Công khai giới tính đã quá khó

Cộng đồng LGBT Việt Nam thế hệ sau tự tin hơn những người đi trước. Ảnh: Lan Hương.
Cộng đồng LGBT Việt Nam thế hệ sau tự tin hơn những người đi trước. Ảnh: Lan Hương.
TP - Vương miện Hoa hậu dành cho Hương Giang làm nức lòng cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) ở Việt Nam. Nhiều người nhận định, niềm vui như trúng số độc đắc, xác suất vốn thấp và không thuộc về số đông. Với đa số người đồng tính ở Việt Nam, việc công khai giới tính thật đã là một cuộc chiến, chuyển giới thuộc về phạm trù giấc mơ.

Chuyển giới là câu chuyện của thiểu số

Ngày 1/3 là Ngày Quốc tế Chống Phân biệt Đối xử, biểu tượng của nó là con bướm, tượng trưng cho sự biến chuyển.

Trước đó, vào ngày 24/1, tờ New York Times đưa tin: Cho đến nay, gần 700.000 người trưởng thành ở Hoa Kỳ đã buộc sử dụng liệu pháp trị liệu đồng tính để “chữa bệnh” này. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phác đồ điều trị bao gồm các phương pháp cưỡng chế, tác động tâm lý và thể chất như chích thuốc, sốc điện...

Ở Việt Nam, chưa thấy các trung tâm y tế công khai việc “chữa trị” đồng tính luyến ái, song các cơ sở chữa bệnh can thiệp tâm lý, thậm chí bằng “tâm linh” có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. “Đến ¾ người đồng tính Việt Nam từng bị ép buộc phải chữa trị, “thẳng” trở lại hoặc là “sống như thân phận trong chứng minh thư” - Tiến sĩ Nguyễn Mai Hoa (Viện nghiên cứu về gia đình và giới) cho biết.

Trước Hương Giang, cộng đồng LGBT Việt khá quen thuộc với một hotgirl chuyển giới khác, là Lương Ngọc Giang hay còn gọi là Su Pin từng được giải Á khôi cuộc thi Hoa khôi chuyển giới đồng bằng. Nhận ra khuynh hướng giới tính khác biệt của mình từ nhỏ, nuôi ước mơ chuyển giới từ cấp hai nhưng Su Pin cũng phải mất nhiều năm trời tự đấu tranh, vận động gia đình, người thân đồng ý với quyết định “thay hình đổi dạng”. Cô kể: “Mẹ khóc nhiều, chửi mắng và đánh Pin tới hộc máu, rồi nói mình chỉ theo phong trào nên mới vậy. Thậm chí có lần mẹ còn nói với mình rằng “mày như vậy thì tự vẫn chết đi, tao không có đứa con như mày”. Họ hàng bên nội, ngoại đều không chấp nhận. Nhưng Pin vẫn cố gắng, làm tất cả để họ hiểu những người như mình cũng là người bình thường, cũng sống tốt, làm việc có ích”.

Ví dụ của Su Pin gần như là công thức điển hình cho những ca chuyển giới ở Việt Nam. Trong một khảo sát của Viện nghiên cứu về gia đình và giới, 98% người được hỏi e ngại điều gì nhất khi quyết định chuyển giới tích vào ô “sự phản đối của gia đình” và “không có tiền”. Những lý do khác như “đau đớn trong quá trình phẫu thuật”, “tử vong vì tai biến y khoa” hay “giảm tuổi thọ” chỉ chiếm chưa đầy 20%.

Công khai giới tính đã quá khó ảnh 1 Đa số người LGBT chỉ mong được gia đình chấp nhận “thân phận thật”.

Thế giới còn lại vẫn đang vật vã để sống thật

Không phải ai cũng có đủ điều kiện để làm phẫu thuật chuyển giới. ¾ những người LGBT thậm chí chỉ mơ ước: “được sống thật với bản thân chứ không phải gồng mình làm người khác” đã là “hạnh phúc tuyệt đỉnh”!

Trong hàng trăm câu chuyện của hội LGBT, những câu chuyện nhận được chia sẻ nhiều nhất vẫn quẩn quanh trong giới hạn: “công khai với gia đình”.

