Tuy nhiên, con đập này chỉ thực hiện được một lần thử dâng nước lên tạo cảnh quan vùng lòng hồ trong lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5/2014. Từ đó đến nay, công trình trị giá trên 120 tỷ đồng này dường như đã bị bỏ quên, gây nhiều bức xúc cho người dân địa phương và du khách.
Công trình trăm tỷ khó hiểu
Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên, đại biểu Nhữ Văn Quảng đã chất vấn cơ quan quản lý Nhà nước với nội dung: “Công trình ngăn nước, tạo âu thuyền sông Nậm Rốm, công viên ven sông Nậm Rốm là điểm nhấn tạo cảnh quan du lịch của thành phố đã đầu tư từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng.”
Tìm hiểu nội dung này, nhóm phóng viên đã phát hiện ra những điều bất ngờ về tình trạng buông lỏng quản lý ở một công trình trọng điểm của cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương.
Theo Quyết định số 133 ngày 10/2/2003 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên và Lai Châu) thì mục tiêu của công trình này nhằm tạo hồ chứa trên đoạn sông từ cầu Thanh Bình đến cầu Mường Thanh, cùng các hạng mục khác tạo thành công viên ven sông Nậm Rốm. Thời gian thực hiện theo Tờ trình số 271 của Ban quản lý dự án chuyên ngành xây dựng tỉnh là khởi công vào quý 1/2003, hoàn thành vào tháng 4/2004 để dâng nước tạo cảnh quan lòng hồ, chào mừng Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tuy nhiên, sau hơn 11 năm kể từ khi khởi công, công trình vẫn chưa hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đây là công trình đập dâng nước theo kiểu đập cửa van đồng bằng, giống như hàng chục công trình thủy lợi bình thường khác ở vùng đồng bằng.
Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Điện Biên đã phải nhiều lần ra quyết định bổ sung tổng mức đầu tư cũng như gia hạn thời gian thi công, trong đó lần gia hạn cuối cùng là đến hết tháng 12/2012, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Khi xây dựng phương án thiết kế công trình, Ban quản lý dự án đã trình lên ba phương án để cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm phương án Đập tràn thực dụng bằng bêtông cốt thép; phương án Đập cửa van đồng bằng kết cấu thép và phương án Đập cao su.
Ban quản lý dự án cũng đã kiến nghị lựa chọn kết cấu đập theo phương án 1. Theo đánh giá của giới chuyên môn thì đây là phương án phù hợp nhất cho mục đích của công trình, thiết kế đơn giản, vận hành không phức tạp vì mỗi năm chỉ cần vận hành cửa xả 1-2 lần và mở suốt trong thời gian mưa lũ.
Với cách thoát nước kiểu đập tràn, khi nước dâng tới cao độ thiết kế sẽ tràn tự nhiên qua mặt tràn để ổn định mức nước, không tốn kém nhiều về thiết bị, cũng như nhân lực vận hành. Và đây cũng là kiểu đập thông thường của các hồ thủy điện nhỏ đã được xây dựng tại các tỉnh miền núi từ hàng chục năm nay.
Tuy nhiên, không hiểu sao, cơ quan có thẩm quyền lại lựa chọn phương án 2 là kiểu đập cửa van đồng bằng, vốn phù hợp với loại công trình thủy lợi để điều tiết nước sản xuất. Với phương án này, con đập đã phải xây dựng tới bảy cửa đập lớn bằng thép với kết cấu vô cùng phức tạp. Kèm theo đó là bảy hệ thống nâng những cánh cửa van này gồm hệ thống truyền lực, môtơ điện, dòng dọc, buly... một hệ thống điện với một trạm biến áp riêng và máy phát điện dự phòng loại lớn.
Việc vận hành đã trở nên phức tạp hơn vì dòng nước thoát dưới cánh cửa đập, để duy trì mức nước ổn định cần có quy trình vận hành phức tạp; phải bố trí nhân công thường trực để điều chỉnh các cửa van đóng mở thường xuyên, phải tính toán để điều tiết nước theo lưu lượng nước vào và ra cho phù hợp... thay vì tràn qua tự nhiên như phương án 1.
Theo Quyết định số 133 ngày 10/2/2003 của Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi cho công trình này, tổng mức đầu tư được phê duyệt là 50 tỷ đồng.
Quyết định 1298 ngày 21/8/2003 tiếp theo điều chỉnh bổ sung lên tổng mức 58,5 tỷ đồng được coi là tổng mức kinh phí chính thức để đưa vào thi công công trình.
Tuy nhiên, do thời gian thi công chậm trễ và kéo dài gấp nhiều lần thời gian dự kiến, tỉnh đã phải nhiều lần ra Quyết định bổ sung, điều chỉnh tổng mức kinh phí do sự thay đổi về đơn giá nguyên vật liệu, thiết bị, đơn giá nhân công.
Gần 10 năm sau đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh lại ra Quyết định số 671 ngày 31/7/2012 điều chỉnh tổng mức đầu tư công trình lên tới 123 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần mức phê duyệt ban đầu; chi phí thiết bị tăng từ 2,9 tỷ lên 21,5 tỷ đồng.
Với cách lựa chọn phương án không phù hợp, mức đầu tư của công trình này ngay từ ban đầu đã tốn kém hơn nhiều so với giá trị sử dụng của nó. Đó là bởi với phương án 1, kết cấu bêtông cốt thép đơn giản với hai cửa xả đã được chuyển sang phương án 2 với hệ thống bảy cửa đập, kết cấu khung đập phức tạp hơn, chi phí thiết bị tăng lên rất nhiều với các cửa thép, hệ thống truyền lực, hệ thống điện riêng rẽ và phải bố trí nhiều nhân lực vận hành con đập này khi đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Theo hồ sơ công trình đã hoàn thành và thanh toán, con đập này được bố trí một hệ thống điện riêng để cấp điện cho các thiết bị vận hành các cửa đập. Trong đó có các hạng mục như tuyến đường dây trung thế, tuyến cáp bọc, cáp ngầm chống thấm, trạm biến áp 320KVA cùng các thiết bị kèm theo, máy phát điện dự phòng 50KVA.
Tuy nhiên, hệ thống này có được lắp đặt trên thực tế không mà đã được nghiệm thu thanh toán. Để tìm hiểu vấn đề này, nhóm phóng viên đã đề nghị Ban quản lý dự án đưa đến Trạm biến áp đã được thi công, chỉ để cấp điện riêng cho công trình này, như lời ông Phạm Hải Nam - Giám đốc Ban quản lý dự án đã thông báo.
Điều bất ngờ nhất là anh cán bộ trong Ban quản lý dự án dẫn nhóm phóng viên tới Trạm biến áp Nhà văn hóa, ngay giữa khu dân cư đông đúc của phường Mường Thanh và giới thiệu đây là hạng mục của công trình đã thi công.
Tuy nhiên, tại Điện lực thành phố Điện Biên Phủ, ông Vũ Đức Phong, Phó Giám đốc của đơn vị này khẳng định, đây là trạm biến áp của ngành Điện lực lắp đặt để phục vụ cho nhu cầu dân sinh trên địa bàn, chứ không liên quan đến dự án độc lập của 1 đơn vị nào cả. Vậy câu hỏi đặt ra đây là trạm biến áp xây dựng từ nguồn kinh phí nào? Liệu có phải đã có một trạm như vậy chỉ được xây dựng trên giấy, nhưng lại được thanh toán bằng tiền thật từ nguồn ngân sách Nhà nước? Và còn có những hạng mục nào khác đang trong tình trạng như vậy?
Bao giờ dự án “xuyên nhiệm kỳ” đi vào hoạt động?
Trở lại với câu hỏi của đại biểu Nhữ Văn Quảng, ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên đã trả lời tại kỳ họp: Dự án này triển khai đã từ rất lâu, năm 2003 bắt đầu thực hiện. Hiện nay dự án cơ bản đã hoàn thành các gói thầu, đang triển khai công tác kiểm toán và quyết toán.
Tuy nhiên có nhiều vướng mắc trong quá trình nghiệm thu, thanh quyết toán. Bởi có doanh nghiệp tham gia nay đã phá sản, có doanh nghiệp ở xuôi thì đã đi (chuyển đi nơi khác)... Tuy nhiên hiện nay, dự án đã cơ bản thực hiện xong.
Vấn đề khác là theo quy định hiện hành, thì công trình hồ đập phải xây dựng quy trình vận hành hồ chứa. Nhưng trước đây dự án không có nội dung này, nên hiện nay phải thuê các đơn vị tư vấn xây dựng quy trình này để cơ quan chức năng phê duyệt.
Một phát sinh nữa là vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng ở dưới lòng hồ. Hiện nay đang phối hợp với thành phố để tiến hành đo đạc, bồi thường giải phóng mặt bằng. Sở Xây dựng đã chỉ đạo Ban quản lý dự án cố gắng từ nay đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành công tác nghiệm thu, thanh quyết toán bàn giao đưa công trình vào sử dụng.
Lời hứa của ông Giám đốc Sở Xây dựng là như vậy, nhưng ông Giám đốc Ban quản lý dự án Phạm Hải Nam lại cho rằng để hoàn thành nhiệm vụ này, đòi hỏi các ngành có liên quan cùng vào cuộc.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp để xây dựng quy trình vận hành hồ chứa; chính quyền thành phố cần phối hợp công tác giải phóng mặt bằng dưới lòng hồ. Vậy công trình “xuyên nhiệm kỳ,” từ thời tỉnh Lai Châu còn chưa chia tách cho đến nay có đưa vào vận hành được hay không, trách nhiệm có thể lại được chuyển cho “các bên có liên quan.”
Chỉ có những cư dân của thành phố lịch sử này và các du khách tới đây là hàng ngày phải chịu cảnh tức mắt, khi nhìn thấy công trình trên trăm tỷ, nghe nói đã hoàn thành từ cuối năm 2011, đến nay vẫn nằm lặng lẽ trên sông; công viên ven sông với đủ các hạng mục như tượng đài Anh hùng thiếu niên Vừ A Dính, hệ thống cầu trượt, ghế đá... để cho cỏ dại mọc um tùm, phủ kín mà không được đưa vào sử dụng./