Ánh đèn quyền lực
Từ các cảng ở Hải Phòng, muốn về Hà Nội (theo QL 5) hay xuôi vào Nam (theo QL10), các xe tải đều phải đi qua trạm CSGT chốt chặn khu vực gần cảng Vật Cách nằm trên đường Hùng Vương.
Theo những hình ảnh của PV Tiền Phong ghi lại được, chiều và đêm 16/7, CSGT chốt tại một quán nước nằm trên khu vực này, gần đối diện Cty thép Việt Nhật. Dù là quán vỉa hè nhưng bày biện lấy lệ: Chủ quán không pha nước trà bán như các quán khác, trên bàn chỉ bày một hộp đựng thuốc lá. Theo người dân khu vực này, quán nước này là nơi CSGT thường xuyên làm việc.
Trời bắt đầu tối, đoàn xe tải ì ạch nối đuôi rời cảng. Khi qua “chốt”, một chớp đèn từ phía quán nước lóe thẳng vào ca bin. Lập tức, xe xi nhan tấp vào lề đường; lái hoặc phụ xe chạy sang phía đối diện gặp CSGT rồi quay lại ngay. Đơn cử, lúc 18 giờ 30, với chiếc xe 29C 51141, tổng thời gian phụ xe này băng qua đường và trở lại buồng lái chưa đến 30 giây. Việc tương tự cũng diễn ra với các xe khác như 34C 09217, 20C 04946, 24C 04517... Thậm chí, có lái phụ xe chỉ mất chưa đến 10 giây để hoàn thành quy trình vào gặp CSGT rồi quay ra. Trung bình, mỗi phút, có khoảng 2-3 xe vào quán nước này.
Tiến gần hơn, chúng tôi ghi nhận, phụ xe chớp nhoáng chạy vào đưa cái gì đó cho CSGT đang ngồi ở bàn rồi chạy ra ngay. Các quy định về điều lệnh, quy trình kiểm tra xe không được thực hiện.
Trước đó, vào sáng 16/7, chốt CSGT này đóng ở cây xăng cách đó khoảng 1 km về phía cảng Vật Cách. Tình trạng lái xe xuống xe, ra vào nơi CSGT kê bàn làm việc diễn ra theo quy trình tương tự. Chúng tôi có mặt lúc 10 giờ sáng, đã thấy tổ công tác này làm việc (theo người dân, tổ CSGT có mặt tại vị trí này từ sáng sớm); đến 13 giờ, CSGT mới rời đi (trong khi đó, theo quy định, Cục CSGT yêu cầu không được cắm chốt quá 90 phút tại một điểm).
Đặc biệt, trong quá trình CSGT làm việc, thường xuyên có một số thanh niên mặc quần áo sẫm màu, đội mũ lưỡi trai đứng sát bên cạnh hoặc đi xe máy xung quanh khu vực rồi lại quay về chỗ cũ. Chỉ cần thấy xe lạ dừng lại, các thanh niên này tiến lại hỏi han. Cuối buổi, các thanh niên này thu dọn bàn ghế mà CSGT dùng để làm việc trước đó, trả lại cho quán trà đá đối diện.
“Hiện nay, dù xe không quá tải nhưng chúng tôi vẫn phải dừng tại chốt CSGT để “bồi dưỡng”. Với trạm cân, đang có tình trạng chỉ cân xe đủ tải; còn xe quá tải không bị lên bàn cân” - Một chủ doanh nghiệp thường xuyên lấy hàng ở Hải Phòng nói.
Trạm cân vắng hoe, đường mấp mô lượn sóng
Chúng tôi xuôi theo QL 10 đến khu vực huyện An Lão, nơi xảy ra cãi cự giữa lực lượng CSGT Hải Phòng và thanh tra giao thông thuộc Tổng cục Đường bộ hôm 2/7. Tại km 37, nơi xảy ra sự việc, nhiều xe tải chở đá và bê tông nhựa vượt thành thùng (trong đó có nhiều xe Howo, còn gọi là Hổ Vồ) ra vào trạm trộn bê tông quy mô lớn (hầu hết của công ty Toàn Thắng Lợi). Sau đó nhiều xe chở hàng vượt thùng chạy lên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, qua trạm thu phí (đã lắp trạm cân) và trạm kiểm soát thi công; lăn bánh trên nền đường cao tốc mới tinh.
