Đập Tiểu Loan và Cảnh Hồng là 2 trong số 6 đập thủy điện mà Trung đang vận hành trên đoạn sông Mekong chảy qua đất Trung Quốc mà nước này gọi là Lan Thương. Đập Tiểu Loan là đập thứ 2, còn đập Cảnh Hồng là đập thứ 6 trên đoạn sông này, và cả hai đều thuộc tỉnh miền núi Vân Nam. Giữa đập Tiểu Loan và Cảnh Hồng có 3 đập thủy điện, gồm Mạn Loan, Đại Triều Sơn và Nọa Trát Độ.
Trước đó, có ý kiến nghi ngờ lượng nước Trung Quốc xả xuống hạ lưu không nhiều, vì hồ chứa nước của Cảnh Hồng quy mô nhỏ, không thể xả nhiều và liên tục trong nhiều ngày, nên quốc gia ở cuối dòng Mekong như Việt Nam không nhận được đáng kể. Ông Lý Trung Bình, đại diện Ủy ban Quản lý sông Trường Giang thuộc Bộ Thủy lợi Trung Quốc, được ủy quyền quản lý phía tây và hạ nguồn sông Lan Thương, nói rằng, Trung Quốc đã cho xả nước làm 3 đợt, từ 15/4 tới 31/5, với tổng lượng nước khoảng 12,6 tỷ m3, gấp 1,96 lần so với lượng nước tự nhiên, gấp 1,4 lần lượng nước điều tiết bình thường.
Một ví dụ về hợp tác sử dụng dòng sông chung là Mỹ và Canada ký Hiệp ước sông Columbia năm 1964 để quản lý, sử dụng nguồn nước sông Columbia nhằm phát triển thủy điện, kiểm soát lũ lụt, đảm bảo nguồn nước cho các hoạt động nông nghiệp, dân sinh, tàu thuyền đi lại…
Ông Bình nói rằng, Cảnh Hồng là đập nhỏ, lượng nước dự trữ không nhiều, nên trong 3 đợt xả vừa qua chủ yếu phải xả từ hai đập lớn là Tiểu Loan và Nọa Trát Độ, nhưng vì Cảnh Hồng là rốn cuối cùng trong hệ thống các đập thủy điện đang vận hành trên đoạn sông này nên đóng vai trò quan trọng. Mực nước ở đập Tiểu Loan và Cảnh Hồng hiện ở mức thấp để đón mùa lũ.
Trong khi nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của các đập thủy điện đối với môi trường và cuộc sống người dân lưu vực sông, ông Bình nói rằng, lưu vực Mekong - Lan Thương “thiếu những giải pháp điều tiết nguồn nước tất yếu, nên hay xảy ra hạn hán, lũ lụt”.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi là “biện pháp hữu hiệu để đối phó biến đổi khí hậu”, và 6 đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn Mekong đã “khai thác hợp lý và thích đáng” nguồn nước sông, giúp “lượng nước xả xuống phía dưới tăng 70% vào mùa khô và giảm 30% vào mùa lũ”, ông Bình nói với đoàn phóng viên Việt Nam. Về nguyên nhân gây hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng vừa qua, ông Bình đề cập El Nino.
Về tác dụng của 3 đợt xả nước khẩn cấp, TS Paradis Someth, chuyên gia từ Ủy hội Sông Mekong được Trung Quốc mời tham gia đợt khảo sát lần này, cho biết, Ủy hội Sông Mekong đang phối hợp Bộ Thủy lợi Trung Quốc để đánh giá. Báo báo này sẽ được gửi cho các nước thành viên Ủy hội xem và chấp nhận trước khi công bố, dự kiến vào tháng sau.
Cần cơ chế hợp tác cao hơn
Một số chuyên gia Việt Nam cho rằng, việc Trung Quốc xả nước từ đập Cảnh Hồng là điều đáng quý, nhưng thật bất tiện nếu cứ xảy ra hạn hán rồi mới gửi công hàm đề nghị xả nước như vừa qua mà không có một cơ chế phối hợp chủ động hơn, sự hợp tác trách nhiệm hơn giữa các quốc gia. Một số ý kiến cho rằng, cần có một quy trình vận hành liên hồ đập để phối hợp hiệu quả, tính đến lợi ích của hạ du và yếu tố biến đổi khí hậu.
Trung Quốc hiện cung cấp cho Ủy hội sông Mekong thông tin về mực nước, vận hành của các đập thủy điện của họ trên phần sông Lan Thương trong mùa lũ. Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về việc Trung Quốc có sẵn sàng cung cấp thông tin về lượng nước dự trữ ở các đập thủy điện Trung Quốc trong mùa khô cho Ủy hội hay không, đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Thủy lợi Trung Quốc nói rằng, Trung Quốc có “thái độ cởi mở” về việc hợp tác sử dụng tài nguyên nước với các quốc gia khác dọc sông Mekong. Nhưng trong mùa khô, Trung Quốc chỉ chia sẻ khi có những tình huống khẩn cấp. Đại diện Trung Quốc cho rằng, các nước sử dụng chung các dòng sông trên thế giới cũng chưa có cơ chế chia sẻ thông tin trong mùa khô.
Về khuôn khổ hợp tác, các nước lưu vực sông Mekong - Lan Thương đang hợp tác ở mức nhóm công tác chung với các cuộc họp thường niên. Nếu gặp vấn đề khẩn cấp, bộ trưởng của 6 nước sẽ nhóm họp. Trong khuôn khổ hợp tác Mekong- Lan Thương, cứ 2 năm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo Mekong- Lan Thương.