Công nhân nhiều dự án trọng điểm Hà Nội 'tố' bị nợ lương cả năm

Bị nợ cả năm lương, công nhân tại Dự án metro Nhổn – ga Hà Nội tập trung tại trụ sở cơ quan chủ quan căng băng rôn đòi lương
Bị nợ cả năm lương, công nhân tại Dự án metro Nhổn – ga Hà Nội tập trung tại trụ sở cơ quan chủ quan căng băng rôn đòi lương
TP - Nhiều lao động tại các dự án giao thông trọng điểm tại thành phố Hà Nội, như đường sắt đô thị, cầu vượt vẫn đang bị nợ lương cả năm, dù nhiều hạng mục của dự án đã hoàn thành.

Là dự án trọng điểm và đến nay việc thi công đã cơ bản xong, riêng các hạng mục, gói thầu như khu đề-pô, đường ray trên cao tại dự án đường sắt đô thị (metro) Cát Linh - Hà Đông, nhưng nhiều công nhân thi công tại các gói thầu này vẫn chưa nhận được lương.

Thậm chí có người bị nợ cả lương, phụ cấp trong một năm trời. Là công nhân thi công trực tiếp hạng mục duy tu, bảo dưỡng đoàn tàu tại ga cuối - khu đề pô tại phường Phú Lương (Hà Đông), hạng mục này đã hoàn thành theo hợp đồng hơn năm nay, tuy nhiên đến nay, anh Nguyễn Văn T, nhân viên thi công Công ty CP Xây dựng công trình 1 vẫn chưa nhận được lương, phụ cấp. Theo anh T, dự án đang nợ anh lương và phụ cấp trong hơn 12 tháng. Thời gian anh chờ đợi để được dự án trả số tiền này cũng kéo dài hơn 1 năm.

Tại dự án metro Nhổn - ga Hà Nội, hạng mục làm cầu vượt hoàn thành xong trong năm 2018, đến nay nhiều công nhân vẫn chưa nhận được lương. Nhiều ngày qua công nhân thi công tại hạng mục đường ray vượt cầu vượt Mai Dịch, vượt Cầu Giấy treo băng rôn “đòi lương” dán đỏ dọc công trường. Họ tập trung trước trụ sở là Xí nghiệp Cầu 17 - Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty CP (Cienco 1) để đổi lương.

Thậm chí nhiều dự án đã thi công xong và đi vào hoạt động nhiều năm nay, như cầu vượt An Dương (2018), cầu Đông Trù (2014), cầu Vĩnh Tuy (2009), nhưng công nhân và kỹ sư thi công vẫn bị nợ từ 10 đến 50 tỷ tiền lương. Tại dự án cầu vượt An Dương (quận Tây Hồ) đã thông xe, đưa vào sử dụng từ tháng 10/2018, nhưng tập thể người lao động tại hạng mục thi công đê bê tông cốt thép, hè, đường, thoát nước… vẫn chưa nhận được bất kỳ một đồng lương nào kể từ tháng 3/2018 cho đến khi dự án được hoàn thành.

Không thể bỏ mặc người lao động

Ông Lê Văn Thành, Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình 1 (nhà thầu phụ) thi công hạng mục duy tu, bảo dưỡng đoàn tàu tại khu đề pô metro Cát Linh - Hà Đông cho biết, theo hợp đồng với Tổng thầu (Trung Quốc), doanh nghiệp của ông thi công gói thầu có tổng giá trị hợp đồng 80 tỷ đồng, và đã hoàn thành hơn năm nay nhưng Tổng thầu mới thanh toán 3/4 giá trị  hợp đồng, tổng thầu vẫn còn nợ 19 tỷ. “Số tiền này chủ yếu là tiền lương công nhân, tiền mua sắm thiết bị thi công tại dự án”, ông Thành nói.

Đơn vị đã nhiều lần làm việc trực tiếp, gửi văn bản nhưng Tổng thầu tìm đủ mọi lý do để chây ì việc trả nợ.

Tại dự án metro Nhổn - ga Hà Nội, đại diện Cienco 1 cho biết, các gói thầu Xí nghiệp Cầu 17 thi công đã xong và bàn giao cho nhà thầu chính Daelim (Hàn Quốc) trong năm 2018. Tổng trị giá gói thầu theo hợp đồng là 327 tỷ đồng, nhưng Daelim mới thanh toán khoảng 300 tỷ để trả tiền mua sắm vật liệu, còn khoảng 20 tỷ chủ yếu là lương, phụ cấp công nhân Daelim nợ lại.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 25/6 về sự việc trên, ông Nguyễn Cao Minh, trưởng Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội thông tin, ông đã làm việc với nhà thầu Daelim, các đơn vị liên quan và yêu cầu, bằng mọi giá nhà thầu chính và nhà thầu phụ phải trả nợ lương cho người lao động. Sau khi nhận được yêu cầu nhà thầu Daelim đã giải quyết nợ lương công nhân.

Còn với dự án cầu vượt An Dương, ông Nguyễn Chí Cường, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, toàn bộ chi phí thi công dự án chủ đầu tư đã thanh toán xong cho các nhà thầu. Việc công nhân phản ứng bị nợ lương xảy ra với nhà thầu phụ do nhà thầu chính (Cty Thuận An) thuê. Lãnh đạo Cty Thuận An khẳng định, tính đến tháng 1/2019, đơn vị đã thanh toán đầy đủ nghĩa vụ về tài chính theo hợp đồng với các đối tác, trong đó có Cty CP Hoàng Chi Việt Nam (nhà thầu phụ đang nợ lương công nhân). Việc người lao động phản ứng chưa nhận được tiền lương là việc nội bộ của đơn vị.       

Nhiều chuyên gia cho rằng, dù là nhà thầu chính hoặc Tổng thầu ký kết, nhưng trong công tác quản lý, giám sát tại dự án, chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm với các đơn vị, công nhân thi công tại dự án của mình. Cùng với chất lượng, an toàn tại công trình, các chế độ có liên quan của người lao động phải được chủ đầu tư đảm bảo, người lao động thi công tại dự án mình quản lý khi xảy ra các sự cố thì không thể đổ hết trách nhiệm cho nhà thầu phụ.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.