Ði hội, lễ chùa an lành mùa dịch

Sẵn sàng phương án không tổ chức lễ hội Yên Tử
Sẵn sàng phương án không tổ chức lễ hội Yên Tử
TP - Dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội cận kề, người dân được hướng dẫn thực hành nghi lễ đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng.

Tạm dừng hoạt động đông người

Hàng loạt hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp này đều tạm hoãn theo đúng tinh thần phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Nội vụ có công văn số 416 gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo hướng dẫn thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Chuẩn bị đến Tết Nguyên đán, nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra nhiều lễ hội đầu xuân có đông tín đồ và người dân tham dự. Bộ Nội vụ đề nghị các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo tại thành phố Chí Linh (Hải Dương), và thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng trong thời gian 21 ngày. Theo đó, tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo chỉ ra khỏi nhà, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo khi thật sự cần thiết. Bộ Nội vụ yêu cầu dừng tất cả các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung đông người. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và người dân bắt buộc đeo khẩu trang tại các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng.

Đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tại các tỉnh, thành phố khác, Bộ Nội vụ đề nghị nghiêm túc thực hiện các biện pháp cấp bách chống dịch COVID-19 theo chỉ thị của Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế và quyết định của chính quyền địa phương. Hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ đề cao cảnh giác, không tuyên truyền, phổ biến các thông tin tiêu cực, không đúng về tình hình dịch bệnh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh có văn bản cụ thể về dừng các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tập trung quá 20 người. Lễ hội tại vùng dịch như lễ hội Ngọa Vân (Đông Triều) phải tạm dừng theo hướng dẫn. “Các lễ hội Yên Tử, Ba Vàng vẫn chờ thời gian xem xét, tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tôi nghĩ rằng khó tổ chức lễ hội để đảm bảo an toàn dịch bệnh”, Thượng tọa nói.

Ði hội, lễ chùa an lành mùa dịch ảnh 1 Khuyến nghị đeo khẩu trang, sát khuẩn khi lễ chùa, tránh tập trung đông người. Ảnh: Kỳ Sơn

Phật tại tâm

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát ở Hải Dương, Quảng Ninh, Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết chùa Tam Chúc vẫn thực hiện nghiêm khuyến cáo phòng dịch. Khách vãn cảnh non nước hữu tình ở Tam Chúc và lễ chùa đều phải đeo khẩu trang, được đo thân nhiệt ngay cổng đón tiếp. “Chùa Tam Chúc luôn thực hiện nghiêm các chỉ thị của Chính phủ, khuyến nghị của Bộ Y tế, công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhiều người băn khoăn đeo khẩu trang lễ Phật sẽ mất đi sự tôn nghiêm. Lễ Phật cốt ở thành tâm, vì thế tâm thành không hề bị suy giảm khi đeo khẩu trang hành lễ. Bởi giữ cho mình cũng là giữ cho người”, Thượng tọa nói.

Vào dịp đầu năm người Việt có truyền thống tới chùa cầu quốc thái dân an, mùa màng bội thu, gia đình mạnh khỏe bình an, hạnh phúc. Vì thế, Thượng tọa Thích Minh Quang khuyến nghị việc thực hành nghi lễ ở chùa cần chuẩn mực như không chen lấn, không đốt quá nhiều hương và vàng mã trong chùa gây lãng phí, thay vào đó nên để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. “Có người hỏi tôi làm thế nào để cuộc đời bình an. Hãy làm theo lời đức Phật dạy: Nói lời hay, làm việc tốt, giữ tâm thiện, đời bình an”, Thượng tọa nói.

Ưu tiên hàng đầu phòng, chống dịch COVID-19

Thượng tọa Thích Ðức Thiện, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trước khi Bộ Nội vụ có công văn, Hội đồng Trị sự GHPGVN sớm có văn bản hướng dẫn cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tùy theo diễn biến dịch bệnh, theo chỉ đạo của Chính phủ, của UBND các tỉnh trong việc thực hiện hoạt động Phật sự tại chùa, cơ sở tự viện tại các địa phương. Giáo hội cũng yêu cầu người dân khi đến chùa phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn.

Thượng tọa cũng khuyến cáo người dân hạn chế tập trung đông người, đây là lúc nên phát huy tinh thần Phật tại tâm: Thay vì đến chùa, Phật tử và nhân dân có thể thực hành nghi lễ tâm linh tại gia. Ðối với các ngày lễ Ông Công ông Táo, tất niên, giao thừa, đón năm mới, người dân nên hạn chế đốt vàng mã, thay vào đó là năng hành thiện. Năm 2020, Giáo hội vận động Phật tử và bà con chung tay ủng hộ Chính phủ và cả nước chống dịch COVID-19, nay tiếp tục thực hiện tinh thần đồng hành dân tộc.

Trải qua mùa lễ hội Yên Tử giãn cách xã hội năm 2020, Thượng tọa Thích Đạo Hiển bình thản trước diễn biến dịch COVID-19 năm nay. Thượng tọa cho biết, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng tâm thế chống dịch mạnh mẽ nhất, kể cả hạn chế du khách thập phương hành hương trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. “Nếu tình hình căng thẳng quá, du khách sẽ không được lên đỉnh Yên Tử, chỉ có các tăng, ni thực hành các khóa lễ. Phật giáo hay bất cứ tôn giáo nào khác đều phải bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Còn sức khỏe, bảo toàn tính mạng thì ta còn mọi thứ”, Thượng tọa nói.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn các nhà chùa, Phật tử, tín đồ, nhân dân thực hiện các nghi lễ tâm linh dịp Tết Nguyên đán, mừng năm mới trong điều kiện nâng cao tinh thần phòng dịch, quan trọng nhất là đảm bảo tuân thủ chỉ thị của Chính phủ, thực hiện giãn cách đảm bảo sức khỏe. “Trong tình hình dịch bệnh bùng phát căng thẳng, Phật tử và bà con nhân dân nên hạn chế tập trung đông người đi lễ chùa. Các trụ trì nên hướng dẫn cho Phật tử và nhân dân địa phương ứng phó dịch bệnh mà vẫn đảm bảo nghi thức tâm linh trang trọng. Trong lúc căng thẳng này quý nhất là phát huy tinh thần phật tại tâm”, Thượng tọa Thích Đạo Hiển nói.

MỚI - NÓNG
Điều động, bổ nhiệm nhân sự mới ở 3 tỉnh
Điều động, bổ nhiệm nhân sự mới ở 3 tỉnh
TPO - Ngày 30/10, UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai các quyết định về công tác cán bộ. Còn UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.