Công nhân đi làm 10 năm, 2 lần rút BHXH một lần để trả nợ

0:00 / 0:00
0:00
TPHCM có 110.000 lao động rút BHXH một lần mỗi năm, Bình Dương có 60.000 và Đồng Nai hơn 40.000 lựa chọn tương tự. Mỗi lao động rút bảo hiểm đều than khó nhưng nhiều lý do thực sự... không đáng.

Anh Trình làm công nhân tại một công ty chế biến gỗ ở Bình Dương. Mặc dù thời gian đi làm mới hơn 10 năm nhưng anh đã rút BHXH một lần 2 đợt.

Đợt thứ nhất, Trình làm được 2 năm thì công ty bị cháy, mất việc. Cả năm trời anh phải sống nhờ trợ cấp thất nghiệp, làm thời vụ và vay mượn bạn bè. 1 năm sau, anh rút BHXH một lần để có tiền trả nợ.

Đợt thứ 2, khi Trình làm được 7 năm, tiết kiệm được một khoản tiền nên quyết tâm về quê xây nhà cho cha mẹ. Đang làm nhà thì hết tiền, phải mua thiếu vật tư, Trình rút BHXH một lần trả nợ.

Tại các tỉnh, thành phía Nam, không chỉ riêng anh Trình rút BHXH một lần. Trung bình mỗi năm, TPHCM có khoảng 110.000 lao động rút BHXH một lần, Bình Dương có khoảng 60.000 lao động, Đồng Nai có hơn 40.000 lao động. Mỗi lao động khi rút đều có những lý do khác nhau và gần như đều than rất khó khăn về tài chính.

Theo chị Ngô Thị Mỹ Kha, Phó chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân, TPHCM), hầu hết người lao động (NLĐ) rút BHXH một lần là do gặp cảnh khó khăn, cần tiền giải quyết mà không có tích lũy. Đặc biệt là sau dịch Covid-19, công nhân mất việc nhiều và khó tìm việc khiến NLĐ gặp khó khăn càng nhiều.

Công nhân đi làm 10 năm, 2 lần rút BHXH một lần để trả nợ ảnh 1

Sau thời gian giãn cách vì Covid-19, nhiều công nhân nghỉ việc, rời TPHCM rồi 1 năm sau quay lại rút BHXH một lần (Ảnh minh họa: Hải Long).

Theo ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Nidec Việt Nam (TP Thủ Đức, TPHCM), ngoài lý do khó khăn tài chính, nhiều NLĐ rút BHXH một lần thời gian gần đây là do thiếu thông tin hoặc tiếp cận truyền thông sai lệch.

Ông Hồng nhắc tới những thông tin sai lệch như "vỡ quỹ BHXH", "không cho rút BHXH một lần"… lan truyền trên mạng gần đây. Theo ông, công nhân không có điều kiện tìm hiểu chính sách pháp luật nhiều nên cứ nghe "vỡ quỹ" là lo sợ, rủ nhau đi rút BHXH một lần để tránh rủi ro.

Giải thích tại hội thảo "Lấy ý kiến NLĐ về chế độ BHXH một lần trong dự án Luật BHXH (sửa đổi)", ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam, khẳng định không có chuyện các cơ quan đề xuất hạn chế rút BHXH một lần vì sợ vỡ quỹ BHXH.

Theo ông Thọ, xét về góc độ tài chính, khi NLĐ rút BHXH một lần thì quỹ BHXH sẽ được lợi, vì số tiền mà NLĐ được nhận khi hưởng BHXH một lần thấp hơn số tiền mà NLĐ và chủ sử dụng lao động đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Hiện nay, mỗi tháng, NLĐ đóng BHXH bằng 8% mức lương cơ bản, người sử dụng lao động đóng 14%, tổng cộng là 22%. Như vậy, mỗi năm NLĐ và chủ sử dụng lao động đóng BHXH bằng 2,64 tháng lương cơ bản.

Khi rút BHXH một lần, NLĐ chỉ được nhận số tiền tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng BHXH trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.

Chỉ tính về số tiền đóng - hưởng đã thấy thiệt thòi rõ ràng khi rút BHXH một lần (mỗi năm tham gia BHXH mất từ 0,64 đến 1,14 tháng lương).

Khi rút BHXH một lần, NLĐ rời khỏi hệ thống BHXH cơ bản này và số tiền chênh lệch kết dư trong quỹ. Số NLĐ rút BHXH một lần càng nhiều thì quỹ BHXH sẽ kết dư càng lớn, càng lợi về mặt tài chính.

Ông Đỗ Ngọc Thọ giải thích, việc Nhà nước khuyến khích NLĐ không rút BHXH một lần cũng giống như việc khuyến khích người dân đội mũ bảo hiểm. Quy định đóng BHXH bắt buộc cũng giống như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, là để bảo vệ NLĐ.

"Khuyến khích đội mũ bảo hiểm là để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi chẳng may xảy ra tai nạn giao thông. Còn khuyến khích NLĐ không rút BHXH một lần là để giữ họ trong hệ thống an sinh, được chia sẻ rủi ro nếu lỡ có biến cố xảy ra, được hưởng lương hưu khi về hết tuổi lao động, đảm bảo cuộc sống khi về già", ông Thọ nhấn mạnh.

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG