COVID-19, cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn: Ngày xanh…

0:00 / 0:00
0:00
Đưa bệnh nhân vào cáng áp lực âm đi BV ĐH Y Hà Nội nút mạch Ảnh: thái hà
Đưa bệnh nhân vào cáng áp lực âm đi BV ĐH Y Hà Nội nút mạch Ảnh: thái hà
TP - “Cáng áp lực âm. Mọi người vào vị trí, triển khai nhóm bong bóng bệnh viện!”, hiệu lệnh nhanh, gọn dứt khoát phát qua những chiếc bộ đàm. Rất nhanh, những bóng áo trắng bước đi vội vã…

Tôi chú ý theo hướng họ di chuyển. Nhân vật chính là người phụ nữ chừng 70 tuổi nằm phía cuối phòng hồi sức tích cực (ICU), gương mặt nhợt nhạt dưới ánh đèn neon. Xung quanh bà là máy móc, dây dợ dẫn dịch, khí hỗ trợ sự sống.

“Bong bóng bệnh viện”

“Khẩn trương”, lại giọng nói quen thuộc, là PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đang thúc giục. Chiếc cáng được chuyển tới sát giường bệnh nhân. Khéo léo, cẩn trọng, những nhân viên y tế chuyển cụ bà sang cáng áp lực âm. Vừa đẩy xe cáng dọc hành lang đến nơi xe cứu thương chờ sẵn, nam điều dưỡng vừa giải thích cho kẻ ngoại đạo, là tôi: “Bệnh nhân mắc COVID-19, bị chảy máu cơ thành bụng, mất máu nhiều, tụt huyết áp, phải nút mạch. Bây giờ bọn em sẽ chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để nút mạch cấp cứu…”. Vì an toàn người bệnh, tôi không thể lên chuyến xe đặc biệt đó. Hôm ấy là ngày cuối thu có nắng nhẹ, trời xanh, một màu xanh hi vọng…

“Đó là cáng áp lực âm được chúng tôi dùng để vận chuyển bệnh nhân mắc hoặc nghi mắc COVID-19 đi chụp, chiếu, làm xét nghiệm, can thiệp y tế hoặc phẫu thuật. Điều đặc biệt của nó là nguyên tắc bệnh nhân nằm trong lồng kín, máy lọc hút khí ra đồng thời diệt virus trong lồng, không phát tán virus ra ngoài”, TS Hải giải thích ngắn gọn như đoán định được điều tôi đang thắc mắc. “Bạn từng nghe khái niệm bong bóng bệnh viện chưa? Ở đây chúng tôi có mô hình ấy”, bác sĩ Hải chia sẻ. Hóa ra đó chính là kiểu vận hành mà tôi vừa được chứng kiến. Một bệnh nhân nặng cần can thiệp hoặc phẫu thuật sẽ được vận chuyển theo quy trình khép kín. Khi đó nhóm bong bóng bệnh viện gồm các bác sĩ, điều dưỡng có liên quan được kích hoạt. Bệnh nhân sẽ được chuyển sang cáng áp lực âm để di chuyển đến phòng mổ hoặc xét nghiệm ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Xong xuôi sẽ đưa bệnh nhân về lại Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19. Cách làm này sử dụng tối thiểu con người và vật lực, tất cả tạo nên quy trình khép kín.

COVID-19, cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn: Ngày xanh… ảnh 1

Xe vận chuyển F0 nhập BV Điều trị người bệnh COVID-19 Ảnh: thái hà

Bong bóng. Một trò chơi con trẻ. Bay bổng lên xanh cao rồi phát nổ. Bong bóng bất động sản, một trò lướt sóng tạo thị trường sốt đất rồi vỡ tung kéo theo tội, tù, phá sản, thất nghiệp. Còn đây, là bong bóng thật, dù chỉ là cách gọi của một quy trình khép kín, nhưng đó là gì nếu không phải là sự sáng tạo. Bong bóng bệnh viện khép chặt nọc độc trong vòng kiểm soát, hạn chế tối đa sức người lẫn nguy cơ gây hại. Tôi nghĩ, ai có thời gian và chuyên môn, hãy viết, ghi lại hết những kinh nghiệm y khoa được sinh ra trong cơn nguy biến, diễn giải nó bằng ngôn từ dễ hiểu nhất, để ai chưa từng bị đưa vào đây, đọc và hiểu để hình dung được và cả giật mình rằng, kinh hoàng quá rồi gật gù rằng, đúng là thông minh, để rồi dặn mình, hãy cảnh giác và tuân theo những lời khuyên…

Lấp đầy những chông chênh

Những ca bệnh nặng được chuyển từ tuyến dưới lên liên tục tăng. Bệnh viện đã triển khai thêm phòng ICU. “Với tình hình hiện tại sẽ không chỉ là hơn 20 ca cần can thiệp thở ô xy, thở máy. Điều này gây áp lực cho nhân viên y tế rất lớn”, điều dưỡng trưởng Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19, Nguyễn Thị Thu Phương lo lắng. Khó khăn, thiếu hụt về nhân lực khi triển khai 500 giường ICU là điều ai cũng nhận thấy.

