công an trong bộ đồ bảo hộ kín mít, lấm lem dầu nhớt đang miệt mài sửa xe giúp dân. |
Thời điểm này ở Gia Lai (sát Kon Tum) thường mưa từ chập tối đến gần trưa hôm sau. Điều này khiến lực lượng chức năng làm nhiệm vụ ở Chốt kiểm soát dịch COVID-19 cầu 110 (viết tắt là Chốt 110, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai- giáp ranh Đắk Lắk) càng thêm khó khăn, vất vả khi mỗi ngày cả nghìn người đổ về. Chốt trưởng Chốt 110 là trung tá Nguyễn Minh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Công an tỉnh Gia Lai).
Trung tá Tuấn cho biết, tại chốt này đã phát hiện gần 20 ca dương tính SARS-CoV-2 nên toàn bộ anh em tại đây luôn vừa làm việc vừa giữ an toàn cho bản thân và người xung quanh Bởi vậy, khi đến Chốt 110 mọi người sẽ được nghỉ ngơi, ăn uống, khai báo y tế... Khi đủ tầm 300 người sẽ có lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Gia Lai dẫn đi, bàn giao về các huyện hoặc tỉnh khác.
Gần 20 ngày ở chốt này, anh Tuấn và mọi người rất cảm kích trước tình cảm của người dân huyện Chư Pưh dành cho lực lượng chức năng. Anh kể về một bác nông dân chạy chiếc xe máy cà tàng ngày nào cũng mang tới hơn trăm chiếc bánh chưng phát cho mọi người, chị bán rau hàng ngày chắt bóp từng đồng nhưng sẵn sàng đưa 2 triệu đồng gửi ủng hộ mua bàn ghế ở chốt... Đặc biệt, người dân quanh đây ngày nào cũng nấu nướng rồi vận chuyển đồ ăn đến chốt phát. Đồ tiếp tế đến quá nhiều nhưng anh Tuấn nói bản thân không dám từ chối vì tình cảm của bà con, bởi vậy anh sẽ liên hệ với các chốt khác trên địa bàn để san sẻ tới những nơi khác đang thiếu thốn hơn.
“Trong lúc chúng tôi đi làm nhiệm vụ, người dân giúp đỡ chúng tôi cả vật chất lẫn tinh thần để lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có người nấu cơm, xôi mang tới, doanh nghiệp họ dựng chòi, bạt, nệm để người hành hương qua có chỗ ngủ nghỉ, lấy sức đi tiếp. Chốt 110 không đơn giản là nơi kiểm soát dịch nữa, mà nơi đây còn là nơi tiếp tế tình thương để những người phương xa thêm động lực về nhà”, anh Tuấn xúc động nói.
Cùng với anh Tuấn, các lực lượng khác như y tế, thanh tra giao thông, thanh niên tình nguyện… cũng đang làm việc ngày đêm tại Chốt 110.
Ở đâu cũng có người tốt
Tập kết tại Chốt 110 vào cuối tuần qua, chị Ra Lan Chíu (20 tuổi, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, Gia Lai) ôm con nhỏ mới 8 tháng tuổi ngồi thụp bên khung sắt với mái che bằng bạt cùng hàng chục người khác, trời khá nóng. Thấy vậy chồng chị vội lấy chiếc ghế ngồi cao hơn che nắng cho cả hai mẹ con. Chị Chíu chia sẻ, hơn một năm trước cùng chồng vào Đồng Nai làm công nhân công ty sản xuất giấy. Làm được vài tháng chị Chíu hạ sinh bé trai kháu khỉnh. Tuy nhiên, cuộc sống xa nhà chưa yên ổn thì dịch COVID-19 bùng phát, công ty phải dừng hoạt động. Ở trọ vài tháng không thấy động tĩnh gì, tiền trọ lại cao, hai vợ chồng chị Chíu quyết định ôm con nhỏ mới 8 tháng tuổi khăn gói về nhà vượt hơn 400Km về quê. Đi cùng gia đình chị Chíu có 3 gia đình khác cùng xã, nhưng con của họ đã biết chạy, biết đùa.
Chị Chíu bế con nhỏ 8 tháng tuổi vượt hơn 400Km để về nhà |
Chị Chíu cho biết, đã bế con ở giữa trên chiếc xe máy cà tàng do chồng lái, chạy ròng rã xuyên đêm, đến Chốt 110 lúc mờ sáng thứ 7. “Tối qua trời đổ mưa to quá, con mình dính nước mưa bị sốt khóc mãi, người nó lạnh ngắt. Trên đường không quán nào mở cả, may có mấy người làm từ thiện giúp đỡ chữa trị, sáng nay cháu chịu bú lại. Giờ còn mấy chục cây số nữa là tới nhà. Về quê mình sẽ cùng chồng đi làm cà phê, trồng lúa một thời gian. Công ty làm lại lúc nào mình vào lúc đó”, chị Chíu nói.
Anh Đinh Xuân Hiền (áo xanh) và người em họ đợi kiểm dịch ở Chốt 110 |
Dựa vách tường đang xây, anh Đinh Xuân Hiền (31 tuổi, xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) cùng em họ chạy từ TP.HCM về dù mệt mỏi nhưng lại không thể nào ngủ nổi. Đôi mắt đỏ ngầu, anh Hiền kể, cuộc sống quê nhà vất vả, nuôi 3 con nhỏ, mấy tháng trước dẫn em họ vào TP. HCM để bán rau. Công việc vừa ổn định thì dịch bùng phát, anh Hiền chỉ có thể cầm cự được một thời gian ngắn bởi riêng tiền trọ hơn 4 triệu đồng/tháng. Không còn đồng nào để về quê, anh Hiền phải mượn bạn bè 3 triệu đồng làm lộ phí. Dọc đường chẳng có chăn gối gì, thấy hiên nhà ai rộng rãi là cả hai tạt vào kê tấm áo qua loa rồi ngủ thiếp đi.
“Lúc hoạn nạn mới thấy quý tấm chân tình của đồng bào. Mình ngủ ở hiên nhà họ nhưng sáng ra không ai mắng cả, có người còn hỏi han rồi cho quà bánh dọc đường. Như hôm qua ở Đắk Nông, tờ mờ sáng tôi hoa mắt tông vào thùng rác cạnh đường, chân tay trầy hết cả, người dân cạnh đó chạy ra chở đến chỗ bác sĩ gần nhất để băng bó, khâu vết thương”, anh Hiền xúc động.