Cửa ngõ phía Tây Hà Nội xập xệ: 2 nhiệm kỳ chưa xong thủ tục đầu tư

Đoạn QL6 qua thị trấn Chúc Sơn được thi công nhưng chậm 3 năm nay vẫn chưa hoàn thành Ảnh: T.Đảng
Đoạn QL6 qua thị trấn Chúc Sơn được thi công nhưng chậm 3 năm nay vẫn chưa hoàn thành Ảnh: T.Đảng
TP - Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thành phố Hà Nội thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai - tuyến đường cửa ngõ quan trọng ở phía Tây Hà Nội. Sau 10 năm, QL 6 vẫn là một công trường dang dở.

Đường cửa ngõ duy nhất chỉ có 2 làn xe

Trong 5 cửa ngõ vào Thủ đô, lòng đường thường từ 6 đến 10 làn xe, nhưng tuyến QL6 chỉ có 2 làn xe cho cả hai chiều đường. Do mặt đường chật hẹp, lại bị lấn chiếm nên hiện nay một số đoạn tuy mang tiếng là QL nhưng 2 ô tô tải tránh nhau còn khó khăn. Tình trạng này đã diễn ra hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa được cải thiện. Ngoài ùn tắc kéo dài thường xuyên, Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội còn cho biết, trong các vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn huyện Chương Mỹ, QL6 đang chiếm số lượng “top” đầu.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Cty CP Quản lý xây dựng đường bộ 1 Hà Tây (quản lý, duy tu QL6), cho biết, hiện mặt đường QL6 không đoạn nào là không hư hỏng, vá víu. Cùng với đó, nhiều đoạn chỉ rộng 9 mét cho cả hai chiều (trung bình chỉ 4,5 mét/làn); diện tích mặt cắt này chỉ đủ cho 1 làn ô tô di chuyển. “Do lượng phương tiện hiện nay đã vượt nhiều lần so với thời điểm tuyến đường được xây dựng nên ngoài hư hỏng mặt đường, QL6 thường xuyên xảy ra ùn tắc. Cùng với đó, hệ thống cầu, cống cũng oằn mình chống đỡ với lượng phương tiện tăng cao”, ông Vinh nói.

Về tình trạng quản lý, duy tu QL6 hiện nay, ông Vinh cho biết, do có dự án nâng cấp, mở rộng nên việc của đơn vị hiện nay chỉ thiên về thống kê, báo cáo những sự cố. Việc duy tu, sửa chữa chỉ là vá víu ổ gà, những hạng mục sửa chữa lớn để đảm bảo hạ tầng giao thông đồng bộ gần như bị “cắt” vì phải dừng chờ dự án lớn trên.

Chưa khởi công đã 3 lần đổi nhà đầu tư

QL6 là tuyến cửa ngõ và cung đường đi lại gần nhất giữa Hà Nội và Hòa Bình, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để thành phố Hà Nội triển khai dự án cải tạo, nâng cấp theo hình thức chỉ định nhà đầu tư. Ngay sau đó, dự án được thành phố Hà Nội giao cho Tổng Cty Sông Đà lập và thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai dài khoảng 25 km theo hình thức BOT kết hợp với BT. Dự án được thành phố Hà Nội xác định là công trình trọng điểm thuộc nhóm A, có mục tiêu chính: giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên QL6 đoạn qua Hà Nội.

Tuy nhiên, sau đó, do Tổng Cty Sông Đà không thực hiện được dự án nên đến năm 2012, công trình phải tìm chủ đầu tư mới. Theo đó, tuyến đường dự án đã chia làm 3 đoạn, gồm đoạn từ Ba La đến đầu thị trấn Chúc Sơn, đoạn qua thị trấn, đoạn Chúc Sơn - Xuân Mai. Với đoạn Ba La - Chúc Sơn, năm 2012, UBND quận Hà Đông đề xuất thực hiện dự án đoạn này với tổng kinh phí 3.578 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2017; đoạn qua thị trấn Chúc Sơn dài hơn 2 km, UBND huyện Chương Mỹ cũng đề xuất được làm chủ đầu tư và có tiến độ hoàn thành năm 2017. 

