Những người phản đối lập luận rằng, Hiến pháp đã quy định Tòa án độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không thể căn cứ vào cái gì khác. Hơn nữa, ngay cả khi có luật mà trong thực tiễn nhiều năm qua, án dân sự bị hủy, bị sửa vẫn nhiều. Nay không có luật mà vẫn xử thì oan sai sẽ còn nhiều hơn, gây bất ổn xã hội.
Những người ủng hộ lại cho rằng quy định này là cần thiết. Vì Tòa án là đại diện cho công lý, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Người dân đến tòa đòi hỏi công lý, mà tòa lại từ chối thì không công bằng, không còn công lý.
Khác nhau là thế, nhưng có thể thấy mục đích mà cả hai phía đều hướng đến, là làm sao để công lý phải thực sự là lẽ phải, là chỗ dựa của người dân. Bởi theo phản ánh của các ĐB, hiện vẫn còn tình trạng “án dân sự xử sao cũng được”; còn tình trạng thẩm phán câu giờ không xử với những lý do đi học nghị quyết, họp công đoàn, học chính trị cao cấp… khiến đương sự “lãnh đủ hậu quả”. Chưa kể tình trạng người dân chưa đến tòa đã bị thư ký tòa bác; hay việc dân vác đơn kiện “đi loanh quanh, mỏi mệt không biết tìm công lý ở đâu”… Thực trạng này dẫn đến việc như ĐB Trương Trọng Nghĩa phản ánh: “Nhiều kẻ chiếm đoạt tài sản của người khác, lấy hàng nhưng không thanh toán, mượn tài sản nhưng cố tình không trả. Những kẻ chiếm đoạt đó thậm chí còn sống xa hoa và thách thức nạn nhân đi kiện khi nói “để tôi chỉ chỗ cho đi kiện”.
Nhiều ĐB cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao để các thẩm phán thực sự độc lập, khách quan, không bị lệ thuộc vào ý chí chủ quan của một ai khi giải quyết các vụ việc dân sự. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, ở các nước để đảm bảo công bằng, khách quan, không thiên vị, hằng năm Tòa án sẽ tổ chức để các thẩm phán bốc thăm xem mình sẽ được phân công xử án dân sự như thế nào. Ví dụ, nếu bốc vào phần A thì anh sẽ phụ trách giải quyết ở các vụ mà người đâm đơn kiện có chữ cái đầu là A. Còn ở ta việc phân công vẫn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Chánh án tòa các cấp là chưa thuyết phục, chưa khách quan.