> Tập đoàn Kenmark và món nợ 50 triệu USD
> Khi doanh nghiệp FDI bỏ trốn, xù nợ
Cty TNHH Haiyih được xác định đã có hành vi chuyển giá. Ảnh: Kim Anh. |
Lỗ triền miên vẫn mở rộng sản xuất
Thống kê của ngành chức năng Lâm Đồng cho thấy nhiều năm liền báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các DN FDI đều lỗ.
Theo báo cáo quyết toán năm 2009 của các DN FDI tại Lâm Đồng, có 104 DN (chiếm gần 95% số DN FDI) sản xuất kinh doanh thua lỗ, DN có quy mô làm ăn càng lớn thì báo cáo lỗ càng nhiều: Cty TNHH Trà King Lộ (vốn pháp định 32 tỷ đồng) kêu lỗ trên 47,7 tỷ đồng, Cty TNHH Haiyih (vốn pháp định 11,2 tỷ) báo cáo lỗ gần 47,6 tỷ, Cty TNHH TFB Việt Nam (vốn pháp định 32 tỷ) lỗ lũy kế gần 40 tỷ, Cty TNHH King Wan Chen (vốn pháp định 16 tỷ đồng) lỗ 25,2 tỷ, Cty TNHH Trà Đà Loan (vốn pháp định 9,6 tỷ) lỗ lũy kế hơn 11,2 tỷ, Cty TNHH Tứ Hải (vốn pháp định 2,4 tỷ đồng) thua lỗ 2,2 tỷ...
Ông Nguyễn Văn Từa cán bộ Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng nói: Số lỗ lũy kế mà 17 DN này kê ra đến cuối năm 2009 lên đến 317 tỷ đồng, trong đó nhiều đơn vị lỗ gần hết vốn đầu tư, thậm chí số lỗ cao hơn vốn đầu tư, ngoài ra còn các khoản phải trả rất lớn.
Như vậy xét về khả năng tài chính không thể tiếp tục sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế các DN này vẫn hoạt động bình thường, thậm chí mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đầu tư nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị; thuê thêm đất để trồng chè và mua sắm thêm nhiều tài sản đắt tiền như nhà cửa, ô tô…
Nghịch lý đó khiến Cục Thuế Lâm Đồng nghi ngờ các DN đã chuyển giá để lách luật, lách thuế nên quyết định tổng kiểm tra, khởi đầu là 17 DN đến từ Đài Loan chuyên sản xuất, chế biến xuất khẩu chè ô long bởi nhóm DN này kêu lỗ nhiều nhất.
Cắt lỗ hơn 300 tỷ đồng
Lãnh đạo Cục thuế Lâm Đồng cho biết, việc kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn, bởi những dữ liệu thu thập được từ các DN FDI quá ít. Cục Thuế phải thu thập thêm thông tin từ các cơ quan có liên quan như Sở Công Thương, Chi cục Hải quan, Sở Kế hoạch & Đầu tư, cơ quan An toàn thực phẩm, đăng ký chất lượng hàng hóa; các tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho DN hoặc những người từng làm việc và đang làm việc tại các DN này.
Mặt khác, chỉ trong năm 2010, Cục Thuế tổ chức 6 cuộc đối thoại tập trung với nhóm DN kêu lỗ, đồng thời nhiều lần đối thoại riêng với từng DN để vừa đấu tranh vừa vận động tuyên truyền chính sách pháp luật thuế để các DN chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ kê khai tính thuế.
Qua rà soát, phân tích hồ sơ cho thấy đa số nhà đầu tư FDI ngành chè hoạt động theo dạng khép kín: Toàn bộ giá trị đầu tư giống, máy móc, trang thiết bị… từ Cty mẹ ở Đài Loan chuyển sang, các thành viên góp vốn cũng là người nước ngoài.
Đến khi làm ra chè thành phẩm thì xuất ngược từ Cty ở Việt Nam sang chính Cty mẹ. Mọi giá trị đầu tư, giá cả do họ tự thỏa thuận định đoạt với nhau nên Cục Thuế khó kiểm soát và khó có giá để so sánh đối chứng… nhất là khi sản phẩm được đóng gói theo quy cách riêng và chỉ ghi bằng tiếng nước ngoài.
