Giới truyền thông Hàn Quốc, bao gồm cả tờ DongA Ilbo đưa tin các công nhân Triều Tiên đã bắt đầu đào một con đường mới ở bãi thử Punggye-ri - nơi Triều Tiên từng tiến hành 6 vụ thử hạt nhân trước đó.
Dấu hiệu này cho thấy một vụ thử vũ khí có thể sẽ được tiến hành trong tháng tới, tờ DongA Ilbo dẫn lời một quan chức an ninh cho biết, khi Triều Tiên chuẩn bị kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gửi lời cảnh báo đến Mỹ hôm 28/3, rằng Bình Nhưỡng có kế hoạch “tăng cường khả năng tấn công” để “kiểm soát mọi mối đe doạ từ đối thủ”.
Ngoài ra, việc Mỹ - Nga đang gia tăng căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine cũng sẽ giúp Triều Tiên khó có nguy cơ bị trừng phạt nếu thực hiện các hành động khiêu khích. Vì bất kỳ biện pháp trừng phạt bổ sung nào nhằm vào Triều Tiên từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng sẽ cần nhận được sự ủng hộ từ Nga và Trung Quốc.
Sự miễn cưỡng của Bắc Kinh và Mátxcơva đã được thể hiện trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm 25/3, khi cơ quan này nhóm họp để thảo luận về vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 của Triều Tiên.
Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc - bà Anna Evstigneeva đã từ chối lời kêu gọi của Mỹ về điều mà bà mô tả là "xoay trục các lệnh trừng phạt" nhằm vào Triều Tiên, và ủng hộ một nghị quyết được soạn thảo với Trung Quốc với nội dung ưu tiên đàm phán.
“Triều Tiên có thể coi những rạn nứt giữa Mỹ với Nga và Mỹ với Trung Quốc là cơ hội vàng để tiến hành các vụ thử tên lửa tầm xa, và thậm chí có thể là thử hạt nhân”, Rachel Minyoung Lee - một chuyên gia của chương trình 38 North cho biết.
Phản ứng của các thành viên Hội đồng Bảo an trước vụ thử ICBM cho thấy cục diện địa chính trị đã thay đổi nhiều như thế nào kể từ năm 2017, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tung "hỏa lực và thịnh nộ" chống lại Triều Tiên, đồng thời bảo đảm sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga đối với các lệnh trừng phạt cứng rắn của Liên Hợp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng.
Ở thời điểm hiện tại, xung đột Ukraine đã khiến tình hình trở nên phức tạp khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ở thế đối đầu với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đồng thời, cuộc xung đột đã cho thấy “giá trị” của vũ khí hạt nhân trong việc ngăn chặn các hành động quân sự của Mỹ và đồng minh, Bloomberg nhận định.
Tháng trước, Triều Tiên là một trong 5 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc bỏ phiếu chống lại nghị quyết lên án chiến dịch quân sự của Nga. Theo Triều Tiên, nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột hiện tại “nằm ở chính sách bá quyền của Mỹ và phương Tây, những người vốn tự cho mình là trên cơ và hành xử tuỳ tiện với các nước khác.”
Mặc dù Triều Tiên vẫn đang hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc, nhưng chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un vẫn không ngừng cải tiến chương trình vũ khí để gia tăng khả năng răn đe. Vào những ngày kết thúc nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, ông Kim Jong-un đã vạch ra lộ trình 5 năm cho chương trình hạt nhân, bao gồm cả việc chế tạo các đầu đạn nhỏ hơn, nhẹ hơn, mạnh mẽ hơn.
Các vũ khí được ông Kim đề cập đến vào thời điểm đó, chẳng hạn như tên lửa siêu thanh có thể tránh các lá chắn tên lửa của Mỹ và tấn công các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, đã được thử nghiệm trong những tháng gần đây.
Theo ông Lee Choon-geun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, các nhà quan sát sẽ tiếp tục theo dõi các đường hầm khác nhau ở bãi thử Punggye-ri để tìm thêm manh mối về hoạt động của Triều Tiên.
“Nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân tiếp theo ở đường hầm số 3, thì tức là họ đang thử nghiệm công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân cho vũ khí hạt nhân chiến thuật”, ông Lee nói, và cho biết thêm rằng đường hầm thứ tư dùng để thử nghiệm các thiết bị nhiệt hạch.
Giữa năm 2018, Triều Tiên tiến hành phá hủy và đóng cửa bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri. Từ năm 2006, Bình Nhưỡng đã tiến hành tất cả 6 vụ thử hạt nhân tại Punggye-ri, vụ gần đây nhất và mạnh nhất được tiến hành vào tháng 9/2017.