Công nhân chật vật mưu sinh cuối năm-Kỳ 2: Chịu đựng, thắt lưng buộc bụng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lương cơ bản chỉ vừa nhích được đôi chút thì tiền nhà trọ, tiền ăn uống, điện nước đã ào ào tăng theo. “Thắt lưng buộc bụng, chi tiêu tằn tiện” là cẩm nang tồn tại của rất nhiều công nhân khi trò chuyện cùng chúng tôi.

Chịu đựng

Đi qua khu nghĩa trang liền kề nhà dân nằm sâu trong con hẻm nhỏ đường Bà Hom (quận Bình Tân), căn phòng trọ chưa tới 6m2 là nơi ở của 4 người trong gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng (31 tuổi, quê Đồng Nai). Khi tôi tới, Hằng vừa dỗ dành con trai nhỏ 3 tuổi, vừa kèm chữ cho cậu con trai lớn chuẩn bị vào lớp 1.

Gần 13 năm làm công nhân, Hằng bảo: “Vẫn “giật gấu vá vai”, tiết kiệm từng khoản chi tiêu nhưng vẫn thiếu trước hụt sau”. Vốn là công nhân Công ty Bảo Nhân (quận Bình Tân) chuyên may quần áo xuất khẩu, mức lương của Hằng gần như kịch trần với 9 triệu đồng/tháng, khi được tăng ca còn nhận thêm từ 1-2 triệu đồng. Số tiền đó Hằng dành 5 triệu đồng đóng tiền học cho hai con, còn lại thuê nhà trọ, ăn uống. Con nhỏ nhiều bệnh nên hầu như tháng nào cũng đi bác sĩ…

Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch LĐLĐ TPHCM, đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo từ các công đoàn cơ sở có khoảng 143 doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, nên có khoảng 26.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng đến việc làm. LĐLĐ TPHCM đã chỉ đạo các cấp công đoàn theo dõi sát sao, cập nhật liên tục tình hình việc làm của người lao động từ nay đến Tết Nguyên đán 2023 để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

“Mới đây, mình phải vay nóng 10 triệu đồng lo cho con. Ba tháng nay, công ty ít việc nên không tăng ca. Còn chồng, sau giờ làm còn nhận thêm chân chở hàng, chạy xe ôm đến tối mịt mới về. Cố gắng hết sức nhưng vẫn hoàn thiếu” - Hằng nói.

Nhiều lần chị cũng có ý định tìm việc mới, công ty có nhiều đãi ngộ nhưng ngặt nỗi, chuyển việc đồng nghĩa mọi thứ bắt đầu từ số 0, mức lương cũng chưa chắc được như hiện tại nên chị vẫn không dám liều lĩnh.

Công ty Nhựa Chợ Lớn gần đây cắt giảm giờ làm chỉ còn 4 ngày/tuần. Không được tăng ca, việc ít, lương công nhân của chị Lê Thị Quyên (quê Sóc Trăng) chỉ 4 triệu đồng/tháng, chia làm hai đợt. Đồng lương ít ỏi đó, chị Quyên gửi hết về quê để nuôi hai con đang học lớp 9 và lớp 4.

“Lên thành phố làm việc từ năm 2000, suốt những năm làm công nhân, tôi “không dám” đau bệnh ngày nào. Nhưng chưa bao giờ công việc khó khăn như lúc này. Dẫu vậy, tôi cũng không dám tìm việc khác vì chẳng ai nhận người đã 40 tuổi nữa, dù mình có tay nghề, kinh nghiệm” - chị Quyên rớm nước mắt, nói.

Ăn bữa nay, lo bữa mai

Tối muộn, một ngày cuối tuần giữa tháng 11/2022 khi đến Khu lưu trú công nhân ở quận 7 (TPHCM) tôi tình cờ gặp anh Đoàn Minh Phương (37 tuổi, quê Vĩnh Long), công nhân của một công ty trong Khu chế xuất Tân Thuận. Vài tháng trước, anh Phương bị cho nghỉ luân phiên vì công ty giảm đơn hàng nên thiếu việc làm.

“Dù đang làm việc trong năm 2022 nhưng mình đã dùng tới phép năm 2023 cho những ngày nghỉ vì không có hàng” anh Phương chia sẻ. Thu nhập giảm sút, không thể cầm cự nổi nên anh đăng ký chạy xe công nghệ để lo cho gia đình. Dù vào nghề chưa lâu, chiếc áo khoác hãng xe công nghệ của anh đã bạc phếch. Anh Phương cho hay, đi làm từ khi trời còn mờ sáng đến tối mịt, thu nhập khoảng 400.000-500.000 đồng/ngày.

