Cụ Kim Lân về làng

TP - Làng Phù Lưu, Đông Ngàn quê nhà văn Kim Lân.Tác phẩm Làng gần như bầu lên một tên tuổi Kim Lân. Ngày 22/7 này ở làng Phù Lưu, Đông Ngàn của Phủ Từ Sơn nay là phường Đông Ngàn thị xã Từ Sơn diễn ra một sự kiện văn hóa: Chính quyền phường phối hợp với gia đình nhà văn khánh thành nhà lưu niệm Kim Lân. Lần này ông về làng là lần cuối. Là ở hẳn…

Đông Ngàn, địa danh luôn gợi một quá vãng thương mến.  Xửa xưa Đông Ngàn là thủ phủ không những của Từ Sơn mà còn là của Kinh Bắc, tên cũ của xứ Bắc Việt Nam.  Trấn Kinh Bắc có từ thời vua Lê Thánh Tông gồm toàn bộ ranh giới 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần các tỉnh thành lân cận của Hà Nội. Được làm con dân xứ ấy kể ra cũng là một sự may.

Thi sĩ Hoàng Cầm đã choán hẳn một góc chiếu văn với Về Kinh Bắc. Nhà văn Kim Lân thì là Làng!

Cụ Kim Lân về làng ảnh 1

Nhà lưu niệm Kim Lân ở quê nhà Phù Lưu.

Cụ Kim Lân về làng ảnh 2

Tác giả trước Nhà lưu niệm Kim Lân

Cụ Kim Lân về làng ảnh 3

Bên trong Nhà lưu niệm Kim Lân

Cái tên Kim Lân cứ như một mạch nguồn  khác của làng quê Việt. Sao lại là Kim Lân? Sơn Hậu, vở tuồng cổ khuyết danh chính cống của người Việt ra đời khoảng nửa cuối thế kỷ 18 lấy tích từ sử Tàu na ná như Nguyễn Du lấy tích Kim Vân Kiều để thăng hoa thành Truyện Kiều vậy! (Sơn Hậu sau này được Đào Tấn chỉnh lý cho suôn, mượt hơn) Tuồng Sơn Hậu bao đêm đỏ đèn trong dằng dặc đêm trường đất Việt từ làng quê này nối sang làng quê khác. Cuốn hút, gọi mời những ràn rạt người xem bởi lời thoại mộc mạc, đại chúng, đề cao chính nghĩa và bản chất tốt đẹp của con người dám xả thân vì nghĩa lớn. Điểm nhấn của Sơn Hậu là tình bạn đẹp đẽ, cao quý của Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá.

Là người của làng thấm đậm chất làng nên anh thợ sơn Nguyễn Văn Tài của đất Phù Lưu, Đông Ngàn, giời cho tí chữ, tí văn đã nhất quyết lấy cái tên Kim Lân làm bút danh cho một đời viết của mình?

Nguồn cơn làng ám vào một Kim Lân một thời thì đã hẳn,  nhưng sau này thi thoảng vài kỳ thi đại học, người ta cứ bền bỉ rủ rê lẫn đe đám học trò thau tháu ấy bằng cách bắt chúng nhập cuộc vào truyện ngắn Làng Vợ nhặt. Nói bắt thì hơi quá. Nói đúng là một cách, một phương pháp cảm. Cảm chứ sao? Không sợ nói quá bởi phải cảm được Làng của Kim Lân thì mới có cơ sở để gầy dựng và làm nền cho một thứ đế văn hóa Việt? Bao thế hệ sẽ chững chạc, nhân ái thêm lên khi thấp thoáng hình ảnh trích ra từ LàngĐường trong làng lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến chân. Tháng năm, ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì thượng hạng, không có lấy một hạt đất...

Bữa nay miễn bàn đến đơn vị làng vô hình của văn chương Việt. Mà hữu hình cái làng quê Phù Lưu, Đông Ngàn của cụ Kim Lân.

Có lẽ đoạn thổ trạch, nhà văn Kim Lân hơi bị lận đận?  Ở làng Phù Lưu, Đông Ngàn đây, ông thân nhà văn ngày trước có hẳn một cơ ngơi khá hoành tráng. Nhà chính 2 tầng, bên tả là 5 gian mái ngói, mé hữu là nhà 3 gian, có vườn, bếp, bể nước mưa.  Ông chủ cơ ngơi ấy  có ba bà. Bà hai không có con, bà ba là bà nội của các người cháu nhớn nhao thành đạt sau này, những họa sĩ  Nguyễn Thị Hiền, Thành Chương, Mạnh Đức,  Từ Ninh, Việt Tuấn.

