Cũng với tâm thế ấy, năm nay tôi chọn bay tới thăm người bạn sống ở một thành phố nhỏ miền trung tây Hoa Kỳ, mong đón mùa Giáng sinh trắng. Hạ cánh sân bay Detroit đúng hoàng hôn ngày Noel, ngó qua cửa sổ máy bay mà sướng tê trước màn bụi trắng bay mờ trời đất. Tuyết tuyệt vời nhiều năm nay mới rơi đúng dịp mừng năm mới, thấy thật thanh tâm phước hạnh.
Chẳng cứ lần này khi một mình đi giữa nhà ga rộng thênh xa lạ, lần nào cũng thế, dù hòa trong biển người đường Nguyễn Huệ hay cầm một li vang trên ban công ngắm xuống Grand Boulevard, Paris nháy đèn hú còi rầm rộ đếm ngược, tôi chỉ tập trung vào cảm xúc riêng chứ không mấy chú ý đến “nhân loại quanh ta”. Có lẽ ai ai cũng như ta thôi, chọn cách nào phù hợp và thoải mái vui vẻ để đón năm mới hay mọi lễ lạt cộng đồng khác. Một mình, một nhóm, hay đoàn đoàn lũ lũ; ta thích thuộc về đâu thì ta đi về đó, tùy tâm. Đương nhiên đi riêng hay ở nhà một mình rất khác tiệc tùng vui chơi cùng bạn bè hoặc đám đông, vì không thể “tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta” được. Lúc đó cảm xúc cá nhân dù sao vẫn quan trọng, ta chỉ chọn tham gia nếu ta thấy an yên.
Đi nhiều và hay một mình, ít lựa chọn tham gia đám đông, tôi vẫn khó tránh các đàm luận “xã hội học”. Về Việt Nam bạn bè người thân hay hỏi thăm chuyện khủng bố hay xả súng ở Mỹ và châu Âu.Ra nước ngoài lại nghe đùa rằng có phải muốn du lịch mạo hiểm thì cứ về Việt Nam- đồ ăn thức uống độc hại, không khí ô nhiễm, giao thông hỗn loạn và dân trí thì thấp.Thế mới biết xứ nào cũng có người thích bàn luận chuyện quốc gia đại sự, cảm thấy mình là người dưới đất lo cho kẻ trên cây.
Song nên chăng cần biết vị kỷ trước khi biết vị tha, lo cho mình để biết lo cho người vậy. Riêng cảm xúc thì chẳng ai lo giùm được. Mỗi người mong ước cuộc sống an lành một khác. Không phải ai cũng như tôi lái xe ngót 400 dặm tới Las Vegas để xem show Zumanity chưa đầy hai tháng sau vụ thảm sát lãng xẹt và ghê rợn trong một show khác ở đây. Rồi chọn countdown trong quán đông nhất ở tỉnh lẻ lạnh cóng Ann Arbor, không hề sợ tai nạn bất ngờ nào kiểu nổ súng hay giẫm đạp nhau làm chết bẹp 36 người ở Thượng Hải giao thừa 2015,hoặc bị thương vì bỏng pháo hoa ở Bangkok giao thừa 2017. Bạn bè tôi thì người đi hóng gió biển, kẻ lên núi trượt tuyết, hoặc tổ chức dạ tiệc lấp lánh.
Song tôi đã bỏ kế hoạch đi Traverse City xem trái cherry rơi, vì phải lái xe đường trơn trong trời mưa tuyết mù mịt. Rất nhiều nơi trên thế giới bắt chước quả cầu pha lê rơi ở Quảng trường Thời đại New York 110 năm qua, cho rơi nhiều trái khác một phút trước năm mới, cầu xua hết đau khổ sợ hãi và đón về hạnh phúc hi vọng. Countdown năm nay nhiệt độ New York xuống tới âm 12 độ C, thấp thứ hai sau cuộc năm 1917 (âm 17 độ C). Ai thích, có khả năng chịu lạnh, chịu đói và chịu nhịn đi toilet thì cứ việc tới đó ăn mừng. Có cả triệu người như thế, sung sướng với cảm giác chưa hề có trong đời như lời một chú bé 10 tuổi kể lại. Thêm nhiều trăm triệu người theo dõi sự kiện này qua các kênh truyền thông; năng lượng mới của năm mới nhờ thế được lan tỏa toàn cầu.
Dầu vậy một số đông dân Âu Mỹ, và dân xứ khác ăn theo tục đón tết tây, không chọn ra đường mà ngồi nhà ăn uống với gia đình và xem phim truyền hình đón mừng năm mới. Rất nhiều phim Giáng sinh và năm mới kể chuyện ma… vui, kiểu Just like Heaven hay The Spirit of Christmas. Cũng là một cách chơi đùa với dòng chảy không ngừng và nghiệt ngã của thời gian, với sự già đi và sự chết không tránh khỏi của con người. Phong tục khá lâu đời này, tưởng chừng mai một, đã phát triển rực rỡ thời Nữ hoàng Victoria với đại diện xuất chúng Charles Dickens. Ngoài A Christmas Carol và một kho tàng chuyện ma cho trẻ em, ông viết Signalman sau khi thoát chết trong tai nạn tàu hỏa năm 1865. Theo Dickens, truyện ma luôn ẩn dụ chiêm nghiệm của con người về quá khứ, hiện tại và tương lai vào dịp năm cùng tháng tận; và ông trấn an độc giả rằng “cái chết không thể biến đổi chúng ta bằng sự sống”.
Nhìn cách tích cực thì cái chết, cũng như ngày tận cùng trong năm, chỉ như một mắt xích trong vòng tái sinh bất tận của sự sống, vì thế không có gì đáng sợ, sợ chăng là phải chết bất ngờ và đau đớn. Những người mắc bệnh tuyệt chứng, nếu được luật pháp cho phép, cũng có thể chọn hỗ trợ y tế để được “chủ động” chết nhẹ nhàng. Tuy nhiên chỉ có quá nửa dân chúng và bác sĩ Mỹ được hỏi ý kiến ủng hộ lựa chọn này. Cho đến nay vẻn vẹn 5 bang trong số 50 bang Hoa kỳ - California (2016), Colorado (2016), Oregon (1994/1997), Vermont (2013), Washington (2008) và đặc khu District of Columbia (2017) cho phép những bệnh nhân được chẩn đoán là chỉ còn sống ít hơn 6 tháng có quyền được chết đàng hoàng/ có phẩm giá (death of dignity).
Năm 2014, khi cô gái 30 tuổi người California Brittany Maynard chọn sang tiểu bang Oregon là nơi có luật Death of Dignity để tự nguyện ra đi, nhiều bệnh nhân tuyệt chứng đã viết thư khuyên can cô. Tòa thánh Vatican tuyên bố quyết định từ bỏ cuộc sống của cô là đi ngược lại sứ mệnh tôn vinh sự sống và những ý nghĩa mà nó mang lại cho loài người. Dù sao thì hình ảnh chết đẹp của Bittany và của một phụ nữ California tài hoa bạc mệnh khác – Betsy Davis (chọn chết đàng hoàng vào tuổi 41 năm 2017), cũng lay động lòng người, cho thấy lựa chọn của chúng ta mong sống an chết yên, dù cá nhân đến mấy, cũng không nằm ngoài luật pháp và văn hóa cộng đồng.