> Tuyên truyền, giáo dục tốt về chủ quyền biển đảo
Công luận khu vực và thế giới đã và sẽ làm sáng tỏ hành vi của các bên trên Biển Đông, phán xét công khai các hành vi sai trái.
Ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao (Học viện Ngoại giao), trao đổi với Tiền Phong quanh vấn đề tranh chấp Biển Đông đang có diễn biến phức tạp.
ASEAN có tiếng nói chung về Biển Đông
Vừa qua ASEAN đạt được đồng thuận trong vấn đề Biển Đông thông qua nguyên tắc 6 điểm. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể phát huy sức mạnh thời đại và quan hệ quốc tế như thế nào trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông?
Việc ASEAN thông qua được nguyên tắc 6 điểm có ý nghĩa rất lớn. Đây là lần đầu tiên 10 nước ASEAN có một Tuyên bố riêng như vậy chỉ về vấn đề Biển Đông.
Đó là sự khẳng định đồng thuận và tiếng nói chung của ASEAN về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông từ nay về sau, trong đó quan trọng nhất là phải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam luôn tôn trọng luật pháp quốc tế. Đó chính là sức mạnh của cộng đồng quốc tế tiếp sức cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
Tuyên bố 6 điểm còn thể hiện khả năng linh hoạt và đoàn kết nội khối tìm tiếng nói chung của ASEAN. Trái với dư luận thế giới cho rằng, ASEAN bị phân hóa và chia rẽ sâu sắc trong vấn đề Biển Đông sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa qua, Tuyên bố chung này cho thấy, ASEAN vẫn đoàn kết và có lợi ích chung trong vấn đề này. Không những thế, sự quan tâm của ASEAN với vấn đề Biển Đông còn cao hơn trước.
Vậy theo ông, Việt Nam đóng vai trò gì trong thành công nói trên của ASEAN đối với vấn đề Biển Đông?
Việt Nam là thành viên chủ động và có trách nhiệm trong ASEAN khi thảo luận về vấn đề Biển Đông. Lập trường của Việt Nam luôn có tính nguyên tắc và đứng trên lợi ích chung và dài hạn của cả khối.
Cụ thể, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin trong ASEAN, kiên trì giải thích và tìm kiếm lợi ích chung, tiếng nói chung của cả khối, dù các nước thành viên có mức độ hiểu biết và quan tâm khác nhau về vấn đề này.
Nhờ đó, các nước thành viên cùng thấy lợi ích và trách nhiệm chung trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Minh chứng rõ rệt đóng góp của Việt Nam về vấn đề Biển Đông trong ASEAN là việc chúng ta điều phối thành công quan hệ ASEAN-Trung Quốc trong suốt 3 năm qua, trong đó một trong những nội dung quan trọng là thúc đẩy các bên tuân thủ và thực thi đầy đủ DOC.
Chúng ta đã thúc đẩy ASEAN và Trung Quốc thông qua Quy tắc hướng dẫn để thực hiện DOC; thúc đẩy đàm phán và đã đạt đồng thuận trong ASEAN về các thành tố cơ bản của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), và đang tiếp tục thuyết phục Trung Quốc sớm cùng ASEAN đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử này.
Có thể nói những nỗ lực của Việt Nam trong 3 năm qua và những bước tiến đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc liên quan DOC, COC đã góp phần duy trì kênh đối thoại, đàm phán giữa các bên liên quan, giúp giảm căng thẳng ở Biển Đông.
Cần thiện chí hợp tác của các bên
Ngư dân đánh cá trên vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường. |
Thực tế, sau tuyên bố chung 6 điểm nói trên của ASEAN, các vi phạm của TQ liên quan chủ quyền trên Biển Đông vẫn tăng, quan điểm của ông ra sao?
Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang ngày càng phức tạp. Quan điểm và lợi ích của các bên liên quan vẫn còn xa nhau. Để giữ được môi trường hòa bình ổn định chung ở Biển Đông đòi hỏi các bên phải nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận đã có như DOC, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ASEAN (TAC); phải có thái độ thiện chí và hợp tác.