Cụ Kim Lân về làng ảnh 4 Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và trưởng khu phố Nguyễn Trọng Vũ, Bí thư Chu Minh Đức.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền phác qua khúc nhôi lận đận về đường thổ trạch ấy thế này: Bác trai cả con bà cả mất, bác dâu và 2 con ở cả dinh cơ. Rồi qua tao loạn, đau nhất chả phải đế quốc sài lang nào phá phách mà là người nhà. Một người cháu trong họ hứng lên táo tợn bán tán sạch bách cả một cơ nghiệp.

Ở Hà Nội tiếp được tin dữ ấy, cụ Kim Lân rầu lòng quá! Nhưng biết phải làm sao? Một chiều cái năm đã xa ấy, mò đến nhà cụ ở phố Hà Hồi. Cái dáng nghiêm cẩn mọi khi sải những bước đĩnh đạc là thế chợt có gì như thất thểu.  Cụ cứ thế thập thững bước thấp cao trong cái ngõ sâu ken đặc những người. Gạn hỏi,  mới hé việc con sáo cụ nuôi lâu nay khôn lắm không biết bay lạc đâu mất? Thoảng nghe cụ bộc bạch mà cứ bừng lên một ý nghĩ rằng, nhà văn Kim Lân, tác giả của Làng, Vợ nhặt cùng những con chó xấu xí… sở hữu những nhân vật thuộc phe nước mắt là phải định cư ở những yên tĩnh sinh thái này nọ chứ đâu phải ngày mấy lối  men theo cái ngõ nồng nặc hơi người và chen chúc trong căn hộ sâu tít của Hà Hồi mấy chục mét vuông từ năm 1958 với 7 người con.

Sau này có khá lên. Như ong san bọng, cụ Kim Lân có những người con thành đạt, khá giả. Bao nhiêu là nhời khuyên nhất là khi cụ bà về cõi rằng, cụ nên lên biệt phủ ở hẳn với người con trai trưởng Thành Chương. Mà họa sĩ Thành Chương cũng sẵn lòng vời bố.  Có thể những lời khuyên ấy là phải nhẽ, là thành thực nhưng cũng chỉ thuận tai với người ngoài cuộc.  Có lẽ nhà văn của những nhân vật với thân phận bé mọn thấp hèn, tạng cụ khó mà hạp ở chốn cao sang? Vậy nên cụ cứ ừ hữ, lần lữa… Rồi đùng cái khi cụ nằm xuống một thời gian ngắn, căn nhà cuối đời phố Hà Hồi cũng xổng mất. Lý do thật đơn giản nhưng giờ chẳng dám nhắc lại sợ vong linh cụ thêm tủi!

Cụ Kim Lân về làng ảnh 5 Nhà văn Kim Lân.
Cụ Kim Lân về làng ảnh 6

Mỗi người con nhà Kim Lân đều thương yêu bố theo cái cách của mình. Nhưng có lẽ người con gái cả, họa sĩ  Nguyễn Thị Hiền là tất tả nhất. Lập nghiệp và nổi danh ở Sài Gòn, mấy năm trước chị đôn đáo bay ra bay vào kiếm được căn nhà ở phố Trần Khát Chân tuy hẹp nhưng cũng tùng tiệm bày ra được một cái góc Kim Lân. Chừng như chỗ khuất nẻo ấy diệu vợi nhiều bề nên chị đã âm thầm nhưng quyết liệt gom góp mua bằng được mảnh đất ngay chính tại  làng Phù Lưu, Đông Ngàn. Một trăm mét vuông đất quá đủ cho một nhà lưu niệm Kim Lân, một bảo tàng Kim Lân?

Nhưng đúng thời điểm ấy đã diễn ra một sự. Một sự lành.

…Tôi đang ngồi trong căn nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân. Bức hoành gian giữa lấp lánh ánh sơn then hai chữ Như Đạm của Phạm Minh Hải thể hiện theo lối thảo đang lan tỏa ngữ nghĩa bình hòa, dung dị xuống mọi vật. Tưởng như cả cơ ngơi mà chị Hiền bày biện ở đường Trần Khát Chân rinh cả về đây nhưng chị nói chỉ một phần thôi. Là những đồ vật gần gụi nhất với ông cụ ngày trước. Những trang bản thảo. Một tủ sách nhỏ. Bộ kính gần chục cái. Chiếc tủ nhỏ đựng vài bộ đồ. Những vật dụng cặp, mũ… Và nhiều nhất vẫn là những tấm ảnh, phần nhiều là đen trắng ghi lại một thời, một thuở Kim Lân cùng bạn hữu đồng chí trên các chặng đường văn chương Việt. Bày được như thế cũng là khéo bởi đã toát yếu được một Kim Lân sinh thời trong lòng nhà chỉ 40 mét vuông.