Từ đây, xuôi theo QL 10 về hướng Hải Dương chừng 4 km, có một trạm cân do thanh tra giao thông và CSGT Hải Phòng cùng phối hợp kiểm soát. Dù chở rất nặng nhiều xe chở thép (ba cuộn chồng lên nhau hoặc thép khuôn), gỗ khối, đá... ì ạch qua trạm nhưng không hề bị vẫy vào cân. Tuy nhiên, khi các xe này vượt qua trạm cân khoảng gần 2 km gặp chốt CSGT Quán Trữ, hầu hết các xe bị dừng lại và được kiểm tra “xét giấy” với quy trình nhanh chóng.
Ở chiều ngược lại, vào ngày 16/7, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều xe tải nặng; trong đó có nhiều xe chở đất đá vượt thành thùng (nhiều xe của Cty Thành Đại) được kiểm tra chớp nhoáng ở trạm CSGT Quán Trữ; sau đó bon bon qua trạm cân phía trước; bánh xe hằn vết lên những vệt lún giữa đường. Dọc tuyến, nhiều xe tải hạng nặng nối đuôi đi qua cầu B49, cầu Tiên Cựu, trên mặt cầu có những vệt hằn sâu hơn 10 cm. Với người đi xe máy, chỉ cần lỏng tay lái, không may xe trượt bánh là sẽ rơi vào gầm xe tải.
Dừng lại quanh khu vực trạm cân, lập tức có nhiều thanh niên đề nghị làm cò bao luật. Phát hiện chúng tôi dừng xe quay phim, lập tức, một nam giới mặc thường phục đến hỏi thăm. Vào tối 16/7, khi xe chúng tôi qua khu vực QL 10 qua An Lão tại km 37, xuất hiện một xe máy bám theo. Dừng lại, thanh niên điều khiển xe máy (mặc áo đen, đội mũ lưỡi trai) dừng ngay sát, rút điện thoại gọi cho ai đó. Tiếp tục di chuyển, thanh niên này vẫn đi theo sát. Khi đi qua trạm cân và chốt CSGT nói trên, thanh niên này bấm còi liên tục như để báo hiệu.
Phát hiện chắc chắn bị bám theo, chúng tôi rẽ về tỉnh lộ 391 tại ngã ba Quý Cao (Từ Kỳ) để về thành phố Hải Dương. Đến thị trấn Tứ Kỳ (với quãng đường bị đeo bám khoảng 20 km), chúng tôi buộc tăng tốc, đối tượng mới chịu quay đầu lại.
Liên quan đến đội thanh tra giao thông cãi cự với CSGT, lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ 1 cho biết đã yêu cầu ông Nguyễn Xuân Lịch (Chi cục trưởng Quản lý đường bộ I.7, trực tiếp đứng ra cãi cự) kiểm điểm nghiêm khắc vì không đưa theo kế hoạch công tác và thái độ ứng xử không phù hợp.
Đường hằn lún vì xe quá tải, Vidifi vẫn thu phí
Liên quan đến việc xe vượt thành thùng, quá tải vào công trường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (theo quy định của Bộ GTVT, trường hợp này sẽ bị rút giấy phép thi công), lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ 1 cho biết: Đã nắm được tình hình nhưng dự án này không thuộc diện Cục cấp phép nên không thể dừng thi công và hứa sẽ báo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ. Đại diện Vidifi (chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) cho biết sẽ cho kiểm tra.
Cũng liên quan đến Vidifi, hiện doanh nghiệp này được thu phí trên QL 5 để hoàn vốn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tuy nhiên, tuyến đường này đang bị lún nặng nhất miền Bắc (nhiều đoạn sâu hơn 10 cm). Theo cam kết của Bộ GTVT, đường lún sâu 2,5 cm phải dừng thu phí nếu không sửa. Tuy nhiên, trạm thu phí tuyến này vẫn hoạt động suốt ngày đêm.
lNgày 21/5, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chủ trì họp xử lý hằn lún trên QL5. Ông Thăng khẳng định, nếu không xử lý được hằn lún sẽ kỷ luật cán bộ. Tại cuộc họp, ông Thăng cho mời ông Nguyễn Viết Hải – Tổng GĐ Cty Tập đoàn Sơn Hải (đơn vị tại Quảng Bình làm đường bảo hành 5 năm) nhận sửa chữa hằn lún tuyến đường này.