Thủ tướng đề nghị thanh tra việc lãnh đạo địa phương tiếp công dân

Thanh tra phải góp phần lập lại kỷ cương, yên dân, phòng chống tốt tham nhũng, thanh tra để phát triển chứ không phải thanh tra gây bế tắc xã hội. Ngành phải tạo uy tín, niềm tin với toàn xã hội. Việc giải quyết khiến kiện đông người, kéo dài phải có sự chuyển biến mới trong năm nay.
Thủ tướng nhấn mạnh điều này tại Hội nghị tổng kết ngành thanh tra năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019, sự kiện được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến với sự tham dự của gần 2.000 người tại các đầu cầu ở 63 tỉnh, thành phố.
Trước sự tham gia đông đảo của cán bộ, lãnh đạo các địa phương và ngành thanh tra, Thủ tướng nêu rõ, muốn phát triển đất nước thì lòng dân phải yên, phải tin mà muốn vậy thì phải giải quyết tốt khiếu nại, thắc mắc của nhân dân và phòng chống tham nhũng. Nhiều cơ quan phải làm việc này nhưng trước hết, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đảm nhận vai trò quan trọng đó. Tuy nhiên, một mình TTCP không thể làm nổi việc này mà cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt hệ thống chính trị địa phương. 
Thủ tướng đề nghị thanh tra việc lãnh đạo địa phương tiếp công dân ảnh 1 Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Biểu dương kết quả ngành thanh tra đạt được thời gian qua, Thủ tướng vui mừng nhận thấy, năm qua, TTCP từng bước chấn chỉnh, có nhiều tiến bộ, hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ được giao, mang lại niềm tin trong xã hội. Qua thanh tra, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước gần 30.000 tỷ đồng và hơn 1.000 ha đất. “Việc thu hồi tài sản Nhà nước thất thoát, tham nhũng các đồng chí làm cương quyết, đạt kết quả tốt”, Thủ tướng nói.
Một điểm nổi bật nữa là thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, TTCP đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, đã được các cấp, các ngành triển khai quyết liệt trong năm qua với tinh thần không có vùng cấm, không có hạ cánh an toàn. “Nhiều cán bộ, kể cả cấp cao, đã bị xử lý, không kể đương chức, nghỉ hưu hay đã làm công việc khác”.
Bên cạnh chống tham nhũng, ngành thanh tra đã tham mưu các ngành, các cấp triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó chuyển đổi vị trí công tác gần 10.000 cán bộ, công chức, viên chức. Thủ tướng lưu ý, những lĩnh vực nhạy cảm phải thay đổi cán bộ, không để tình trạng “cắm sâu” phức tạp, dễ dẫn đến tham nhũng. Tình trạng “nhiều đoàn thanh tra, thanh tra xong rồi đâu lại vào đấy” đã giảm đi nhiều so với trước đây. Phần lớn cán bộ thanh tra đã nghiêm túc làm gương trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, đã thực hiện nghiêm quy chế làm việc của đoàn thanh tra. Kết luận vụ nào ra vụ đó, rõ ràng, dứt khoát hơn.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, một số cuộc thanh tra vẫn kéo dài, còn chậm ban hành kết luận. Người đứng đầu nhiều cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Tiếp công dân. Tình trạng khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương, có nguy cơ phát sinh điểm nóng.
Trên tổng thể, tình trạng khiếu nại, tố cáo nói chung có giảm nhưng khiếu kiện đông người còn nhiều, mức độ gay gắt. Tình trạng né tránh, đùn đẩy, chất lượng giải quyết một số vụ việc chưa cao, thiếu dứt điểm, công dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Thủ tướng cho rằng, tiếp công dân không phải là làm văn thư, tiếp nhận văn bản mà phải làm công tác dân vận, vận động dân, nắm vững pháp luật để hướng dẫn cho người dân, “chứ cứ chuyển đơn lòng vòng ông này sang ông kia thì làm sao người dân không bức xúc”. Việc này là trách nhiệm của các cơ quan, không phải riêng ngành thanh tra nhưng các cán bộ thanh tra phải tự nhận thấy trách nhiệm cao hơn trong việc này vì thanh tra là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác tham mưu, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Công tác dân vận để giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được quan tâm nhưng đối thoại, giải thích, giải quyết, vận động, đặc biệt áp dụng chính sách cho người dân chưa phải lúc nào cũng tốt. Thủ tướng lưu ý, nếu không quan tâm thì cái sảy nảy cái ung, một đốm lửa nhỏ có thể thành đám cháy lớn.