Tâm, người Đà Nẵng kể: “Tôi là con một trong gia đình, năm nay cũng đã 27 tuổi. Ba mẹ cũng giục ghê lắm. họ nói rằng sắp “qua tuổi lấy chồng”, nếu không kết hôn vào sang năm thì tôi sẽ trở thành “gái già” và ế chồng mất. Vậy nên họ không ngừng giục tôi hãy có bạn trai đi, trước khi trở thành bà cô già không ai thèm đếm xỉa đến. Tôi đã vài lần có ý định sẽ nói chuyện với ba mẹ, nói chuyện hoặc nhắn tin hay viết thư gì đó cũng được, chỉ cần họ hiểu rằng, tôi là một người đồng tính nữ và mong họ chấp nhận. Nhưng dường như mỗi lần đứng trước ba mẹ là tôi lại run lẩy bẩy, không thể nói được một câu nào. Tôi sợ ba mẹ buồn, sẽ khóc, sẽ thất vọng vì đứa con gái duy nhất lại không chịu lấy chồng mà cứ đuổi theo một cô nàng nào đó. Ba mẹ tôi thuộc thế hệ khác, thế nên họ còn cổ hủ lắm, khó mà tâm sự điều ấy ra được”.

N.K, Hà Nội, 25 tuổi chia sẻ: “Bạn bè , thầy cô và gia đình nói tôi là một kẻ dị hợm. Tôi yêu rock, say mê rock. Rock là lẽ sống, là nguồn cảm hứng vô tận để tôi đắm chìm vào nó mỗi khi cô đơn, lạc lõng. Rock làm cho tôi như được sống với chính mình, được sinh ra thêm một lần nữa. Dĩ nhiên bố mẹ tôi phản đối khốc liệt điều đó. Thay vì ngồi vào bộ trống tôi yêu thích, đi những đôi boot đinh, kẻ mắt, vòng tay, vòng cổ, mặc đồ đen, hút thuốc lá thì bố mẹ ném tôi vào cái đàn piano với bộ đầm trắng lạnh lẽo, make up nhẹ và đôi giầy bệt ngớ ngẩn. Tôi khóc ròng mỗi đêm vì sự uất ức, vì niềm đam mê rock bị gián đoạn.

Thế rồi tôi gặp em. Em kéo tôi đứng dậy. Giúp tôi tìm lại đam mê và nhiệt huyết với cuộc sống. Tôi như được trở mình để sống mạnh mẽ hơn. Tôi công khai yêu em. Gia đình càng căm ghét tôi hơn. Mẹ nói : “Đừng có lấy hình xăm, khoen môi và phụ nữ ra để chứng tỏ bản thân dị hợm nữa”. Câu nói đó như tạo ra một vách ngăn vô hình giữa tôi và gia đình”.

Câu chuyện của My Cin, 23 tuổi: “Tôi đã từng kết hôn và có một em bé 4 tuổi. Lúc đó tôi đã cố gắng chăm sóc gia đình của mình nhưng rồi nó chẳng đi đến đâu. 5 năm cho một cuộc hôn nhân với kết thúc buồn khi không thể cố gắng sống giả dối được nữa, bởi tôi đã từng yêu một người con gái nhưng rồi tình cảm ấy đã bị dập tắt khi gia đình tôi ép phải kết hôn. Để được sống thật, tôi đã phải đánh đổi chính mình, và cả đứa con tôi thương yêu nhất”!

Huyền Anh, 19 tuổi, một cái tên cũng rất đặc biệt trong cộng đồng LGBT ở Yên Bái cho biết: “Mình đã come out với mẹ của mình vào mấy tháng trước. Mình không nghĩ lúc mình come out, mẹ lại khóc nhiều đến thế. Mẹ nói rằng cuộc sống của hai mẹ con còn chưa đủ khổ hay sao. Mình cũng chỉ biết đứng như trời trồng, nhìn mẹ đang tuyệt vọng sau câu chuyện của mình. Mình đã dùng hết sự dũng cảm của một đứa con gái mới 19 tuổi, nói rằng mình và em ấy đã yêu nhau rất nhiều, em ấy là mối tình đầu tiên của mình và mình không hề muốn mất đi em ấy, mình cũng không mong gì hơn sự chấp nhận và che chở của mẹ, người thân duy nhất mình yêu quý còn sống trên đời.

