'Cuộc chiến' rác thải sinh hoạt

Cty Môi trường Đô thị đã lắp camera theo dõi trạm cân. Ảnh: Trường Phong.
Cty Môi trường Đô thị đã lắp camera theo dõi trạm cân. Ảnh: Trường Phong.
TP - Mỗi năm, Hà Nội chi ra hàng nghìn tỷ đồng cho việc xử lý rác thải, dọn vệ sinh, rửa đường. Tuy nhiên, phố phường vẫn “lem nhem” mà một trong những nguyên nhân là công tác thu gom, vận chuyển rác thải còn nhiều bất cập, thậm chí tiêu cực.

Miếng bánh nghìn tỷ

Lâu nay lĩnh vực dịch vụ công ích của Hà Nội vốn được xem là “bầu sữa” ngọt. Có lẽ vì thế riêng lĩnh vực thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp tranh đua. Nó được xem như là một cuộc chiến của các doanh nghiệp về lĩnh vực này. Hiện việc thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt hàng ngày trên địa bàn Hà Nội ngoài Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO)-một doanh nghiệp nhà nước của thành phố thì có tới 26 doanh nghiệp, đơn vị tham gia, trong đó có nhiều công ty tư nhân, công ty cổ phần.

Nói là 26 doanh nghiệp, đơn vị tham gia theo chủ trương xã hội hoá, nhưng khi doanh nghiệp tham gia sẽ tính đến bài toán lỗ lãi và tất cả tiền chi trả cho các doanh nghiệp này đều từ ngân sách hàng năm. Có lẽ xuất phát từ vấn đề doanh thu, lợi nhuận nên một số doanh nghiệp tham gia lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội đã nghĩ ra những cách làm “đi tắt, làm ngang”, tự ý rút bớt quy trình, không tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường đối với việc tập kết rác chờ xử lý để giảm ngày công lao động, dẫn đến ô nhiễm môi trường. Thậm chí, có những “mánh khóe”, những tiêu cực trong việc thu gom và vận chuyển rác thải.

Theo tính toán mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt của thành phố Hà Nội thải ra là khoảng 5.400 tấn, cao điểm lên tới trên 7.000 tấn. Trong đó số liệu thống kê năm 2013, lượng rác thải sinh hoạt chỉ riêng trong khu vực nội thành khoảng 4.200 tấn/ngày; khu vực ngoại thành ước khoảng 2.220 tấn/ngày. Phần lớn khối lượng rác thải này được xử lý theo phương pháp chôn lấp chủ yếu tại 2 khu xử lý chất thải tập trung tại bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và bãi Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây).

Ông Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cho hay, mỗi năm ngân sách thành phố chi cho xử lý rác thải, dọn vệ sinh, rửa đường lên tới 4.000 tỷ đồng. Nhưng theo đánh giá của vị này dù số tiền chi ra hàng năm rất lớn nhưng hiệu quả về thu gom, vận chuyển rác thải không như mong muốn, thành phố vẫn “lem nhem”, nhiều bất cập trong công tác quản lý của lĩnh vực này phải thay đổi.

Khi lượng rác thải giảm bất thường

Có một điều không bình thường khi mà dân số Thủ đô ngày càng tăng lên nhưng lượng rác thải sinh hoạt gần đây lại có xu hướng giảm về khối lượng. Mới đây, sau khi Hà Nội tiến hành rà soát ngân sách chi trả cho việc xử lý rác thải, dọn vệ sinh, rửa đường… trên địa bàn một số quận, huyện như Thanh Xuân… giảm đi rất nhiều. Điều này gây nhiều bất ngờ cho cả lãnh đạo thành phố lẫn người dân.

Mang câu chuyện này đến hỏi lãnh đạo một cty về thu gom rác thải sinh hoạt được biết, nguyên nhân là do sự “nhập nhèm” trong quản lý công tác xã hội hóa việc thu gom, xử lý rác thải giữa dịch vụ hợp đồng và đặt hàng. 

“Trước đây có sự nhập nhèm trong công tác xã hội hóa đấu thầu. Ví dụ đấu thầu, đặt hàng xử lý trên một con đường nhưng mà con đường đó lại nằm vào khu đô thị nên người dân phải nộp tiền mà nhà nước cũng phải trả thêm tiền. Cũng có cách tính theo khối lượng rác. Ví dụ khối lượng rác của khu chung cư thì người dân đã phải trả tiền rồi tuy nhiên lên trên trạm cân thì vẫn phải trả theo khối lượng. Bây giờ bóc tách được ra hai cái đó nên chi phí giảm đi”, lãnh đạo cty thu gom rác thải sinh hoạt nói.

Theo tìm hiểu, với dịch vụ hợp đồng thì cứ đưa khối lượng rác thu gom vận chuyển lên bãi rác, sau khi cân khối lượng rồi trừ đi lượng dịch vụ hợp đồng để Nhà nước thanh toán. 

“Nhưng bên dịch vụ hợp đồng lại khai gian khối lượng, ví dụ 100 tấn thì bảo là 50 tấn, còn lại 50 tấn nhà nước phải trả tiền. Vừa rồi qua kiểm tra hết các hợp đồng thì lộ cái đó ra”, lãnh đạo trên cho biết thêm. Cũng theo ông này, có hiện tượng các xe vận chuyển rác thải sinh hoạt hàng ngày bơm nước, trộn thêm phế thải, quay vòng xe để khai gian khối lượng tại trạm cân.

“Bơm nước giống như bơm nước ở thịt lợn để tăng khối lượng. Đi trên đường nước sẽ rò rỉ ra tạo mùi hôi. Thứ hai là dùng xe tải trọng tải lớn để vận chuyển lên bãi còn xe đi thu thì bé. Sau đó họ có trạm trung chuyển, đổ thêm đất thải xây dựng vào để tăng thêm khối lượng”, vị này cho biết.

Điều bất cập nữa, bãi rác Nam Sơn là nơi tiếp nhận, xử lý rác thải chủ yếu của thành phố hiện nay do URENCO quản lý, nhưng lực lượng giám sát trạm cân ra vào để tính tiền lại là một đơn vị khác. Và theo cán bộ của cty thu gom rác thải sinh hoạt trên thì có tình trạng “móc ngoặc” để hợp thức hóa việc nâng khối lượng rác thải. 

“Trước tình trạng diễn ra thường xuyên nên khối lượng rác của thành phố cũng đội lên. Bây giờ có giảm rồi”, ông này nói. Để tránh tình trạng này, URENCO đã lắp camera theo dõi trạm cân, giám sát các xe vận chuyển rác ra vào: “Ai cũng biết nhưng bắt được quả tang thì chưa có. Trạm cân này lại do bên khác quản lý”, người này nói.

Theo tài liệu tổng hợp của một cty thu gom rác thải sinh hoạt, khối lượng rác thải tiếp nhận xử lý tại bãi rác Nam Sơn đúng là có nhiều bất thường. Cụ thể, năm 2014, trung bình khối lượng rác một ngày là 3.997 tấn, năm 2015 tăng lên thành 4.336 tấn nhưng đến 8 tháng đầu năm 2016 chỉ còn 3.889 tấn. Tổng khối lượng rác trung bình trong 8 tháng đầu năm 2016 giảm so với khối lượng rác trung bình năm 2015 là 21.300 tấn. Khối lượng rác trung bình hàng ngày 8 tháng đầu năm 2016 cũng giảm so với khối lượng trung bình ngày năm 2015 là 447 tấn.

MỚI - NÓNG