Theo Thủ tướng, công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả lớn trong năm qua nhưng một số biện pháp phòng ngừa thực hiện chưa tốt, hiệu quả chưa cao, nhiều vụ việc phát sinh, nhất là tình trạng tham nhũng vặt chưa kịp thời được xử lý, giải quyết.
Cho rằng hệ thống ngành thanh tra rất lớn, khoảng 22.000 người, trong đó chỉ TTCP chỉ có 700 người còn đa phần là thanh tra các bộ, ngành, tỉnh, huyện, sở, Thủ tướng còn băn khoăn về hiệu quả hoạt động của hệ thống, “nếu không phát huy tác dụng thì nên thay cán bộ làm công tác thanh tra”, tránh tình trạng “có cũng được mà không có cũng được”.
Nêu ra vấn đề và đề nghị ngành thanh tra tập trung làm rõ nguyên nhân, chủ động đề ra giải pháp khắc phục trong năm 2019, Thủ tướng nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rằng năm 2019 phải đạt kết quả hơn năm 2018, do đó, với ngành thanh tra, cần trả lời câu hỏi tốt hơn là như thế nào, có phải là không còn nợ đọng các vụ thanh tra kéo dài theo kế hoạch…
Thủ tướng đề nghị thanh tra việc lãnh đạo địa phương tiếp công dân ảnh 2 Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng nêu rõ, việc giải quyết khiến kiện đông người, kéo dài phải có sự chuyển biến mới trong năm nay. Ngành phải tạo uy tín, niềm tin với toàn xã hội. Thanh tra phải góp phần lập lại kỷ cương, yên dân, phòng chống tốt tham nhũng, “thanh tra để phát triển chứ không phải thanh tra gây bế tắc xã hội”. Việc giải quyết phải công minh, rõ ràng, có lý có tình. 
Bên cạnh thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, cần thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiện vi phạm để kiến nghị chấn chỉnh các yếu kém trong quản lý và đề xuất chính sách pháp luật kịp thời. Theo Thủ tướng, khi có hiện tượng ở một địa phương, ngành, lĩnh vực có dự án, công trình dư luận quan tâm thì TTCP phải vào cuộc.
TTCP và thanh tra các cấp phải giữ vai trò nòng cốt trong việc tham mưu cho Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp, bảm đảm quyển và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các tỉnh phải rà lại, phải trực tiếp giải quyết có lý, có tình và đặc biệt, phải dành nhiều thời gian cho việc tiếp công dân.
Thủ tướng cũng giao trách nhiệm cho Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm Tổ trưởng, Tổng TTCP Lê Minh Khái làm tổ phó tiếp tục nghe một số vụ khiếu nại nổi cộm để tập trung xử lý, giải quyết các phương án. Thủ tướng nêu rõ, cần thanh tra cả lãnh đạo địa phương không thực hiện đúng Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu tố cáo.
TTCP phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trong việc tiếp công dân giải quyết tình trạng khiếu kiện, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để bảm đảm yên dân.
Các bộ, ngành cũng phải dành thời gian hơn cho công tác tiếp công dân, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và lắng nghe ý kiến của tham mưu các cấp trong vấn đề tiếp dân, giải quyết khiếu nại.
Xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng với tinh thần không khoan nhượng để thực hiện bằng được mục tiêu đẩy lùi tham nhũng mà Nghị quyết Trung ương đã đề ra, nhất là ngăn chặn có hiệu quả việc tẩu tán tài sản gây khó cho quá trình thu hồi, điều tra xử lý.
Triển khai mạnh mẽ các giải pháp cần thiết để hạn chế, tiến tới không còn tham nhũng vặt là yêu cầu, đầu bài mà Thủ tướng đặt ra với TTCP.
Cần quan tâm hơn nữa, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan thanh tra một cách mạnh mẽ hơn. Cán bộ thanh tra phải làm gương, không được tiêu cực tham nhũng. Chính vì vậy, ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ, xử lý nghiêm công chức vi phạm để làm gương trong ngành thanh tra, xây dựng môi trường lành mạnh, tạo sự đoàn kết trong nội bộ. Bố trí, sắp xếp nhân sự bảo đảm đúng người, đúng việc, chủ động để có sức bật mới trong công tác thanh tra. Đây là yêu cầu lớn đối với ngành.
Theo Theo Báo Chính Phủ
MỚI - NÓNG