Việt Nam sẽ có Luật chuyển đổi giới tính

Người đã lập gia đình không được phép chuyển đổi giới tính
Người đã lập gia đình không được phép chuyển đổi giới tính
TPO - Theo Dự thảo luật chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến, cá nhân được yêu cầu can thiệp y học để chuyển đổi giới tính phải từ 18 tuổi trở lên, độc thân, đã kiểm tra tâm lý, có giới tính sinh học hoàn thiện và đặc biệt là chưa có gia đình.

Theo đề cương Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính, người muốn được chuyển đổi giới tính phải đáp ứng đủ 4 điều kiện sau:

1. Có giới tính sinh học hoàn thiện (là giới tính của một người được xác định là nam hay nữ dựa trên sự hoàn chỉnh về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể).

2. Được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần về mong muốn có giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

3.Từ đủ 18 tuổi trở lên.

4. Là người độc thân.

Như vậy, người đã lập gia đình không được phép chuyển đổi giới tính. Sau khi được công nhận đã chuyển đổi giới tính, người chuyển giới sẽ được công nhận thay đổi tên, giới tính theo pháp luật về hộ tịch.

 Để công nhận người chuyển đổi giới tính, dự thảo đưa ra ba phương án.

Phương án một: Cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hormone trong thời gian liên tục khoảng hai năm trở lên; thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

Phương án hai: Cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng một năm) hoặc đã trải qua phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hay bộ phận sinh dục), toàn bộ (phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục), thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

Phương án ba: Không có can thiệp về y tế (sử dụng hormone hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ cần có bản xác nhận là đã kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) và được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

Bộ Y tế cho rằng nên chọn phương án một và hai vì hai phương án này sẽ bảo đảm được lợi ích cho cả nhà nước, người muốn chuyển đổi giới tính và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Dự thảo luật chuyển đổi giới tính nhằm tạo cơ sở pháp lý để người mong muốn chuyển đổi giới tính thực hiện được quyền chuyển đổi giới tính, bảo đảm họ nhận thức được đầy đủ, toàn diện về giới tính thật của mình và hậu quả có thể xảy ra, từ đó thực hiện quyền chuyển đổi giới tính một cách tự nguyện.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế (đơn vị được giao nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển giới), cho biết hiện nay, chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng người chuyển giới nhưng theo nghiên cứu của các tổ chức khoa học uy tín, tỉ lệ người chuyển giới chiếm khoảng 0,3%-0,5% dân số.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 270.000-300.000 người mong muốn chuyển đổi giới tính. Thực tế cho thấy bản thân người chuyển giới gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, việc làm, tiếp cận y tế, an sinh xã hội…

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.