Cụ Kim Lân về làng ảnh 7 Một góc nhà lưu niệm. Ảnh: XB.
Cụ Kim Lân về làng ảnh 8
Cụ Kim Lân về làng ảnh 9

Và thứ đáng kể nhất phải là ngôi nhà mang những kỷ vật ấy. Người con trai thứ của nhà văn, họa sĩ Mạnh Đức đã tài khéo thiết kế kiểu chồng diêm khiến cho ngôi nhà có cảm giác cao sang hẳn lên.

…Các nhà chức việc của làng và xã đang bàn định với chị Hiền những chi tiết cụ thể cho ngày khánh thành nhà lưu niệm.  Xong đâu đấy họ lại mặn thêm chuyện với khách. Chuyện các ông từng ái ngại việc trưởng nữ nhà văn Kim Lân đôn đáo tìm đất ra sao. Việc khu phố (thôn Phù Lưu) và xã (phường) khi bàn định việc cấp đất cất nhà cho một người con nổi tiếng của quê hương Phù Lưu đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối như thế nào. Nghe những sự lành cùng việc nghĩa về chuyện trở về làng của nhà văn Kim Lân, chợt nghĩ đến một chuyện. 

Có một ông từng là tỉnh ủy viên, giám đốc một sở hẳn hoi, nhưng sinh thời mấy nhiệm kỳ quan chức, hình như cư xử với làng với quê nhà kém đầy đặn sao đó… Rồi đùng cái vị ấy viên tịch vì bạo bệnh. Người nhà quyết định đưa về nghĩa địa ở quê nhà. Đám tang mấy chục con xe rước ông về cổng làng nhưng bị đình lại! Hóa ra ông trưởng thôn và các vị bô lão của làng dứt khoát không cho vào. Họ viện ra việc hằng bao năm, hộ khẩu vị quan ấy đã cắt đã chuyển về thành phố. Mà nhà cũ đã bán đã sang tên đổi chủ. Đất hương hỏa cũng chả còn thì nhập về làng làm sao được? Mãi rồi có sự can thiệp của trên, việc ấy cũng ổn.

Cũng có ý kiến rằng, mấy ông chức việc lẫn dân làng ấy rách việc. Thôi thì nghĩa tử, nghĩa tận cũng nên phiên phiến linh động? Nhưng cũng không ít dư luận rằng có lẽ nên phải xử sự vậy! Đó cũng là thông điệp để răn để nhắc nhở những ông thành đạt vung vinh khi còn sống chớ nên trên tiền, trên quyền mà lãng quên nghĩa cử với làng, nên ứng xử sao cho phải nhẽ với nơi mình sinh ra.

Làng? Chợt giật thột cái điều, trong hệ thống văn bản pháp lý, cái từ làng, khái niệm làng bị quên bẵng đi hàng bao năm nay? Và hình như các chức danh Trưởng thôn, Trưởng bản được tái lập và thiết lập cùng danh hiệu làng văn hóa gần đây như sợi dây làm bền chặt thêm quan hệ giữa Dân với Nhà nước? Ngồi nghe ông trưởng thôn làng Phù Lưu nhắc đến  những vị tiên liệt của làng đang được thờ trong Văn chỉ. Về những danh nhân của làng công to việc nhớn nổi danh cả về đường văn lẫn võ mà vẫn thủy chung với Phù Lưu với Đông Ngàn, người còn lẫn người khuất  như Tổng đốc Bắc Giang Hoàng Thụy Chi, nhạc sĩ Hồ Bắc, đạo diễn Nguyễn Đăng Bẩy, tướng Chu Duy Kính, Bộ trưởng Chu Tam Thức… mà thấy cái dư vị lẫn thông điệp Làng của Kim Lân nó cứ sinh sắc thêm nhiều góc độ?

40 mét vuông nhà lưu niệm Kim Lân ở Phù Lưu thoắt liên tưởng đến 40 mét vuông ngày ấy ở ngõ Hà Hồi. Cái liên tưởng tình nghĩa. Bên tôi là ông Nguyễn Trọng Vũ, Trưởng khu phố phường Đông Ngàn, chức ấy như trưởng thôn và ông Chu Minh Đức Bí thư chi bộ khu phố. Tất nhiên có nhiều người, nhiều bộ phận chức việc khác như ông Phạm Quyết Tiến, Chủ tịch phường, ông Bí thư Đào Quang Toàn… Họ là những yếu nhân của làng, của xã đã quyết việc cấp 40m2 đất trung tâm làng ngay bên nhà Văn chỉ của làng Phù Lưu để làm nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân chứ không phải làm trên đất mà họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đôn đáo mua được.

MỚI - NÓNG