Diện tích sàn nhà trọ ít nhất 5 m2/người là một trong những đề xuất của Sở xây dựng TP HCM trình UBND thành phố. Ở góc độ quản lý, đề xuất này giải quyết hài hòa mục tiêu an sinh xã hội, song khiến người cho thuê và người đi thuê lo lắng.
Đa số các phòng trọ ngoại thành TP HCM có diện tích từ 9 đến 12 m2/phòng |
Hơn 18 giờ, vợ chồng anh Đỗ Văn Lý, công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) mới về đến phòng trọ. Thuộc nhóm thu nhập khá so với mặt bằng chung của công nhân nhưng hai vợ chồng anh Lý chỉ muốn thuê nhà trọ rẻ. Cha mẹ hai bên đều ở quê nên vợ chồng anh tính làm vài năm nữa rồi về quê.
Nhiều công nhân lo lắng trước quy định phòng trọ có diện tích ít nhất 5m2/người. |
Căn nhà trọ rộng hơn 10 m2, chỉ đủ kê cái giường nhỏ, tủ lạnh, bếp ăn, riêng phần gác lửng dùng để cất đồ đạc. Chủ trọ có tâm nên mấy năm nay không tăng giá thuê, nhờ vậy mà vợ chồng anh ở lâu. "Giờ tôi đang thuê 1,1 triệu đồng/tháng. Nếu thuê phòng lớn hơn giá phải gấp đôi, vợ chồng tôi không kham nổi" - anh Lý bộc bạch.
Khảo sát Sở Xây dựng TP HCM cho thấy cứ 3 khu nhà trọ tại thành phố thì có 1 khu không đạt diện tích sàn bình quân. Đây chính là nơi sinh sống của 1,3 triệu lao động. Chật chội, ẩm thấp và nguy cơ cháy nổ cao là hiện trạng tại các khu nhà trọ.
Nhiều công nhân phải tiết kiệm để nuôi con ăn học nên việc ở ít người, thuê thêm phòng sẽ trở thành gánh nặng với họ |
Qua khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, đa số phòng trọ dành cho người lao động các quận, huyện ngoại thành xây dựng cách đây hàng chục năm. Hiện các phòng trọ chỉ ở mức 9-12 m2/phòng. Mỗi phòng có sức chứa từ 3-4 người (vợ chồng, con hoặc anh chị em ruột).
Theo nhiều chủ nhà trọ, đề xuất nói trên sẽ tạo không gian sống tốt hơn cho công nhân, nhất là giảm thiểu nguy cơ cháy nổ ở các khu nhà trọ.
Tuy nhiên, không ít chủ nhà trọ cũng hết sức lo lắng với đề xuất này. Bà Nguyễn Thị Lén, chủ nhà trọ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân,TP HCM rất lo lắng bởi không biết đào đâu ra kinh phí sửa chữa. Nếu phải sửa chữa thì trong thời gian này, người lao động phải tìm chỗ ở mới. "Ai đảm bảo khi chúng tôi xây xong thì công nhân tiếp tục thuê vì chắc chắn giá thuê sẽ tăng. Lúc này, công nhân đã có chỗ ở mới, họ có trở lại hay không?" - bà Lén nói.
Đa số phòng trọ đều chật hẹp, chứa nhiều đồ đạc. |
Một chủ nhà nêu thực tế: "Đa số các gia đình công nhân đều là 2 vợ chồng cùng 2 đứa con. Nếu đúng tiêu chuẩn, họ phải tách ra ở 2 phòng thì chi phí thuê nhà ở tăng gấp đôi, sẽ là gánh nặng lớn cho công nhân". Nhiều ý kiến đề xuất quy định này chỉ nên áp dụng với những nhà trọ hình thành trong tương lai. Còn những nhà trọ cũ nên có lộ trình để chủ nhà trọ sửa chữa.
Công nhân dành 10% - 15% thu nhập để trả tiền thuê nhà
Theo khảo sát của LĐLĐ TP HCM, 70% lao động tại các doanh nghiệp ở thành phố là người ngoại tỉnh, trong đó 50% cần chỗ ở, tương ứng 1,3 triệu người. Trong số này, hầu hết sống ở các phòng trọ do hộ gia đình, cá nhân xây, cải tạo cho thuê. Diện tích trung bình mỗi phòng chừng 14 m2 với mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng mỗi tháng và có khoảng 4 người cùng ở. Số khác thuê theo hình thức hộ gia đình, mỗi tháng phải trả 2-3 triệu đồng. Công nhân dành 10% - 15% thu nhập để chi trả cho chỗ ở.
Link bài gốc: https://nld.com.vn/cong-nhan-lo-lang-truoc-quy-dinh-phong-tro-co-dien-tich-it-nhat-5m2-nguoi-196240805070118985.htm