Mẹ thấy mình khóc to hơn thì bắt đầu bình tĩnh lại, mẹ ngồi lặng người đi phía mép giường. Mẹ nói với mình rằng mình sẽ cần đến sự giúp đỡ từ một ông thầy lang hay thầy bói hoặc một bác sỹ tâm lý nào đó. Mẹ hi vọng những nỗ lực cuối cùng của mẹ sẽ làm mình thay đổi và chiều lòng mẹ: trở thành một cô con gái dễ bảo và được gả vào một gia đình có con trai là người tử tế, một người chồng của mình, giúp mình phần nào gánh vác gia đình. Mình chỉ nói rằng điều ấy là không thể, mình không thể chung sống cùng một người con trai mình hoàn toàn không có tình cảm. Mình khóc trong nước mắt rằng mẹ có cố gắng thế nào thì việc mình thích con gái, yêu con gái, muốn che chở và bảo vệ con gái là điều không thể thay đổi được”.

Con đường hạnh phúc dễ hơn chuyển giới

Trong hành trình “đi tìm hạnh phúc” của cộng đồng LGBT, được yêu công khai và làm đám cưới có vẻ là lựa chọn dễ dàng hơn so với chuyển giới. Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thu Hà cho rằng: “Phần lớn người LGBT hài lòng với việc chỉ thay đổi hình thức và được sống với người mình yêu. Việc chuyển giới nếu thành công thì là trúng số độc đắc, nếu không, họ vẫn vui. Đa số những ca tư vấn tâm lý của chúng tôi hiện nay vẫn là tập trung vào các vấn đề tư vấn cho người thân. Mặc dù hiện nay đã có cả những hội cha mẹ ủng hộ viết tắt là PFLAG hoạt động khá hiệu quả nhưng số ca tư vấn của chúng tôi vẫn không hề giảm. Áp lực gia đình vẫn là một gánh nặng lớn nhất với cộng đồng LGBT Việt ở thời điểm này”.

Công khai giới tính đã quá khó ảnh 2 Cặp đôi Nguyễn Thị Nguyệt và Vũ Thị Hướng (Bắc Ninh) công khai đính hôn.

Mới đây nhất, cộng đồng LGBT lần lượt tiệc tùng bởi cặp đôi Nguyễn Thị Nguyệt và Vũ Thị Hướng (Bắc Ninh) công khai đính hôn. Đây được đánh giá là một “cặp đôi hoàn hảo và gan dạ” bởi vì họ dám công khai giới tính.

“Mỗi một đám cưới của dân LGBT tôi đều gửi lời chúc phúc và ao ước mình được như họ. Từ chối định kiến xã hội và sống thật với bản thân chính là tất cả những gì tôi ao ước. Tôi nghĩ, thậm chí không cần chuyển giới, chỉ cần không bị kỳ thị là đủ hạnh phúc rồi” - Trịnh Hà Đan (25 tuổi, Hà Nội) cho biết.

"Trong cộng đồng LGBT, rất nhiều trường hợp khi công khai giới tính thì không được gia đình thông cảm, bị chính cha mẹ mình phủ nhận, bắt đi khám vì cho rằng con bị bệnh, bị “quỷ ám”… Không thiếu các trường hợp bị xua đuổi, đánh đập tàn nhẫn, dẫn đến phải bỏ nhà đi phiêu bạt tứ xứ, thậm chí tìm đến cái chết. Việc chuyển giới quá khó khăn, bởi nó liên quan đến định kiến, và quan trọng hơn là tiền bạc. Nhiều người thiếu tiền tự tiêm hoocmon cho nhau đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến tính mạng. Số người thực sự chuyển giới chỉ là một phần tảng băng trong cộng đồng LGBT. Đa số họ, phấn đấu để come out (công khai giới tính) đã là một hành trình đầy mệt mỏi”.

Chị Nguyễn Thu Hà (chuyên viên tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho các đối tượng LGBT) 

MỚI - NÓNG