Chiều 16/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết ngành thanh tra năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019, sự kiện được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến tới các đầu cầu ở 63 tỉnh, thành phố.
Theo báo cáo của TTCP, năm 2018, thông qua công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, các cơ quan thanh tra đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước và trả lại cho công dân 2.968 tỷ đồng, 100 ha đất; trả lại quyền lợi cho 1.505 người; đồng thời kiến nghị xử lý hành chính 469 người, chuyển cơ quan điều tra 06 vụ, 08 đối tượng. Đặc biệt, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 30 vụ, 43 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Ngoài kết quả trên, ngành thanh tra cũng tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết 531 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp theo Kế hoạch. Đồng thời tham mưu giúp Chính phủ chuẩn bị nội dung, tổ chức Hội nghị của Chính phủ với 27 địa phương về công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc và triển khai thực hiện Kế hoạch hưóng dẫn các địa phương kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài…
Với việc kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 30.000 tỷ đồng và hơn 1.000 ha đất thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, Thủ tướng đã bày tỏ sự vui mừng và biểu dương kết quả đạt được của ngành thanh tra trong năm 2018.
“Năm qua, TTCP từng bước chấn chỉnh, có nhiều tiến bộ, hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ được giao, mang lại niềm tin trong xã hội. Một điểm nổi bật nữa là thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, TTCP đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, đã được các cấp, các ngành triển khai quyết liệt trong năm qua với tinh thần không có vùng cấm, không có hạ cánh an toàn. “Chưa bao giờ chúng ta làm được nhiều việc như năm vừa qua. Nhiều cán bộ, kể cả cấp cao, đã bị xử lý, không kể đương chức, nghỉ hưu hay đã làm công việc khác”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng một số cuộc thanh tra vẫn kéo dài, còn chậm ban hành kết luận. Người đứng đầu nhiều cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật tiếp công dân. Tình trạng khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương, có nguy cơ phát sinh điểm nóng.
Cùng với việc chỉ ra tồn tại nêu trên, Thủ tướng cũng nhắc nhở các cán bộ ngành thanh tra: “Tiếp công dân không phải là làm văn thư, tiếp nhận văn bản mà phải làm công tác dân vận, vận động dân, nắm vững pháp luật để hướng dẫn cho người dân, “chứ cứ chuyển đơn lòng vòng ông này sang ông kia thì làm sao người dân không bức xúc”. Việc này là trách nhiệm của các cơ quan, không phải riêng ngành thanh tra nhưng các cán bộ thanh tra phải tự nhận thấy trách nhiệm cao hơn trong việc này”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý, công tác dân vận chính quyền thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được quan tâm nhưng việc đối thoại, giải thích, giải quyết, vận động, đặc biệt áp dụng chính sách cho người dân chưa phải lúc nào cũng tốt. Thủ tướng lưu ý, nếu không quan tâm thì “cái sảy nảy cái ung”, một đốm lửa nhỏ có thể thành đám cháy lớn.
Theo Thủ tướng, công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả lớn trong năm qua nhưng một số biện pháp phòng ngừa thực hiện chưa tốt, hiệu quả chưa cao, nhiều vụ việc phát sinh, nhất là tình trạng tham nhũng vặt chưa kịp thời được xử lý, giải quyết.
Qua đó, Thủ tướng nêu rõ, việc giải quyết khiếu kiện đông người, kéo dài phải có sự chuyển biến mới trong năm nay. Ngành phải tạo uy tín, niềm tin với toàn xã hội. Thanh tra phải góp phần lập lại kỷ cương, yên dân, phòng chống tốt tham nhũng, “thanh tra để phát triển chứ không phải thanh tra gây bế tắc xã hội”.
Thủ tướng cũng giao trách nhiệm cho Tổ công tác đặc biệt tiếp tục nghe một số vụ khiếu nại nổi cộm để tập trung xử lý, giải quyết. Thủ tướng nêu rõ, cần thanh tra cả lãnh đạo địa phương không thực hiện đúng Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại tố cáo. Các bộ, ngành cũng phải dảnh thời gian hơn cho công tác tiếp công dân, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và lắng nghe ý kiến của tham mưu các cấp trong vấn đề tiếp dân, giải quyết khiếu nại.
Theo báo cáo của TTCP, năm 2018, có 35 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 03 người đã bị xử lý hình sự, 32 người bị xử lý kỷ luật hành chính. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 50 vụ, 101 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 30 vụ, 43 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.