Tối 22/4, huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) và dòng họ Nguyễn Cảnh long trọng tổ chức khai hội đền Nguyễn Cảnh Hoan năm 2024 và công bố Lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Buổi lễ diễn ra với những tiết mục văn nghệ đặc sắc, độc đáo. |
Tham dự buổi lễ có ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ an; bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An.
Đền Nguyễn Cảnh Hoan nằm tại xã Tràng Sơn (Đô Lương, Nghệ An) là di tích lịch sử quan trọng của dòng họ Nguyễn Cảnh được xây dựng vào đầu thế kỷ XVII để thờ Đức Thánh Thái phó và những danh tướng của dòng họ Nguyễn Cảnh.
Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576) là người có công lớn đối với đất nước thời Lê Trung Hưng. Ông thuộc đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn Cảnh, là con thứ 2 của Phúc khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy (quê ở huyện Thanh Chương, Nghệ An). Với nhiều công lao hiển hách, sau khi ông qua đời đã được triều đình và nhân dân nhiều địa phương lập đền thờ phụng, trong đó có đền Nguyễn Cảnh Hoan ở xã Tràng Sơn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho chính quyền địa phương và dòng họ Nguyễn Cảnh. |
Ngoài thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, đền còn thờ nhiều danh tướng họ Nguyễn Cảnh như Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Thắng Quận công Nguyễn Cảnh Hà, Liêu Quận công Nguyễn Cảnh Quế... Năm 1991, Đền đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan mang vẻ đẹp cổ kính. Ngôi đền được làm từ nhiều kết cấu gỗ được chạm trổ công phu. Tại đền còn lưu giữ nhiều đồ tế khí và hiện vật cổ kính như long ngai, kiệu rồng, hoành phi, câu đối, sắc phong... Cứ 10 năm, Đền Nguyễn Cảnh Hoa tổ chức lễ hội 1 lần gọi là “Thập niên sự lệ”.
Rất đông người dân tham dự lễ hội. |
Lễ hội “Thập niên sự lệ” đền Nguyễn Cảnh Hoan năm 2024 được diễn ra trong 3 ngày 21 - 23/4 với nhiều nghi lễ, hoạt động văn hóa đặc sắc như: lễ rước tổ tiên, lễ cầu siêu, cầu an, lễ rước thần, hành hương về cội nguồn, biểu diễn văn nghệ, võ thuật, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian… Trong đó, lễ rước thần từ đền Nguyễn Cảnh Hoan đến chùa Phúc Mỹ và đền Đức Hoàng (xã Yên Sơn) và ngược lại là một trong những điểm nhấn quan trọng, hấp dẫn của lễ hội.
Tại buổi lễ vào tối 22/4, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho chính quyền địa phương và dòng họ Nguyễn Cảnh.
Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan diễn ra với nhiều nghi lễ độc đáo, lễ rước hoành tráng. |
Lễ hội "Thập niên sự lệ" đền Nguyễn Cảnh Hoan không chỉ khơi dậy niềm tự hào của dòng họ, của quê hương, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc, mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương Đô Lương có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời đến với mọi miền Tổ quốc.