Công Phượng làm gì nếu thực sự bầu Đức bỏ V-League? ​

Bầu Đức (trái) và HAGL được yêu mến vì là một phần của bóng đá Việt Nam.
Bầu Đức (trái) và HAGL được yêu mến vì là một phần của bóng đá Việt Nam.
TPO - Có rất ít khả năng Công Phượng hay các ngôi sao khác của HAGL lại…đi làm nông dân như tuyên bố của bầu Đức mà một tờ báo mới trích dẫn. Người ta cũng chờ đợi ở bầu Đức nhưng phản biện đanh thép, nhưng đúng lý và tình để mang lại lợi ích tốt nhất cho bóng đá Việt Nam.

Được yêu vì bóng đá

HAGL từng được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tạo điều kiện, khi sử dụng hầu hết quân số lứa 1 Học viện HAGL-JMG để thi đấu giải U19 Đông Nam Á 2013 trong màu áo U19 Việt Nam. Từ đây, những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… bắt đầu được biết tới, và lập tức lôi cuốn khán giả với lối chơi kỹ thuật, đẹp mắt, mang tính cống hiến cao.

Từ đó tới nay, cho dù vẫn có những đánh giá khác nhau về trình độ chuyên môn của đội bóng phố núi, nhưng khó có thể phủ nhận HAGL là đội bóng chơi với phong cách riêng, khiến người xem thích thú. Những gương mặt xuất sắc nhất của đội bóng phố núi cũng dần khẳng định được tài năng. Còn ở khía cạnh tổng thể, HAGL đang dần mạnh mẽ hơn sau 3 mùa giải thử lửa ở V-League.

Người ta nói bầu Đức có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam, điều đó không sai. Ông Đức cũng như bất kỳ ông bầu nào khác, khi tham gia đầu tư vào bóng đá, đều trở thành những mảnh ghép tạo nên một bức tranh chung. Đó là một cuộc làm ăn mà kẻ thắng có thể tiếp tục và người thua cũng có quyền rút lui. Nếu bầu Đức khiến bóng đá Việt Nam sôi động hơn, thì ngược lại, bóng đá cũng gắn liền với bước phát triển của HAGL, từ một doanh nghiệp nhỏ, vươn tầm thành một thương hiệu lớn.

Trên con đường đó, bầu Đức cũng như HAGL nhận được tình cảm và sự trân trọng của người hâm mộ. Công chúng yêu mến HAGL vì những đóng góp của bầu Đức cho bóng đá, và cả vì HAGL là một phần của V-League. Liệu bầu Đức và HAGL có nổi tiếng, được biết tới nhiều như thế nếu không đầu tư vào bóng đá?

Công Phượng làm gì nếu thực sự bầu Đức bỏ V-League? ​ ảnh 1 Hãy để Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh được chơi bóng trong tình yêu của người hâm mộ.

Ở giai đoạn đang gặt hái được nhiều thành công, ông bầu Đỗ Quang Hiển từng thừa nhận, bóng đá mang lại hiệu ứng tích cực cho T&T và SHB. Đó là một sự thừa nhận sòng phẳng. Không phải ai cũng thích bầu Hiển do cách ông tạo ảnh hưởng với nhiều đội bóng. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, ông Hiển vẫn được nể vì sự thẳng thắn này. Bóng đá là một thương vụ với các ông chủ, mà làm ăn thì ắt có kẻ thắng, người thua. Bóng đá không nợ ai, dù đó là bầu Đức, bầu Hiển hay một ông bầu nào khác.

V-League vừa sống lại, đừng dập tắt ngọn lửa đam mê

Người ta hiểu cái tâm của bầu Đức, khi ông phản ứng lại cách làm thiếu chặt chẽ, dễ gây nghi kỵ của VFF về công tác nhân sự trước thềm đại hội 8. Các cuộc bầu bán ở các kỳ đại hội VFF luôn phức tạp, gần nhất là đại hội 7. Ông Lê Hùng Dũng cũng chỉ đắc cử sau rất nhiều tranh luận khác nhau.

Tuy nhiên, đến mức độ căng thẳng, không từ bất kỳ “đòn miếng” nào như kỳ đại hội lần này, thì có lẽ là “vô tiền, khoáng hậu”. Chiếc ghế chủ tịch “quyền rơm, vạ đá” như lời ông Lê Hùng Dũng, đang trở thành vật khiến cả làng bóng bị rơi vào một cuộc đua tranh. Giới trong cuộc đã râm ran suốt một năm qua, về kịch bản cho cuộc đua ở đại hội, được thực hiện bởi những bàn tay giật dây từ phía sau.

Điều đáng tiếc, những phản ứng sôi nổi của bầu Đức có vẻ như lại đang bị biến thành công cụ cho những người nhiều tham vọng, muốn biến bóng đá thành mảnh đất để trục lợi. Và đáng buồn thay, những chuyện trên lại xảy ra đúng thời điểm, bóng đá Việt Nam đang sống lại với những ngọn lửa đam mê trên khán đài.

Công Phượng và các cầu thủ HAGL liệu có phải làm một ông nông dân chỉ bởi cuộc đua tranh của “các anh, các chú” ở trên? Hợp đồng chuyên nghiệp của Phượng với HAGL có cho phép bầu Đức buộc những cầu thủ do mình đào tạo ra phải làm bất kỳ việc gì, ngoài thi đấu bóng đá? Sự yêu mến của người hâm mộ dành cho HAGL và bầu Đức liệu có kéo dài, khi những cái tên trên không còn đóng góp cho bóng đá?

Hơn lúc nào hết, V-League đang cần những con người biết dẹp cái tôi cá nhân để ngồi lại với nhau. Bóng đá Việt Nam sẽ mất nhiều hơn được, khi những người cùng có chung mong muốn đóng góp cho nó lại không thể cùng chung hướng.

MỚI - NÓNG