“Cụ” đa 200 tuổi của tôi đã hồi sinh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau gần 2 năm kể từ ngày bị gãy đổ và được di dời về nơi ở mới, “cụ” đa 200 tuổi ở Quảng Ngãi đã hồi sinh.
“Cụ” đa 200 tuổi của tôi đã hồi sinh ảnh 1
Xe siêu trường siêu trọng di chuyển "cụ" đa 200 tuổi đến nơi ở mới. Ảnh: NN

“Những cành lá trên thân cụ đa đã phát triển rất nhanh. “Cụ” đa sẽ sống để tiếp tục lưu giữ giá trị tinh thần to lớn cho người dân Quảng Ngãi”, ông Trần Bảo Phát - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ.

Cuộc di dời chưa có tiền lệ

Sáng sớm 21/9/2021, đúng vào rằm Trung thu, gốc đa trên đường Nguyễn Văn Linh (phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi) bất ngờ bật gốc ngã đổ mà không có một nguyên nhân nào tác động trực tiếp. Cây đa “Bà Bút” như cách gọi quen thuộc của bà con địa phương này có đường kính khoảng 4m, cao hơn 20m, tán rộng 30-60m, nặng khoảng 120 tấn.

Hôm cây đa ngã, toàn bộ gốc rễ chỏng chơ bày ra mặt đường. Sự kiện thu hút đông đảo sự quan tâm của mọi người, không riêng ở Quảng Ngãi. Bởi không chỉ ở tầm vóc to lớn cổ lão, mà trải qua 200 năm, “cụ” đa này được xem như linh hồn của làng xã, gắn với bao nhiêu ký ức người dân xứ Quảng.

Ban đầu ý nguyện của dân làng là tìm cách cứu sống và dựng “cụ” ngay tại vị trí cũ. Nhưng sau nhiều lần họp bàn, tính toán kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến từ những chuyên gia sinh vật cảnh cho đến phong thủy, tỉnh Quảng Ngãi quyết định chọn núi Thiên Bút (phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi) làm nơi ở mới cho “cụ”.

Buổi sáng ngày 25/9, “cụ” đa được di chuyển về núi Thiên Bút, cách chỗ cũ 9 km về phía nam để trồng lại. Đích thân Chủ tịch tỉnh Đặng Văn Minh chỉ đạo cuộc này.

Nếu không xem cây đa ấy như một linh mộc thì sẽ không có cuộc chuyển dời vô cùng gian nan với một vật thể nặng tới 120 tấn để… vượt sông Trà như thế. Tôi vẫn nhớ như in cảnh tượng buổi sáng ấy. Hàng loạt xe cẩu và dàn xe “khủng” nhất được huy động. Để dọn đường đưa "cụ" đi, rất nhiều xe nâng và nhân viên của công ty môi trường, điện lực, nhà mạng phối hợp tháo dỡ, nâng cao những đường dây bắc ngang, tạm tháo những trụ camera nơi cửa ngõ thành phố…

Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ mở đường, và chặn hai đầu cầu Trà Khúc để xe chở “cụ” nhích qua. Do chiếc xe đầu kéo không thể di chuyển thẳng vào trung tâm thành phố, nên phải đi lùi hơn 1km ra đường tránh quốc lộ 1. Đoàn xe nhích chậm rãi, “cụ” đi đến đâu, người dân đi theo tiễn đưa đến đó.

Và rồi hình ảnh, câu chuyện về cuộc chuyển dời lịch sử “cụ” đa Bà Bút về núi Thiên Bút đã chiếm trang 1 báo Tiền Phong Chủ nhật ngày 3/10/2021…

“Cụ” đa 200 tuổi của tôi đã hồi sinh ảnh 2
Cụ đa được chằng chống cẩn thận và đã nảy cành xanh lá. Ảnh: NN

Giữ gìn hồn cốt

Trong ký ức của các vị cao niên, vùng đất “cụ” đa ra đời 200 năm trước được gọi là làng Phú Nhơn. Biết bao thế hệ ở làng Phú Nhơn đã lớn lên, gắn bó với gốc đa “Bà Bút”. Cây đa đã che chở dân làng qua bom đạn khốc liệt suốt hai cuộc kháng chiến. Mọi người đều tin rằng cây đa sống qua hàng trăm năm, cũng có linh hồn như con người.

Cụ Dương Thị Ngọc Anh, 76 tuổi, nhà ngay dưới gốc đa cho biết, sống bên gốc cây đa này từ khi còn là một đứa trẻ, ngày cây bị bật gốc, không riêng nhà bà, mà bà con làng xóm ai nấy đều bàng hoàng. “Tôi thương cụ dữ lắm. Hồi cụ chưa ngã, bóng cây phủ kín một góc trời. Gia đình tôi mưu sinh bằng việc bán nước dưới tán cây. Cũng nhờ cái bóng của cụ đa mà gia đình tôi có cuộc sống ổn định”, cụ Anh bộc bạch, rồi kể tiếp “Có lần tôi hỏi ông nội ngài đa có từ bao giờ. Ông nội tôi cũng không biết và chỉ nói từ thời ông cố của ông nội tôi ngài đã to lớn và tỏa bóng ở đó rồi”.

“Cụ” đa 200 tuổi của tôi đã hồi sinh ảnh 3

Bài về "cụ" đa trên báo Tiền Phong Chủ nhật ngày 3/10/2021

Theo lời cụ Anh, mặc dù “cụ” đa đã được di dời về nơi ở mới, nhưng cụ và nhiều người trong làng vẫn thường rủ nhau đến núi Thiên Bút xem tình trạng “cụ” đa ra sao. Bà con ai nấy rất mừng khi chứng kiến “cụ” đa được chăm sóc tận tình, và hiện đã hồi sinh. Tất nhiên đến thời điểm này, “cụ” vẫn chưa xum xuê cành lá như ban đầu, nhưng được như bây giờ đã là ngoài mong đợi rồi.

Tại nơi ở mới để giúp “cụ” đứng vững trước mọi giông gió bất ngờ, đơn vị quản lý chăm sóc đã dùng các trụ điện bê tông, dây cáp chằng chống, lấy lưới che chắn tạo bóng mát, đồng thời lắp hệ đặt hệ thống nước tưới cho “cụ” trong những ngày nắng nóng.

Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi Trần Bảo Phát cho biết, Hội đã nỗ lực hết sức mình để tham mưu cho các cơ quan chuyên môn dùng mọi biện pháp như thuốc kích rễ, giữ độ ẩm, che chắn… nhằm nỗ lực tái sinh cây đa. “Do cây quá già, bộ rễ chính đã bị thoái hóa, nên sự hồi phục phát triển thực sự cũng cần thêm thời gian. Nhưng cụ đã nảy cành xanh lá, để giữ lại phần hồn cốt lịch sử của vùng đất “địa linh nhân kiệt” bên dòng Trà Giang này”, ông Phát nói.

MỚI - NÓNG