Cục Y tế Dự phòng đề nghị Bình Định tăng cường phòng, chống bệnh cúm sau 4 ca tử vong

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Bình Định tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường các hoạt động tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh cúm,…

Liên quan tình hình dịch bệnh cúm A/H1pdm ở Bình Định, sáng 28/11, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh Bình Định cho hay, đây là một bệnh dịch cúm mùa, chỉ những người có bệnh nền, già yếu thì mới có nguy cơ chuyển nặng.

“Cộng đồng bình thường lâu nay cũng miễn dịch rồi nên không có nguy cơ lây lan rộng. Chỉ có một số nhóm đối tượng có nguy cơ thì nên đi tiêm vắc xin cúm mùa, nếu có mắc thì sẽ giảm nhẹ”, ông Truyền nói đồng thời cho biết năm 2023 chỉ có 1 trường hợp tử vong.

Trước đó, báo cáo của Trung tâm KSBT tỉnh Bình Định, tính đến ngày 20/11, toàn tỉnh đã ghi nhận 9 trường hợp dương tính với cúm A/H1pdm. Trong đó, có 4 trường hợp tử vong.

Theo Giám đốc Trung tâm KSBT tỉnh Bình Định Nguyễn Thanh Truyền, hiện có 2 ca phải thở máy đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Chú ý đối với các trường hợp mắc cúm trong nhóm nguy cơ cao

Liên quan tình hình bệnh cúm trên địa bàn Bình Định, ngày 27/11, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định đề nghị khẩn trương chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện tốt công tác tăng cường phòng, chống bệnh.

Cục Y tế Dự phòng đề nghị Bình Định tăng cường phòng, chống bệnh cúm sau 4 ca tử vong ảnh 1

Sở Y tế Bình Định yêu cầu các trường hợp bệnh có dấu hiệu chuyển nặng cần kết hợp điều trị hồi sức tích cực với điều trị căn nguyên và chuyển tuyến kịp thời. Ảnh: Trương Định

Theo đó, đề nghị Sở khẩn trương chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện báo cáo tổng thể tình hình bệnh cúm trên địa bàn tỉnh và các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai trong năm 2023 - 2024, phân tích tỷ lệ các trường hợp nặng, tử vong do bệnh cúm; báo cáo công tác giám sát cúm, đặc biệt làm rõ kết quả giám sát viêm phổi nặng do vi rút để cho thấy thực trạng tình hình nhiễm và tử vong do bệnh cúm tại tỉnh Bình Định, báo cáo những vấn đề bất thường về bệnh cúm tại tỉnh (nếu có) gửi Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) trước ngày 29/11.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng. Đẩy mạnh giám sát các trường hợp viêm phổi nặng và các chùm trường hợp bệnh cúm tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp, kịp thời.

Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, đặc biệt chú ý đối với các trường hợp mắc cúm trong nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già và trẻ em.

Trước đó, Sở Y tế Bình Định cũng ra văn bản khẩn đề nghị các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố; bệnh viện tư nhân và phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn tỉnh tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm A/H1pdm.

Đồng thời đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động lập dự trù, thực hiện việc mua sắm thuốc kháng vi rút Oseltamivir hoặc Zanamivir, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh.

Đề nghị Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc chứa Oseltamivir hoặc Zanamivir có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam để kịp thời cung cấp cho nhu cầu điều trị của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh.

MỚI - NÓNG
Thủ tướng: Đưa tiền ra, hút tiền về phải nhịp nhàng, không giật cục
Thủ tướng: Đưa tiền ra, hút tiền về phải nhịp nhàng, không giật cục
TPO - "Việc đưa tiền ra và hút tiền về phải nhịp nhàng, đồng bộ, hợp lý, không giật cục và tạo áp lực thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục nhanh hậu quả cơn bão số 3, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" - công điện của Thủ tướng chỉ đạo về điều hành tín dụng nêu rõ.