Cuộc đời hai mặt của điệp viên KGB cuối cùng ở Mỹ

Barsky trong một buổi lễ tại nhà thờ ở Mỹ.
Barsky trong một buổi lễ tại nhà thờ ở Mỹ.
Một người Đông Đức đã sống hai chục năm ở Mỹ để hoạt động gián điệp cho Cơ quan tình báo Nga (KGB). Có thời điểm, ông đã lập hai gia đình ở hai nước và sống một cuộc đời hai mặt vô cùng phức tạp. Đó là Jack Barsky, người được coi là điệp viên KGB cuối cùng làm việc ở Mỹ.

Kỳ 1: Ẩn danh 20 năm

Cuộc đời hai mặt của Jack Barsky chấm dứt bên bờ sông Delaware. Khi ông đang lái chiếc Mazda 323 từ New York và vừa qua bên kia cầu thì một cảnh sát vẫy xe ông vào lề đường. Barsky dừng xe và một người đàn ông mặc thường phục xuất hiện ở cửa kính xe nói: “FBI đây, ông Barsky. Chúng ta cần nói chuyện”. Barsky hỏi: “Tôi bị bắt à? Sao đến bây giờ các ông mới bắt?”.

Cuộc truy tìm người đàn ông được cho là điệp viên KGB cuối cùng làm việc ở Mỹ đã kết thúc tháng 5/1997. Đã 6.794 ngày kể từ khi Albrecht Dittrich, từng là công dân Đông Đức sống ở thành phố Jena, tới Mỹ để làm việc cho KGB. Vào thời điểm ông bị bắt, Liên bang Xô Viết đã không còn tồn tại và Chiến tranh Lạnh chỉ còn là lịch sử. Khi bị bắt, ông là một người Mỹ 47 tuổi, có vợ con và sống ở vùng ngoại ô.

Sáng sáng, người đàn ông đó lái xe đi làm. Rồi người ta thấy ông chơi bóng rổ với con gái trong vườn, mời hàng xóm dự tiệc nướng cuối tuần. Chỉ có người rất tinh mới phát hiện ra giọng tiếng Anh của ông không chuẩn Mỹ tuyệt đối.

Dittrich có thể đã tiếp tục sống như vậy dưới lớp vỏ bọc của mình nếu không xảy ra sự việc Vasili Mitrokhin, một cựu nhân viên lưu trữ văn thư của KGB, trốn tới London năm 1992 và tiết lộ danh tính của hàng nghìn điệp viên KGB hoạt động trên toàn thế giới. Một trong số đó là cái tên Barsky.

Cuộc đời hai mặt của điệp viên KGB cuối cùng ở Mỹ ảnh 1

Suốt ba năm trời, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã theo dõi Jack Barsky, đặt máy nghe lén trong phòng khách và nhà bếp của ông, quan sát ông bằng ống nhòm, thậm chí còn mua hẳn một ngôi nhà bên cạnh nhà ông để theo dõi chặt chẽ hơn.

Đặc vụ theo dõi Barsky từ ngôi nhà bên cạnh là Joe Reilly, người làm trong đơn vị phản gián của FBI 23 năm và là một người Mỹ yêu nước, bảo thủ. Đặc vụ Reilly đã vạch mặt được nhiều người cung cấp thông tin mật, trong đó có các nhà ngoại giao Đông Âu và sinh viên nước ngoài. Nhưng Barsky mới là con cá lớn nhất.

Việc phát hiện một điệp viên Đông Đức không khiến nước Mỹ rung chuyển như khi phát hiện ra các điệp viên tầm cỡ như Aldrich Ames hay Julius và Ruth Rosenberg. Nhưng một điệp viên có thể sống dưới cái tên giả ở Mỹ trong gần 20 năm trời mà không bị phát hiện là một nỗi hổ thẹn lớn lao với FBI.

Cuộc đời hai mặt của điệp viên KGB cuối cùng ở Mỹ ảnh 2

Barsky (phía trước) và đặc vụ FBI Reilly giờ trở thành bạn thân.

Đặc vụ Reilly đã dành nhiều tháng trời để quan sát “con cá” của mình. Đầu tiên, ông đóng giả là một nhà nghiên cứu chim mà công việc là quan sát chim chóc ở cánh đồng gần đó, “tiện thể” quan sát luôn cả ông hàng xóm Barsky. Đặc vụ Reilly theo dõi cuộc sống hàng ngày của Barsky và thậm chí còn quý mến ông ta. Trong quá trình theo dõi, Reilly chỉ chờ Barsky lỡ lời tiết lộ thân phận. Cuối cùng, thời điểm đó cũng đã đến khi hai vợ chồng Barsky cãi nhau. Trong cuộc cãi vã, Barskly hét vào mặt vợ mình rằng ông ta là một điệp viên. Sai lầm tai hại đó đã vạch trần cuộc sống hai mặt của Barsky.

Hậu quả là Barsky bị bắt chỉ một thời gian ngắn sau đó. Đặc vụ Reilly đã thẩm vấn ông ta suốt mấy ngày cuối tuần trong một nhà trọ. Barsky thú nhận và thậm chí còn tiết lộ cho các nhà điều tra FBI mật mã dùng để truyền tin mật và mọi thứ mà ông ta biết về kỹ thuật huấn luyện của KGB cũng như cách hoạt động của điệp viên Nga.

Đặc vụ Reilly nói: “Cuối cùng thì họ đều bị bắt hoặc xử bắn, hoặc họ tự treo cổ hay uống rượu cho đến chết”. Nhưng đối với điệp viên Barsky, vì ông ta có giá trị với FBI nên mọi chuyện sẽ khác. Barsky có giá trị đến mức họ đã để ông ta đi chỉ sau vài ngày. Đặc vụ Reilly cho rằng Barsky có thể phục vụ nước Mỹ khi còn tự do tốt hơn là khi ở trong tù. Ông đã giúp cho điệp viên Đông Đức này thoát khỏi một án tù đằng đẵng.

Dần dần, người săn điệp viên và cựu điệp viên hình thành một tình bạn khó tin. Ngày nay, hai người thậm chí còn hay chơi golf với nhau.

Đón đọc kỳ 2: Hai thế giới, hai cuộc sống

Theo Theo Báo Tin Tức
MỚI - NÓNG