Cảnh báo nguy cơ tụt hậu trong thu hút đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, các nhà đầu tư những năm gần đây khi đến TPHCM luôn đặt câu hỏi về năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh. Do đó, ngay bây giờ chúng ta đã đứng trước nguy cơ tụt hậu trong thu hút đầu tư nước ngoài nếu không chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Ngày 14/6, tại diễn đàn Thương mại xanh 2023 - Cơ hội, thách thức và triển vọng phát triển của doanh nghiệp do báo Sài Gòn Giải Phóng và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng, nhận thức về tiêu dùng xanh đã có một bước tiến dài.

Cảnh báo nguy cơ tụt hậu trong thu hút đầu tư nước ngoài ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại diễn đàn.

Theo ông Hoan, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế bền vững trở thành xu thế tất yếu của thế giới. Các nhà đầu tư những năm gần đây khi đến với TPHCM luôn đặt câu hỏi về năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh. Những nhà đầu tư đã đến từ trước cũng muốn trở bộ để “xanh” hơn. Bởi nếu không đáp ứng được các tiêu chí xanh thì sản phẩm của họ sản xuất ra không thể xuất khẩu vào các thị trường châu Âu và các nước phát triển khác. Như vậy thì không thể tồn tại, phát triển được và do đó chuyển đổi xanh trở thành vấn đề rất cấp bách. Hiện nay xu hướng là tăng trưởng xanh, mục tiêu đến năm 2050 Việt Nam giảm phát thải bằng 0, đây là thách thức rất lớn.

“Không cần phải tới năm 2050, mà ngay từ bây giờ chúng ta đã đứng trước nguy cơ tụt hậu trong thu hút đầu tư nước ngoài sụt giảm nếu như không chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Khi đó sản xuất hàng hóa không đưa ra được thị trường thế giới, thì không thể hội nhập, tăng trưởng” - ông Hoan cảnh báo.

Cảnh báo nguy cơ tụt hậu trong thu hút đầu tư nước ngoài ảnh 2

Các doanh nghiệp Việt khẩn trương chuyển đổi theo xu hướng xanh để hội nhập quốc tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế.

Khảo sát hiện trạng áp dụng kinh tế tuần hoàn của DN thuộc 5 nhóm ngành (nhựa, dệt may, thép, chế biến thực phẩm, bia, rượu và nước giải khát), ông Quân thấy rằng, đến 87,8% DN có các giải pháp tối ưu hóa đầu vào, 55,6% có giải pháp tái tạo hệ sinh thái và giảm ô nhiễm môi trường, 70,3% có giải pháp kéo dài vòng đời sản phẩm.

“Hai yếu tố được DN đánh giá là quan trọng nhất, là yếu tố tài chính (vốn, lợi ích, chi phí) và yếu tố nhận thức, niềm tin của khách hàng. Những yếu tố này còn được nhìn nhận cao hơn là yếu tố chính sách, yếu tố kỹ thuật, yếu tố liên quan đến thị trường, cơ sở hạ tầng” - TS Nguyễn Hồng Quân nói.

Cảnh báo nguy cơ tụt hậu trong thu hút đầu tư nước ngoài ảnh 3

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt đa số vừa và nhỏ, do đó chọn hướng phát triển xanh phù hợp nội lực lại đáp ứng yêu cầu quốc tế là điều không dễ dàng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để lựa chọn hướng phát triển xanh vừa phù hợp nội lực của DN Việt Nam, vừa đáp ứng tiêu chuẩn xanh mà các thị trường quốc tế đang áp dụng là vấn đề không dễ. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi có đến 99% DN Việt có quy mô sản xuất nhỏ và vừa, nội lực cạnh tranh yếu, vốn đầu tư mỏng…

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Huba nhìn nhận, Việt Nam gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do đã tạo độ mở rất lớn cho thị trường trong nước nói riêng và thế giới nói chung. Thực tế này đã giúp các DN có cơ hội mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế. Ngược lại, hàng hoá của DN Việt cũng phải chấp nhận sân chơi với những rào cản kỹ thuật chung.

MỚI - NÓNG