Theo Ủy ban châu Âu, nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C có chi phí xây dựng dự kiến là 35,8 tỷ USD. Khi hoàn thành vào năm 2023, nó sẽ cung cấp 3,3 gigawatt điện, đáp ứng 7% nhu cầu năng lượng của Anh.
Hinkley Point C sẽ do công ty điện của Pháp EDF khởi công. Đây sẽ là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Anh trong 30 năm. Nó có chi phí cao hơn đáng kể nhà máy điện Sizewell B khánh thành năm 1995 với vốn xây dựng ở mức 6 tỷ USD, theo IFL Science.
So với Hinkley Point C, Máy gia tốc hạt Lớn (LHC) của Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), cỗ máy lớn nhất thế giới tiêu tốn 4,75 tỷ USD chi phí xây dựng. Tính cả chi phí thực hiện thí nghiệm và vận hành hàng năm, tổng số tiền rót vào LHC là 13,25 tỷ USD, chỉ bằng 1/3 so với Hinkley Point C.
Nếu tập trung vào những công trình khoa học thành công, hai đài quan trắc sóng hấp dẫn bằng giao thoa kế laser (LIGO), nơi phát hiện ra sóng hấp dẫn vào đầu năm nay, có chi phí 620 triệu USD. Số tiền đầu tư cho nhà máy điện Hinkley Point C đủ để xây 57 đài quan trắc tương tự.
Tuy nhiên, hai công trình tốn kém khác bỏ xa Hinkley Point C về mặt chi phí. Dự án hóa lỏng khí gas tự nhiên Gorden của tập đoàn dầu mỏ đang trong quá trình xây dựng ở miền tây Australia dự kiến tiêu tốn 54 tỷ USD khi hoàn thành. Nhưng vật thể đắt nhất từng được con người xây dựng không nằm trên Trái Đất, mà quay trong quỹ đạo. Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) có chi phí lên tới 115 tỷ USD.
Hinkley Point C có thể không hẳn là dự án đắt giá nhất hành tinh, dẫn đến nhiều tranh cãi quanh kế hoạch xây dựng. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Ben Britton, giảng viên kỹ thuật ở Đại học Hoàng gia London, có nhiều yếu tố khiến dự án này trở nên tốn kém. "Cần chỉ rõ đây là lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng nhà máy điện hạt nhân, chi phí giải trừ hoạt động và quản lý chất thải được đưa vào giá thành của Hinkley Point C", Britton nói.