Tôi chú ý đến cô gái bé nhỏ nơi phòng bệnh nhân nặng. Không có dáng vẻ tất bật như các bác sĩ, điều dưỡng, trái lại cô tỉ mẩn lau chùi sàn nhà, giường, tủ. Khi bác sĩ cần cô nhanh chóng chạy đến. Hỏi ra mới biết cô chính là tình nguyện viên đặc biệt của buồng bệnh. Tuần trước cô còn là F0. Nhưng 3 ngày nay cô gái nhỏ nhận giấy xác nhận âm tính, ngẫm cảnh bệnh viện thiếu người phục vụ bệnh phòng nên cô tình nguyện ở lại hỗ trợ bác sĩ, điều dưỡng trong phòng ICU và chờ ngày mẹ mình khỏi bệnh để cùng xuất viện. Những ngày mắc bệnh, từng chông chênh, lo âu, nhưng khi ấy cô đã được các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc tận tình, trấn an và động viên. Chính khoảng thời gian đó giúp cô thấu hiểu và cảm nhận được đằng sau những lời chân tình ấy lẩn khuất sự mỏi mệt vô cùng của những “thiên thần áo trắng”. Dẫu vậy họ chưa từng nản chí, lùi bước. Với những con người cần mẫn ấy, khái niệm thời gian dường như không tồn tại.

Phương mở điện thoại cho tôi xem nhóm “chat” của nhân viên y tế và những bệnh nhân đang nằm viện. “Cô ơi hôm nay tôi ăn không ngon”, “Bác sĩ ơi thi thoảng tôi khó thở, thế tôi có qua khỏi không bác sĩ?”. Đối diện với tâm trạng bất an đó của bệnh nhân, các nhân viên y tế lại hóa thân thành những chuyên gia tâm lí để vỗ về, thậm chí như dỗ dành trẻ nhỏ… Đọc, tôi cố nén bật cười. Ở nhà dỗ con ăn, ngủ, nó mà lì lợm thì la mắng, chứ ở đây thì không, tuyệt đối không. Người ta bảo, đó là nghiệp. Nghiệp của tình thương…

Nguồn mạch yêu thương

“Bạn còn nhớ cụ bà phải nút mạch lần trước không? Hôm nay bà được xuất viện sau gần 1 tháng điều trị đấy”, bác sĩ Hải hồ hởi nói. Lúc ấy thực sự niềm vui len lỏi trong tâm trí tôi. Tôi nghĩ đến chữ Duyên ở đời. Hà Nội đang giữa đông mà thấy ấm nồng.

Mường tượng nụ cười của người thân đi kèm tiếng thở phào khi đón bệnh nhân thoát cửa tử trở về, tôi nhớ đến những ngày mới bắt đầu trận chiến chống dịch. Sự hoảng loạn. Rối ren. Nỗi đau. Cả sự giận dữ. Cái chết. Nỗi đau đông cứng trên tay, trên mắt ai đó lìa đời mà mình không giúp được. Thác lũ. Đúng thế, thác lũ, để rồi các chiến binh áo trắng xốc lại đội hình, vào trận. Những hoang mang qua đi. Sự sống bắt đầu từ cái chết! Hình như đây chính là nguồn mạch xanh để họ quyết giữ, bằng tất cả kiến thức và trái tim. Trong gian khó, chính tình yêu đồng loại đã níu lại bên này bờ sinh tử những cuộc chia li mà ai cũng tưởng sẽ xảy ra. Làm sao đếm được bao nhiêu bước chân, bao nhiêu cú nấc nghẹn giấu kín trong tim vì đau, vì mệt, vì khổ, rồi bao nhiêu phút ngủ gục để quên đi mình đã như thế để vùng dậy, bởi chỉ một câu “không thể đầu hàng” của y bác sĩ.

Có nhà thơ từng viết rằng cây sẽ mọc trên máu và nước mắt, xanh tươi, kiêu hãnh và ngạo nghễ. Chính chốn này, nơi hoặc sống hoặc chết, trừ khi định mệnh oan nghiệt trói buộc, thì trận so găng quyết liệt không bao giờ dừng lại. Chỉ có niềm hi vọng thắp lửa từ tim y bác sĩ lẫn bệnh nhân mới chiến thắng được thần chết. Còn thở còn hi vọng. Đó là sự nhân danh giản dị của sự sống mà nếu cô đơn sẽ không bao giờ làm được, bởi xác suất sống được từ ngẫu nhiên là vô vùng ít ỏi, thậm chí là zero. Lúc này đây và có lẽ mãi mãi về sau, cái bắt tay để vun trồng sự sống cho cây mọc lên trên miệng hố tử thần.

Nếu có thể làm được để cảm ơn họ và cũng là tạo động lực thôi thúc cho bệnh nhân tin vào điều kỳ diệu, thì tôi, một người viết có cơ hội len lỏi chốn sinh tử ấy trong khoảng thời gian bão bùng đó, xin hiến kế rằng, hãy trồng một cây xanh bất tử ngay chính mỗi buồng bệnh…

MỚI - NÓNG