Tăng tốc sản xuất vắc-xin
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên toàn thế giới hiện đang có 112 ứng viên vắc-xin ngừa COVID-19 được thử nghiệm lâm sàng.
Tại châu Á, nhiều quốc gia đang tích cực nghiên cứu phát triển vắc-xin để hạn chế phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Nhật Bản hiện đang có bốn ứng viên vắc xin thử nghiệm giai đoạn hai và ba. Hàn Quốc đang nghiên cứu ít nhất ba loại, Thái Lan hai loại, Singapore một loại.
Ấn Độ có hai vắc-xin nội địa là Covaxin (vắc-xin bất hoạt) và ZyCoV-D. Trong đó, ZyCoV-D, vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ DNA Plasmid, mới đây đã được cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ phê duyệt sử dụng khẩn cấp cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Vắc-xin ZyCoV-D được đưa xuống dưới da bằng dụng cụ đặc biệt không cần kim tiêm. Đây là lợi thế của ZyCoV-D trong bối cảnh thế giới đang cạnh tranh về kim và ống tiêm.
Tại Cuba, cơ quan quản lý dược phẩm ngày 20/8 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho hai loại vắc-xin nội địa là Soberana 02 và Soberana Plus. Đây là hai loại vắc-xin được sử dụng kết hợp. Một liệu trình gồm hai liều Soberana 02 và một liều Soberana Plus mang lại hiệu quả ngăn ngừa các triệu chứng của COVID-19 tới 91,2%, theo nhà sản xuất.
Tại Nga, các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Gamelaya đã hoàn thành thử nghiệm tiền lâm sàng loại vắc-xin COVID-19 dạng xịt qua đường mũi, và sẵn sàng triển khai thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Ngoài vắc-xin ngừa COVID-19, Trung tâm Gamelaya có thể sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa cùng lúc nhiều chủng virus corona vào năm sau.
Kì vọng vào thuốc kháng thể
Khi biến thể Delta làm gia tăng số ca bệnh ở nhiều nước trên thế giới, cả những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao, nhiều “ông lớn” ngành dược đã đẩy mạnh nghiên cứu phương pháp điều trị bằng thuốc kháng thể đơn dòng với hy vọng giảm áp lực lên hệ thống y tế.
Kháng thể đơn dòng hoạt động theo cơ chế bắt chước các kháng thể tự nhiên do cơ thể sản xuất để chống lại virus. Trong khi vắc-xin mất vài tuần để kích hoạt hệ thống miễn dịch, thì kháng thể đơn dòng sẽ hoạt động ngay lập tức sau khi được đưa vào cơ thể.
Thuốc có thể được tiêm hoặc truyền, nhưng không được sử dụng để thay thế cho việc tiêm chủng vì các kháng thể thông thường sẽ chỉ phát huy tác dụng trong khoảng một tháng, ngắn hơn nhiều so với vắc-xin.
Ngày 20/8, hãng dược AstraZeneca thông báo về kết quả thử nghiệm khả quan của AZD7442 – thuốc điều trị COVID-19 được bào chế kết hợp hai loại kháng thể. Tham gia cuộc thử nghiệm có 5.197 người chưa mắc COVID-19. 75% trong số đó mắc các bệnh mãn tính, bao gồm một số bệnh lý có thể làm giảm phản ứng miễn dịch với vắc-xin. Kết quả cho thấy những người dùng AZD7442 giảm tới 77% nguy cơ phát triển các triệu chứng của COVID-19 so với những người dùng giả dược.