'Cửa' nào cho phát triển tín dụng xanh?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, hiện nay luật chưa đề cập đến việc bảo vệ rủi ro liên quan đến khí hậu, nếu phát triển tín dụng xanh dài hạn thì có thể sẽ có rủi ro pháp lý lớn.

Ngày 18/10, diễn ra hội thảo tài chính xanh với chủ đề “Chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa doanh nghiệp và ngân hàng” do báo SGGP - Đầu tư Tài chính phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.

TS. Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội - cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh của Việt Nam tương đối cao nhưng chiếm tỷ trọng còn khá nhỏ so với tổng tín dụng của toàn nền kinh tế. Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế hiện nay đạt khoảng 14,7 triệu tỷ đồng. Nhưng dư nợ tín dụng xanh hiện mới chỉ đạt khoảng 650.300 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2023 và chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Rõ ràng đây là một tỷ lệ vô cùng khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, phần lớn nguồn vốn xanh đang chủ yếu tập trung cho các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (dự án điện gió, điện mặt trời) chiếm gần 45% và nông nghiệp xanh (chiếm gần 30%).

'Cửa' nào cho phát triển tín dụng xanh? ảnh 1

Doanh nghiệp chuyển đổi xanh để tiếp cận tài chính xanh.

Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, như điện sinh khối, giảm khí thải… đòi hỏi lượng tín dụng rất lớn cho DN. Ông Lịch nói rằng, về mặt pháp lý đã có một số quy định nhưng để các DN có thể tiếp cận dụng tín dụng, phải làm rõ tiêu chí xanh, thước đo môi trường như thế nào? Về nguồn vốn, hiện nay không chỉ có ngân hàng thương mại mà phải tận dụng nguồn vốn quốc tế, các quỹ đầu tư… ưu tiên cho kinh tế xanh.

TS. Trần Du Lịch cũng cảnh báo nếu không quản lý rủi ro, có thể tăng nợ xấu. Vì vậy, cần phải giảm rủi ro nợ xấu, có những giải pháp liên quan đến việc tư vấn tín dụng xanh.

Luật sư Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - nhìn nhận, các DN vẫn chưa có sự chuẩn bị về mặt pháp lý trong bối cảnh chuyển đổi xanh. Nếu quản trị, chuyển đổi không tốt sẽ gây ra một số hệ quả. Điều này đòi hỏi DN phải có phương án xử lý rủi ro, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp.

“Trong xu thế xanh hiện nay sẽ có những áp đặt liên quan đến các hợp đồng mua bán hàng hóa nên DN cần chủ động chuẩn bị những phương án giải quyết tranh chấp” - Luật sư Bắc khuyến cáo.

GS.TS Trần Ngọc Thơ - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cảnh báo, luật chưa đề cập đến việc bảo vệ rủi ro liên quan đến khí hậu. Phát triển tín dụng xanh dài hạn thì rủi ro pháp lý lớn. Nếu Quốc hội không ghi vào Luật Ngân hàng Nhà nước về bảo đảm các “cú sốc” trước biến đổi khí hậu thì khó để ngành cho vay xanh phát triển mạnh, bởi chỉ số rủi ro sẽ cao hơn.

“Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc của Chính phủ và không chỉ nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, mà của tất cả. Từ đó mới đẩy được tín dụng xanh như chúng ta mong muốn” - ông Thơ kiến nghị.

Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) - cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết trước quốc tế về mục tiêu Net Zero vào năm 2050, nhưng nhìn lại luật về NHNN chưa có ý kiến gì về vấn đề này.

Tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, chúng ta có rất nhiều công cụ trung gian để giảm thiểu rủi ro. Trước hết, bảo hiểm là công cụ rất tốt. Bảo hiểm tiêu chí hoặc bảo hiểm phi nhân thọ, hoàn toàn có thể thiết kế các sản phẩm để giảm thiểu rủi ro cho tín dụng xanh. Đặc biệt, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ có thể giúp giảm thiểu rủi ro. Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ, chưa cần chính sách mà có thể tự thân vận động.

MỚI - NÓNG