Làn sóng dịch lần này được đánh giá là rất phức tạp và khó kiểm soát bởi sự đa chủng virus, nhiều ổ dịch và chuỗi lây nhiễm. Thủ tướng Phạm Minh Chính xem dịch COVID-19 là giặc và ông yêu cầu “Tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa” để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình.
Một số địa phương trong tâm dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh…đã rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn khi dịch hoành hành và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng chống dịch. TPHCM cũng trong tình trạng tương tự và từ hôm qua, 31/5, chính quyền thành phố đã quyết định giãn cách xã hội trên toàn thành phố theo Chỉ thị 15, có nơi theo Chỉ thị 16. Không những thế, người đứng đầu chính quyền thành phố còn đề nghị các cơ quan tham mưu nghiên cứu áp dụng một số biện pháp kiểm soát khắt khe hơn. Điều đó cho thấy, chính quyền thành phố đang tỏ rõ sự sốt ruột cũng như quyết tâm cao độ trong việc ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh.
Phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội là mục tiêu kép và là nhiệm vụ hàng đầu, không một địa phương, đơn vị hay cá nhân nào được phép nơi lỏng. Trong bối cảnh hiện tại, phòng chống dịch là nhiệm vụ tối quan trọng, được đặt lên trên hết, các địa phương có dịch buộc phải chấp nhận hy sinh phát triển kinh tế trong ngắn hạn để ưu tiên chống dịch.
Riêng TPHCM, địa phương đóng góp khoảng 1/3 tổng thu ngân sách quốc gia, sự hy sinh kinh tế dù nhỏ nhất cũng sẽ ảnh hưởng không ít đến cả nước. Với một thành phố trên 11 triệu dân và hoạt động kinh doanh, dịch vụ chiếm tỷ trọng áp đảo, việc phải tạm ngưng hay hạn chế các hoạt động này là quyết định vô cùng khó khăn đối với chính quyền thành phố.
Rồi đây, không ít nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ sẽ điêu đứng, thậm chí phá sản; cuộc sống của hàng triệu người lao động trong lĩnh vực kể trên và cả những người ăn theo sẽ bấp bênh, nhưng đó cũng chỉ là khó khăn trước mắt, trong ngắn hạn. Dẫu bụng có phần đói nhưng điều đáng quý nhất vẫn được bảo toàn, đó là tính mạng con người. Vì vậy, không bây giờ thì sẽ chẳng bao giờ còn kịp. Nếu chỉ vì một phần trăm tăng trưởng kinh tế mà chính quyền mở toang, hoặc chần chừ để cho các hoạt động kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động tụ tập đông người tiếp diễn thì thành phố cũng như cả nước sẽ mất rất nhiều phần trăm ngân sách và rất nhiều nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động chống dịch hoặc khắc phục các hậu quả khác do dịch gây ra. Nhiều cơ hội khác cũng mất đi, và vì thế khả năng phục hồi, tăng trưởng sau dịch cũng sẽ chậm hơn vì mất đà, kiệt sức. Chưa kể, sẽ phải đánh đổi rất nhiều sinh mạng-những mất mát không gì bù đắp được.
Chống dịch đang thực sự là cuộc chiến sinh tử. Hơn bao giờ hết, Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương đang cần sự cảm thông, chia sẻ và chung sức, đồng lòng chống dịch của mọi người dân.