Trung Quốc xả nước thủy điện: Sớm nhất 2 tuần nữa nước mới về Việt Nam

Người dân đồng bằng sông Cửu Long phải chờ ít nhất hai tuần nữa nước từ thủy điện Cảnh Hồng mới về đến. Ảnh: H.Long.
Người dân đồng bằng sông Cửu Long phải chờ ít nhất hai tuần nữa nước từ thủy điện Cảnh Hồng mới về đến. Ảnh: H.Long.
TP - Tại họp báo thường kỳ tháng 3 của Bộ TNMT chiều qua, nhiều câu hỏi đặt ra về việc Việt Nam kiến nghị Trung Quốc xả nước thủy điện như lượng xả bao nhiêu, lượng nước về Việt Nam bao nhiêu, thời gian bao lâu về đến Việt Nam, có giúp giải khô hạn?

Bao nhiêu nước từ Trung Quốc về Việt Nam?

Ông Trần Đức Cường, Phó chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam chia sẻ thông tin chính thức từ phía Trung Quốc, sau khi có công hàm của Bộ Ngoại giao kiến nghị phía Trung Quốc xả nước từ Hồ thủy điện Cảnh Hồng (hồ cuối cùng trong bậc thang thủy điện Mekong ở thượng lưu Trung Quốc) để cứu hạn cho Việt Nam, phía Trung Quốc đã có văn bản trả lời. Trung Quốc cho biết đã bắt đầu xả nước Hồ thủy điện Cảnh Hồng  từ ngày 15/3, dự kiến xả liên tục đến ngày 10/4 với lưu lượng trung bình là 2.000 m3/giây.

“Không giống thông tin ban đầu là 2.190 m3/giây như nhiều báo đăng”, ông Cường nói. Lưu lượng nước Trung Quốc xả từ thủy điện Cảnh Hồng gần bằng con số phía Việt Nam kiến nghị theo công hàm ngoại giao ngày 7/3 (2.300 m3/giây). Lưu lượng xả này tăng 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3-3,5 lần so với dòng chảy tự nhiên.

Vấn đề được nhiều người đặt ra là bao nhiêu lượng nước này sẽ về Việt Nam khi đi qua 4.000km chiều dài sông và qua các nước cũng đang khô hạn nặng là Thái Lan, Lào và Campuchia? Theo ông Cường, ước tính sơ bộ ban đầu, lượng nước về đến Việt Nam sẽ được 27-54% so với lượng nước xả. Con số hao hụt được tính dựa trên sự chênh lệch lưu lượng nước từ trạm thủy văn gần thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) so với trạm thủy văn ở Châu Đốc, An Giang, Việt Nam. Thời gian để nước đi từ thượng nguồn về Việt Nam ước khoảng 2-3 tuần. Tức là sớm nhất 2 tuần nữa, nước từ thủy điện Cảnh Hồng mới về đến Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Cường cho biết thêm, để đảm bảo lượng nước về đến Việt Nam phải tăng cường vai trò của Ủy hội Mekong. Hiện nay trên dòng chính sông Mekong có 48 trạm quan trắc thủy văn, trong đó hai trạm thủy văn ở gần thủy điện Cảnh Hồng nhằm giám sát lưu lượng nước của thủy điện Cảnh Hồng. Phía dưới Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam có 46 trạm quan trắc.

Ngoài ra, Ủy hội Mekong cũng kiến nghị các quốc gia ưu tiên sử dụng nước cho mục đích khô hạn, cứu đói, không sử dụng nước cho các mục đích khác, không được chuyển nước sang lưu vực khác cũng như không được trữ nước tại các hồ chứa trên bậc thang thủy điện ở cả dòng chính và dòng nhánh của sông. Ủy ban Mekong Việt Nam cũng kiến nghị các nước trong Ủy hội Mekong dọn chướng ngại trên sông để dòng chảy lưu thông tốt.

Tuy nhiên, ông Cường cũng thừa nhận, dù có các biện pháp về quan trắc, giám sát song hiện nay Thái Lan, Lào, Campuchia đều đang trong tình trạng khô hạn khủng khiếp do tác động của El Nino. Trong khi đó, các nước này có quyền sử dụng nước xả từ thượng nguồn Trung Quốc theo thỏa thuận của các nước thuộc Ủy hội Mekong. Vì thế con số cụ thể phải dựa trên kết quả quan trắc sau này. Dự kiến sớm nhất hai tuần nữa mới có. Theo TS Đào Trọng Tứ, thành viên Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, với lưu lượng và thời gian xả như thế chỉ góp một phần rất nhỏ vào việc tăng nguồn nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Sẽ thành lập sáu ủy ban lưu vực sông

Chia sẻ về việc các địa phương hiện nay mỗi tỉnh có một chiến lược dùng nước khác nhau dẫn đến mâu thuẫn và giảm hiệu quả sử dụng nước, ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TNMT cho biết, Bộ này đang xây dựng đề án các tổ chức lưu vực sông. Dự kiến thành lập sáu Ủy ban lưu vực sông, trong đó có Ủy ban lưu vực sông Cửu Long nhằm điều phối sử dụng nước một cách hiệu quả nhất. Hiện Bộ đang xây dựng dự thảo, sẽ trình Chính phủ phê duyệt.

Trong khi đó, liên quan đến tình trạng hạn hán kỷ lục 100 năm, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Quốc gia cho biết, hạn hán vẫn sẽ tiếp tục đến hết tháng 5 vì mùa mưa năm nay đến muộn. Đây là đợt El Nino rất mạnh trong lịch sử, vượt qua cả đợt El Nino kỷ lục là năm 1997-1998. Dự kiến đầu tháng 6 mới có những trận mưa đầu tiên. Hạn hán vì thế sẽ tiếp tục lan rộng và gay gắt hơn nữa. “Không chỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung bộ. Hạn hán đang mở rộng ra Trung Trung bộ và có thể lên cả Bắc Trung bộ”, ông Hải nói.

Theo ông Trần Đức Cường, Phó chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam, ước tính sơ bộ ban đầu lượng nước về đến Việt Nam sẽ được 27-54% so với lượng nước xả. Con số hao hụt được tính dựa trên sự chênh lệch lưu lượng nước từ trạm thủy văn gần thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) so với trạm thủy văn ở Châu Đốc, An Giang, Việt Nam. Thời gian để nước đi từ thượng nguồn về Việt Nam ước khoảng 2-3 tuần.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.