Với tinh thần trách nhiệm cao, chúng ta đã thúc đẩy ASEAN có vai trò tích cực và xây dựng để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Nỗ lực đó được thế giới thừa nhận và đánh giá cao. |
Với tinh thần trách nhiệm cao, chúng ta đã thúc đẩy ASEAN có vai trò tích cực và xây dựng để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Nỗ lực đó được thế giới thừa nhận và đánh giá cao.
Ví như việc thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong ASEAN, và kêu gọi Trung Quốc cùng tham gia. Tuy nhiên chỉ nỗ lực của ASEAN thôi thì không đủ mà còn cần thiện chí hợp tác của các bên liên quan khác nữa.
Thái Lan không phải là quốc gia có tranh chấp về Biển Đông và nước này sẽ đảm nhiệm vai trò điều phối quan hệ ASEAN- Trung Quốc trong 3 năm tới, sau VN. Theo ông Thái Lan sẽ phát huy vai trò của mình như thế nào để cùng các nước trong khối giải quyết bất đồng quanh vấn đề Biển Đông?
Trong 3 năm tiếp theo, nhiệm vụ và trọng trách của Thái Lan trong ASEAN là đảm nhiệm vai trò điều phối quan hệ của ASEAN với TQ, quan hệ đối thoại quan trọng nhất của ASEAN. Theo tôi được biết, Chính phủ hiện nay của Thái Lan đang rất nỗ lực khẳng định lại vai trò là một thành viên sáng lập năng động, tích cực và có tiếng nói quan trọng trong ASEAN.
Không có cơ hội nào tốt hơn cho Thái Lan bằng việc thực hiện tốt trọng trách điều phối quan hệ của ASEAN với Trung Quốc, thúc đẩy các thỏa thuận đã có giữa ASEAN và Trung Quốc, giữ đà của tiến trình xây dựng COC và tiếp tục thúc đẩy các bên tuân thủ và thực hiện DOC một cách đầy đủ.
Thái Lan có lợi thế là nước không có tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông nên càng có cơ hội đóng vai trò trung gian, tạo điều kiện để các bên liên quan hợp tác một cách thoải mái.
Chế tài lớn nhất là sự phán xét của công luận
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, COC không phải là văn bản luật nên không có giá trị pháp lý để ràng buộc các bên thực hiện?
COC là công cụ giúp duy trì hòa bình và ổn định trong vấn đề Biển Đông. Các chuyên gia pháp lý có thể còn tranh cãi văn bản này là luật hay không phải luật, nhưng với các nhà chính trị, đã gọi là COC thì nó sẽ mang tính ràng buộc, và chắc chắn sẽ phải có giá trị pháp lý cao hơn DOC.
COC sẽ quy định các nguyên tắc ứng xử giữa các nước có tranh chấp trên Biển Đông để kiểm soát tình hình, duy trì hòa bình, ổn định trong bối cảnh các tranh chấp đó chưa được giải quyết triệt để.
Bộ quy tắc ứng xử COC không chỉ là văn bản thỏa thuận giữa các nước ASEAN có yêu sách ở Biển Đông với Trung Quốc, mà các nước khác trong ASEAN cũng tham gia vì cùng có lợi ích chung trong việc bảo đảm các bên phải nghiêm túc tuân thủ các thỏa thuận đã cam kết.
Vậy có các biện pháp, chế tài nào để ràng buộc các bên liên quan trong việc thực thi DOC không, thưa ông?
Chế tài lớn nhất chính là sự phán xét công khai của công luận. ASEAN và Trung Quốc đã có cơ chế kiểm điểm thực thi DOC. Qua quá trình kiểm điểm đó, các bên sẽ đối chiếu xem ai đã tuân thủ các điều khoản của DOC, ai đã có hành động chưa tuân thủ hoặc làm phức tạp thêm tình hình...
Việc kiểm điểm này sẽ được diễn ra không chỉ ở trong kênh chính thức, giữa các nhà ngoại giao mà cả ở kênh học giả, giữa các chuyên gia và các nhà quan sát khu vực và thế giới.
Công luận khu vực và thế giới đã và sẽ làm sáng tỏ hành vi của các bên trên Biển Đông, phán xét công khai các hành vi sai trái.
Cảm ơn ông.
Mỹ Hằng