Công nhân chật vật mưu sinh cuối năm-Kỳ 2: Chịu đựng, thắt lưng buộc bụng ảnh 1

Khu chợ cóc ở khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) đông nghịt công nhân mỗi buổi chiều

Vợ anh Phương, chị Bùi Thị Dinh (32 tuổi, quê Bắc Kạn) làm công nhân tại Công ty TNHH Hung Way chuyên sản xuất găng tay trượt tuyết. Mười năm bám nghề nhưng lương của chị chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Do đang mang thai lại gần tới ngày sinh nên không thể tăng ca, thu nhập vì thế cũng giảm đi nhiều. Vợ chồng anh chị có con trai 5 tuổi và chuẩn bị đón bé thứ hai. Bữa cơm tối của gia đình anh chỉ có nồi canh rau và vài bìa đậu hủ kho.

“Mỗi lần ra chợ phải tính toán chi li lắm để không thâm hụt vào số tiền quy định. Trung bình mình chỉ đi chợ trong khoảng 50.000 đồng/ngày, rau đậu là món “trường kỳ kháng chiến”, còn dư chút đỉnh mua lạng thịt cho con. Gia đình chúng tôi sắp đón thêm bé thứ 2 nên càng phải dè xẻn, tích cóp để có thể chăm sóc tốt nhất cho con” - chị Dinh bộc bạch.

Bày ra mấy con cá khô mặn ở quê gửi lên, chị Lê Thị Hiền (29 tuổi, quê Cà Mau) kể, mỗi lần về quê lên lại thành phố, túi đồ đem theo không có gì ngoài vài ký cá khô, hủ dưa mắm…

“Bình thường cứ cơm nguội cá khô, hôm nào sang lắm thì ra đầu ngõ kêu tô hủ tiếu gõ 25.000 đồng cũng xong bữa. Ăn lấy no còn có sức làm việc và tiết kiệm được đồng nào đỡ đồng nấy, còn dư gửi về quê cho cha mẹ già lo thuốc thang” - chị Hiền nói.

Công nhân chật vật mưu sinh cuối năm-Kỳ 2: Chịu đựng, thắt lưng buộc bụng ảnh 2

Bữa cơm tối của gia đình anh Đoàn Minh Phương chỉ có rau đậu và chút cá nhỏ dành cho con.

Năm năm làm công nhân may tại Công ty Thiên Phúc (quận 12), lương của chị Hiền vẫn chỉ dao động ở mức 5-7 triệu đồng/tháng. Đưa chúng tôi xem cuốn sổ thu chi với chi chít con số, nữ công nhân lẩm nhẩm tính, tổng cộng mỗi tháng chi hết 2,5 triệu đồng. Sau khi giữ tầm 1 triệu đồng gửi tiết kiệm, còn bao nhiêu chị đều gửi về nhà.

“Tôi là con gái út lại độc thân, các anh chị có gia đình riêng nhưng cũng rất khó khăn. Cha mẹ đã 70 tuổi, quanh năm đau ốm; mình giúp ba mẹ được phần nào đều cố gắng hết sức” - nữ công nhân thổ lộ.

Chọn “hàng dạt”

Từ khoảng 17 giờ trở đi, khu chợ cóc trước Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) đông nghịt công nhân đến mua thực phẩm. Chiếc loa tự chế oang oang phát ra từ một chiếc xe ba-gác rao đủ các loại thịt cá, rau củ, trái cây… có giá từ 10.000-50.000 đồng/kg tùy loại.

“Thanh long 15.000 đồng/kg; đầu cá đông lạnh 30.000 đồng/cái; rau muống, cà chua, dưa leo… tầm 15.000 đồng/túi... Đa số đều là thực phẩm “dạt” (không còn tươi ngon) nhưng giá lại rẻ, chỉ tầm 50.000 đồng có thể mua đủ bữa ăn cho gia đình 3 người. Mình mua về chế biến kỹ một chút vẫn có bữa ăn ngon” - chị Lâm Thị Vũ (42 tuổi, công nhân Công ty Pouyuen) nói.

50 nghìn đồng là định mức bữa tối của gia đình chị Thanh Tuyền (công nhân công ty đông lạnh tại TP Thủ Đức), được duy trì trong suốt hai năm qua. Hôm nào mua nhiều hơn thì hôm sau phải giảm bớt.

Khoe nửa con vịt đồng vừa mua ở chợ tự phát trên đường Bùi Văn Ba (quận 7) với giá hơn 100 nghìn đồng, anh Võ Văn Tình (công nhân cơ khí Công ty Thuận Phát, huyện Bình Chánh) cho biết, vừa lãnh lương được 6 triệu đồng, anh liền mua gạo, mì gói, đường muối, dầu ăn… đủ dùng cho cả tháng, trừ tiền nhà trọ, tiền học của hai con vẫn còn dư chút đỉnh nên đãi cả nhà “ăn sang” một bữa.

“Gần đây công ty gặp khó vì đối tác nước ngoài cắt hợp đồng đặt hàng, công nhân không tăng ca nên chỉ còn lương cơ bản. Thu nhập hai vợ chồng khoảng chục triệu đồng/tháng, mình phải thắt lưng buộc bụng đủ kiểu mới vừa đủ trang trải cho cả gia đình 4 người” - người đàn ông có vẻ ngoài khắc khổ, già hơn cái tuổi 40 giãi bày...

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG