COVID-19 ‘tấn công’ chợ dân sinh ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
COVID-19 ‘tấn công’ chợ dân sinh ở Hà Nội
TPO - Trong những ngày qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận hàng chục ca dương tính SARS-CoV-2/ngày. Cá biệt, có ngày lên tới hơn 100 trường hợp. Đáng chú ý, nhiều ca xuất hiện tại cộng đồng, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, gây nhiều lo lắng cho người dân.

Ngày 1/8, theo thông báo từ Sở Y tế Hà Nội, N.T.C, nữ, 1981, địa chỉ tại Đội 3, Lạc Thị, Ngọc Hồi, Thanh Trì, là người bán hàng tôm, cá thường xuyên lấy hàng tại chợ Tam Hiệp và Long Biên. Ngày 31/7 được test nhanh sàng lọc tại Trạm Y tế Ngọc Hồi nghi ngờ dương tính, lấy mẫu PCR cho kết quả dương tính.

Trước đó, chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm) cũng ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2 là người bán rau; chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai) có người bán trứng mắc COVID-19; chợ Bùng ở Thạch Thất chục ngày qua vẫn tiếp tục xuất hiện các ca dương tính.

Mới nhất, chợ Đồng Xa (Mai Dịch) cũng xuất hiện trường hợp dương tính SARS-CoV-2 là người bán trứng. Chợ hải sản Phúc Xá (Ba Đình) cũng phải ra thông báo tìm người để phòng chống COVID-19. Chợ đầu mối Minh Khai (Bắc Từ Liêm) cũng phải tạm dừng hoạt động để rà soát các trường hợp liên quan COVID-19.

Các trường hợp này, thường gây lo ngại vì tiếp xúc với nhiều người ở chợ, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm diện rộng.

Theo công bố của Sở Y tế, các chùm ca bệnh ở Hà Nội hiện vẫn ghi nhận hàng chục trường hợp dương tính. Đáng kể như chùm ca bệnh tại Nhà thuốc Đức Tâm (Láng Hạ), chùm ca bệnh Tân Mai (Hoàng Mai), Bùi Thị Xuân (Hai Bà Trưng), Nguyễn Khuyến (Đống Đa), B6 Trại Găng (Hai Bà Trưng), mới nhất là chùm ca bệnh tại ngõ 651 Minh Khai (Thanh Lương, Hai Bà Trưng)…

Cộng dồn số mắc của Hà Nội trong đợt dịch từ ngày 27/4/2021 đến thờiđiểm nàyđã lên tới hơn1.300 ca, trong đó phần lớn được ghi nhận ở cộng đồng.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội Trương Quang Việt cho biết, hiện, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận trung bình 40 – 60 ca, có những hôm cao hơn.Hiện nguy cơ cao nhất vẫn là chùm ca bệnh ho, sốt, khó thở tại cộng đồng.

“Khi khuyến cáo, họ mới đi xét nghiệm. Có những trường hợp đến bây giờ mới xuất hiện triệu chứng ho, sốt. Tỷ lệ dương tính trong các trường hợp ho, sốt ở Hà Nội hiện nay khá cao”, ông Việt thông tin.

Có một điểm, theo ông Việt, hiện nay, các trường hợp mắc COVID-19 thường có biểu hiện triệu chứng như ho, sốt, khó thở, có yếu tố để phát hiện, xử lý. Đặc điểm này khá giống với các trường hợp mắc COVID-19 tại TP HCM.

Về nguy cơ các trường hợp không biểu hiện triệu chứng, ông Việt cho biết, thành phố đã triển khai xét nghiệm diện rộng, sàng lọc cho những trường hợp có nguy cơ cao trên địa bàn, như lái xe công nghệ; lái, phụ xe buýt; nhân viên siêu thị, thu ngân; người bán hàng các chợ đầu mối; công nhân các khu công nghiệp…hầu hết đều có kết quả âm tính.

Trọng tâm hiện nay của Hà Nội là rà soát, xét nghiệm các trường hợp ho, sốt, khó thở trên địa bàn để phát hiện nguy cơ. “Tập trung vào các trường hợp ho, sốt, khó thở là cách làm đúng hướng. Chúng tôi đã tham mưu cho thành phố, triển khai từ hơn một tháng nay. Số này có tỷ lệ dương tính khá cao. Số lây nhiễm thứ phát cũng nhiều. Tuy nhiên, khi giám sát được đối tượng nguyên phát, các trường hợp thứ phát cũng được kiểm soát, bao vây, khả năng lây nhiễm không quá cao”, ông Việt nói.

Nói về nguy cơ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, ông Việt cho biết, trước đây thành phố đã xét nghiệm, quét nguy cơ. Hiện nay, một số chợ xuất hiện một vài ca dương tính, đều có biểu hiện ho, sốt, có triệu chứng nên có yếu tố để phát hiện, khoanh vùng, xử lý.

Chia sẻ về Chỉ thị 17, thực hiện giãn cách trên địa bàn thành phố, ông Việt đánh giá, hiệu quả thể hiện rất rõ. Việc giãn cách xã hội, người không tiếp xúc với người nữa khiến nguồn lây nhiễm bị cắt đứt. Những trường hợp dương tính cũng dễ phát hiện, khoanh vùng, xử lý.

“Trong thời gian giãn cách xã hội, người dân cần khai báo y tế. Nguồn xâm nhập từ bên ngoài không còn nữa, tranh thủ thời gian giãn cách, chúng tôi phải chạy đua để xét nghiệm hết các nhóm, các trường hợp nguy cơ cao, trong cộng đồng để đánh giá chính xác nguy cơ của thành phố”, ông Việt chia sẻ.

Liên quan đến chùm ca bệnh tại Cty Thanh Nga (ngõ 651 Minh Khai, Thanh Lương, Hai Bà Trưng), theo đại diện VinCommerce (chủ sở hữu chuỗi siêu thị Vinmart, VinMart+), 8 siêu thị Vinmart và 15 cửa hàng Vinmart+ phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động vì liên quan các ca mắc COVID-19 của nhà cung cấp thực phẩm - Cty Thanh Nga.

MỚI - NÓNG