Với đoạn thị trấn Chúc Sơn - Xuân Mai, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho liên danh Tổng Cty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), Cty CP Thương mại Ngôi nhà mới, Cty CP Sông Đà Hà Nội, Tổng Cty Phát triển hạ tầng đô thị, Cty Đầu tư và dịch vụ thương mại Đại An thực hiện dự án theo hình thức BT. Để thực hiện dự án, liên danh này đã thành lập Cty CP Đầu tư Louis Group làm đại diện nhà đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư là 4.907 tỷ đồng và quý II/2022 hoàn thành.

Tuy nhiên, đến nay chỉ có đoạn dài 2 km qua thị trấn Chúc Sơn là được triển khai. Mốc thời điểm năm 2017 đã qua 3 năm nhưng hiện công trường dự án vẫn chưa xong; với đoạn Ba La - Chúc Sơn, do UBND quận Hà Đông không huy động được đủ vốn nên năm 2017 có văn bản xin được dừng. Trước tình thế trên, UBND thành phố tiếp tục giao cho nhà đầu tư là Cty CP Đầu tư Louis Group (Louis Group) bổ sung đoạn này và nâng tổng mức đầu tư của  Louis Group tại dự án lên 8.485 tỷ đồng. Nhưng đến nay, đã gần 10 năm trôi qua, dự án cải tạo QL6 vẫn chưa được khởi công.

Chưa thi công đã bị “tuýt còi”

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cty CP Quản lý xây dựng đường bộ 1 Hà Tây cho biết, ngoài đoạn 2 km qua thị trấn Chúc Sơn đang thi công chưa xong, đoạn từ Ba La đến Chúc Sơn và từ Chúc Sơn đến Xuân Mai trong năm 2019 nhà đầu tư mới đến thông báo làm thủ tục khoan, thăm dò địa chất, còn chưa thấy triển khai ở hiện trường.

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban Giao thông) cho biết, do gặp một số vướng mắc trong đó có việc nhà đầu tư phải xử lý, khắc phục một số nội dung được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong việc lập, trình duyệt dự án vừa qua nên đến nay dự án về cơ bản vẫn chưa được triển khai ở hiện trường. “Với chức năng là đơn vị được thành phố giao quản lý, giám sát các công trình giao thông trọng điểm, trong đó có các dự án BT, tuy nhiên dự án cải tạo QL6 chưa triển khai nên Ban cũng chưa được giao tiếp nhận công trình này”, đại diện Ban Giao thông cho biết.

Mặc dù Chính phủ đã đồng ý cho triển khai hơn 10 năm qua nhưng đến nay qua 2 nhiệm kỳ thành phố Hà Nội với 3 lần đổi nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện được dự án là quá đáng tiếc. “Nếu việc tham mưu tốt, dự án chọn được nhà đầu tư đủ khả năng, tiềm lực để thi công thì đến nay dự án đã xong và không vướng vào những quy định mới ở hiện hành”, đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội đánh giá.

Theo đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, để đẩy nhanh tiến độ dự án, trước khó khăn về mọi mặt như hiện nay, thành phố nên phân kỳ đầu tư làm nhiều giai đoạn, mặt đường không nhất thiết cứ phải rộng ngay từ 20 đến 50 mét. “Trước mắt, cần xây dựng từ 20 đến 30 mét cũng rộng gấp đôi hiện nay. Như vậy, vừa thi công nhanh vừa giảm chi phí đầu tư. Không nên để cho nhà đầu tư vẽ dự án vừa tăng vốn, tăng hạ tầng đối ứng lại khó thực hiện”, đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội nêu ý kiến.

MỚI - NÓNG