Thủ đoạn cơ bản của các DN này là nâng giá hàng hóa, tài sản nhập khẩu từ Đài Loan vào Việt Nam để tăng chi phí, giá trị đầu tư; trong khi đó lại tìm mọi cách hạ giá sản phẩm chè xuất khẩu từ Việt Nam về Cty mẹ ở bản quốc dẫn đến DN FDI thua lỗ triền miên.
Chẳng hạn, để chế biến 1kg chè ô long thành phẩm cần có 5kg nguyên liệu chè tươi. Giá 1kg chè búp tươi khoảng 35.000 đồng nên chi phí nguyên liệu cho 1 kg chè ô long thành phẩm là 175.000 đồng, đó là chưa kể các chi phí về điện, nước, nhân công, quản lý, khấu hao máy móc thiết bị…
Thế nhưng các DN kê giá xuất khẩu chỉ có 4 USD/kg (tương đương 64.580 đồng/kg), chỉ bằng 37% giá thành sản phẩm! Điều bất thường nữa là, cũng chính những sản phẩm chè ô long này nhưng khi bán tại thị trường Việt Nam giá lên tới 1,2 triệu đồng/kg, cao hơn giá xuất khẩu tới 18 lần! “Rõ ràng đã xảy ra tình trạng chuyển giá ở các DN FDI nói trên, nên giá xuất khẩu thấp hơn giá thành sản phẩm và giá nội địa” - lãnh đạo Cục thuế nói.
Qua các đợt kiểm tra, giá xuất khẩu các loại chè ô long được DN tính đã tăng từ 2 - 3 lần: Trung bình 8,6 USD/kg, thậm chí có sản phẩm giá 11,68USD/kg chứ không phải chỉ 4 USD/kg cho mọi sản phẩm chè như các DN kê khai trước đây. Lập tức các DN FDI nói trên đã có lãi từ năm 2005 đến nay chứ không phải lỗ triền miên như họ đã báo cáo.
Trên cơ sở đó, Cục thuế đã cắt khoản lỗ khổng lồ trên 300 tỷ của nhóm DN này. Và lần đầu tiên trong vòng 10 năm (có dự án trên 10 năm), các DN FDI trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chè có phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước.
Kiểm soát giá bán xuất khẩu
Cục thuế Lâm Đồng cho biết, đang triển khai bước 2 của việc chống chuyển giá: Xác định giá xuất khẩu thực của chè ô long bởi giá được tính trong thời gian vừa qua vẫn chưa sát với giá thực tế. Mặt khác những năm gần đây, giá cả thị trường biến động nhiều nhưng giá xuất khẩu mà các DN FDI kê khai năm 2011 so với giá năm 2009 tăng không tương xứng.
Xét về góc độ mức đầu tư của các DN FDI qua các năm so với lợi nhuận tự kê khai cũng không tương xứng. Và, nếu tính trên một đơn vị sản phẩm thì mức lợi nhuận của các DN này cao hơn lợi nhuận của các đơn vị sản xuất trong nước.
Do đó cần tiếp tục nghiên cứu xác định giá xuất khẩu tương đối xác thực để tạo sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, các thành phần kinh tế trong việc giành thị phần mua nguyên vật liệu đầu vào (chè tươi của nông dân), chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ…
Theo Cục Thuế Lâm Đồng, thực tế trên cho thấy pháp luật về thuế của Việt Nam còn những kẽ hở để nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng, đặc biệt chưa có văn bản quy phạm pháp luật kiểm soát giá bán xuất khẩu và những chế tài đối với các đơn vị có hành vi chuyển giá để lách thuế.
Sẽ kiểm tra 700 DN FDI báo lỗ Theo một lãnh đạo Bộ Tài chính, từ nay đến cuối năm 2011, ngành thuế sẽ tập trung kiểm tra khoảng 700 DN FDI liên tục báo lỗ, nhưng chưa được thanh tra về chống chuyển giá. Để chống chuyển giá, Bộ sẽ thẩm định giá và tăng cường phối hợp quản lý giá tại cơ quan thuế của Việt Nam và công ty mẹ của DN FDI. Trước đó, qua kiểm tra gần 500 DN FDI báo lỗ, đến nay ngành thuế đã kết luận giảm lỗ hơn 3.600 tỷ đồng của các DN này, từ đó giúp tăng thu ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng. |