Công nhân bị sa thải, sức mua giảm sâu, đơn hàng rất kém

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Nền kinh tế trong nước hiện đang kém, công nhân bị sa thải, sức mua giảm sâu nên đơn hàng coi như vô phương. DN chỉ còn cách cố cầm cự bằng cách sản xuất chậm lại, tập trung thay đổi thiết bị, nâng cấp công nghệ, huấn luyện lại công nhân và chờ đợi" - ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Nhựa - Cao su TPHCM cho biết.

Ngày 14/6, trao đổi với PV Tiền Phong bên lề triển lãm công nghiệp sơn phủ, giấy, cao su và nhựa vừa khai mạc tại TPHCM, ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Nhựa - Cao su TPHCM thông tin, tình hình sản xuất kinh doanh của DN hội viên khá ảm đạm.

“Sáu tháng đầu năm, đơn hàng rất kém. Phần lớn DN giảm đơn hàng từ 20-30%, thậm chí có nơi giảm tới 50% rơi vào các sản phẩm không thiết yếu. Hiện đơn hàng 6 tháng cuối năm chưa khởi sắc, chúng tôi lo rằng khó khăn này sẽ tiếp tục kéo dài thêm một quý nữa trước khi có những tín hiệu tốt hơn” - ông Quốc Anh cho hay.

Công nhân bị sa thải, sức mua giảm sâu, đơn hàng rất kém ảnh 1

Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội tại các cuộc triển lãm chuyên ngành.

Theo ông Quốc Anh, những DN trước đây chỉ tập trung vào xuất khẩu thì nay lại càng khó khăn, đặc biệt khi muốn quay về thị trường nội địa cũng không dễ dàng. Nền kinh tế trong nước hiện đang kém, công nhân bị sa thải, sức mua giảm sâu nên đơn hàng coi như vô phương. DN chỉ còn cách cố cầm cự bằng cách sản xuất chậm lại, tập trung thay đổi thiết bị, nâng cấp công nghệ, huấn luyện lại công nhân và chờ đợi.

Khó khăn nhất của các DN hiện nay là dòng tiền. DN bán hàng không được, không thu được tiền của khách hàng. Còn ngân hàng hiện nay thừa tiền cho vay, tuy nhiên lãi vay vẫn rất cao (hơn 10%/năm) nên nhà kinh doanh không dám mạo hiểm.

Công nhân bị sa thải, sức mua giảm sâu, đơn hàng rất kém ảnh 2

Việt Nam xuất khẩu lốp xe trong năm 2022 đạt 2,4 tỷ USD

"“Điểm sáng” của ngành cao su trong năm qua theo ông Quốc Anh là xuất khẩu lốp xe. Cụ thể, năm 2022 Việt Nam xuất khẩu lốp xe đạt 2,4 tỷ USD (tăng 20% so với năm 2021). Xuất khẩu vào thị trường Mỹ là chính. Năm nay cố gắng giữ sản lượng này nhưng cũng rất khó khăn, chật vật" - Chủ tịch Hội Nhựa - Cao su cho hay.

Theo ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, mặc dù Việt Nam là nơi sản xuất cao su tự nhiên đứng thứ 5 thế giới song các DN đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các FDI vẫn đang nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu này để phục vụ sản xuất do đặc thù tiêu chuẩn nguyên liệu.

Công nhân bị sa thải, sức mua giảm sâu, đơn hàng rất kém ảnh 3

Doanh nghiệp Ấn Độ cũng tìm kiếm cơ hội bán hàng tại Việt Nam.

Tương tự, ngành nhựa chủ yếu vẫn chỉ được biết đến như là một ngành kinh tế kỹ thuật về gia công chất dẻo, chưa chủ động được hoàn toàn nguồn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất. Hiện nay, mỗi năm ngành nhựa cần khoảng 4,5-5 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào như PE, PP, PS, PVC… chưa kể hàng trăm loại hoá chất phụ trợ khác nhau, trong khi khả năng trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 1 triệu tấn nguyên liệu và hóa chất, phụ gia. Ngành nhựa hiện mới chỉ chủ động được khoảng 20% nguyên liệu cũng như hóa chất phụ gia đầu vào.

Chủ tịch Hội Nhựa - Cao su TPHCM cho rằng, để DN có thêm thị trường, đơn hàng… đòi hỏi họ phải đi nhiều hơn, tham gia các triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm, tìm cách chinh phục khách hàng. “Phải bán cái thị trường cần, không ngừng sáng tạo đổi mới sản phẩm và tham gia vào chuỗi cung ứng nếu muốn tham gia vào thị trường thế giới” - ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Chuỗi triển lãm công nghiệp sơn phủ, giấy, cao su và nhựa tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (quận 7, TPHCM) kéo dài từ 14-16/6, dự kiến đón tiếp hơn 8.000 khách tham quan thương mại trong nước và quốc tế, đặc biệt từ các nước trong khu vực.

MỚI - NÓNG