Công trình 'khủng' xâm phạm Di sản Tràng An hiện giờ ra sao?

Lực lượng chức năng phá dỡ công trình sai phạm Ảnh: M.Đ
Lực lượng chức năng phá dỡ công trình sai phạm Ảnh: M.Đ
TPO - Ngày 11/7, thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình cho biết, đã phá dỡ xong công trình sai phép xâm phạm Di sản Tràng An tại khu vực núi Cái Hạ (xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình). 

Cụ thể, ông Vũ Văn Huân - Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư (Ninh Bình) cho biết, Công ty cổ phần du lịch Tràng An đã hoàn thành việc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép tại khu vực núi Cái Hạ, xã Trường Yên, Hoa Lư thuộc vùng lõi Di sản Tràng An.

Theo ông Huân, việc xử lý trách nhiệm tập thể UBND huyện Hoa Lư và cá nhân liên quan. Theo đó, tập thể, cá nhân liên quan đã nhận kiểm điểm rút kinh nghiệm vì đã để doanh nghiệp tự ý xây dựng công trình, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. 

 Ông Huân cho hay, đối với sự việc này, UBND huyện Hoa Lư đã báo cáo UBND tỉnh Ninh Bình xem xét. Cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình xác định, khoảng tháng 8/2017, Công ty CP du lịch Tràng An đã đưa người, máy móc vào khoan đục từ chân núi Cái Hạ lên tới đỉnh núi, xây dựng hàng trăm bậc thang bê tông cốt thép và đặt tên là đường lên đàn Kính Thiên. 

Đối với sai phạm này, UBND xã Trường Yên đã nhiều lần có văn bản gửi đến Công ty CP du lịch Tràng An nêu rõ đây là công trình trái phép, yêu cầu dừng thi công, trả lại mặt bằng cho di tích. Tuy nhiên, Công ty CP du lịch Tràng An vẫn tiếp tục thi công, đến tháng 1/2018 thì hoàn thành. 

Công trình 'khủng' xâm phạm Di sản Tràng An hiện giờ ra sao? ảnh 1

Công trình sai phạm tại Di sản Tràng An. Ảnh: M.Đ

Sau khi tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh, ngày 5/3/2018, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên ký văn bản số 845 gửi tỉnh Ninh Bình, đề nghị xử lý các hoạt động sai phạm khu vực núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đồng thời Bộ VHTT&DL cử đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị Di Tràng An. 

Tại văn bản 845, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng “đình chỉ các hoạt động dịch vụ, du lịch chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật hiện hành tại khu vực núi Cái Hạ”.

Với sai phạm nghiêm trọng về việc xây dựng trái phép con đường dẫn lên núi Bộ đề nghị “xử lý nghiêm minh đối với các hoạt động xây dựng trái phép tại khu vực nêu trên, để hoàn trả mặt bằng, cảnh quan môi trường của Di sản Tràng An. 

Tới ngày 26/3/2018, ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Tràng An (Ninh Bình) gửi đơn xin tự phá dỡ công trình sai phép; thời gian thi công kéo dài một tháng tính từ 30/3. Tuy nhiên, hết thời hạn này, công trình mới tháo dỡ chưa được 20%. Công ty Tràng An sau đó tiếp tục có đơn xin gia hạn tháo dỡ đến hết ngày 31/5. 

Đối với những sai phạm tại Di sản Tràng An, ngày 8/6, UBND tỉnh Ninh Bình có thông báo kết luận thanh tra chỉ rõ: Việc Công ty CP Du lịch Tràng An xây dựng cầu thang dài 510m, rộng trung bình 1,4m với trên 900 bậc thang và nhiều công trình phụ trợ khác trái phép trên núi Cái Hạ, xã Trường Yên từ ngày 14/82017 đến 13/2/2018, đã vi phạm Điều 13, Luật Di sản văn hóa năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa năm 2009; Khoản 8, Điều 12, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; Quyết định 230 ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình… 

Công trình 'khủng' xâm phạm Di sản Tràng An hiện giờ ra sao? ảnh 2 Khu vực sai phạm thuộc vùng lõi Di sản Tràng An. Ảnh: MĐ

Kết luận thanh tra nêu: Ông Nguyễn Văn Son xây dựng công trình trên núi Cái Hạ là xâm hại đất, rừng đặc dụng, núi đá, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tiến hành công khai thời gian dài và không chấp hành các quyết định xử lý của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, tạo dư luận xấu trong xã hội. 

Hành vi xây dựng các công trình trái phép trên diện tích đất không được nhà nước giao quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn Son và Công ty CP Du lịch Tràng An tại khu vực núi Cái Hạ gồm: Nhà hai tầng B2 diện tích 180,3m2, bể nước, bồn hoa, nhà bán hàng lưu niệm, cổng lên núi, cổng ra vào Cty, công trình bến hành khách thủy nội địa… đã vị phạm Khoản 1, Điều 12, Luật Đất đai năm 2013 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm. 

Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của ông Nguyễn Văn Son bị xác định đã vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động doanh nghiệp, quy định pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bệnh nghề nghiệp; quy định của pháp luật về tổ chức vận tải hành khách đường thủy nội địa; quy định của pháp luật về quản lý du lịch và văn hóa; quy định của pháp luật về quản lý tài chính và thuế…

MỚI - NÓNG