Công khai dịch vụ 'ngầm' đi học hộ - Bài 1: 'Ngon ăn', làm liều

Buổi học môn Giải tích, Trường Cao đẳng C.Đ có 3 sinh viên học hộ.
Buổi học môn Giải tích, Trường Cao đẳng C.Đ có 3 sinh viên học hộ.
TP - Đi học hộ 1 buổi được 50.000 - 100.000 đồng, dễ dàng qua mặt giảng viên, ban quản lý sinh viên, nên không ít người trẻ sa vào dịch vụ “ngầm”, trở thành kẻ đi học thuê chuyên nghiệp.

Hàng loạt trang mạng xã hội như: “Dịch vụ học hộ, học thuê tại Hà Nội”; “Hội nhận đi học thuê đại học, giá sinh viên”… cung cấp tài khoản, số điện thoại giao dịch nhận học thuê.

Tôi đăng tin tương tự trên một trang mạng xã hội. Sau đó, tôi nhận được một “mối” học cả ngày, môn Giải tích tại Trường Cao đẳng CĐ cho Đ.T.N (sinh năm 1993), sinh viên lớp TC-ĐHXD B.8. Trao đổi ngắn gọn qua điện thoại, tôi được cung cấp đầy đủ địa chỉ trường, lớp, môn học, tên thầy cô cùng số tiền 100.000 đồng ngã giá cho một buổi học.

Chuẩn bị cho buổi học hộ, tôi chọn bộ quần áo giống trang phục của phần lớn sinh viên để tránh bị nghi ngờ. Đến cổng trường, tôi được một bạn trong lớp ra đón và đưa vào vị trí ngồi thuận lợi. Bước chân vào lớp học, tôi khá hồi hộp và đề phòng, nhưng hóa ra những lo lắng trước đó là thừa. Không có bất cứ một ánh mắt dò xét nào khi một người lạ như tôi xuất hiện trong lớp.

“Mình là sinh viên năm hai đang học Đại học S.P Hà Nội khoa Địa lý, đi học hộ khá lâu nên giờ chuyên nghiệp rồi, không còn sợ nữa. Khi đi học ở các trường chính quy thì cẩn thận một chút còn học cao đẳng hay tại chức thì không lo, thậm chí còn mặc cả áo có ghi tên trường mình đi học”.

Một sinh viên ĐH S.P Hà Nội

8h30, thầy giáo bắt đầu giảng bài. Bài giảng luôn bị cắt ngang bởi các tốp đi học muộn và tiếng nói chuyện xì xào. Bên trái, một sinh viên đeo cặp kính cận dán mắt vào điện thoại chơi game. Bên phải, một sinh viên khác nhắn tin liên hồi. Ra chơi, tôi bắt chuyện với một sinh viên và vô tình biết được đây cũng là người đi học hộ kiểu dịch vụ trọn gói môn học. Sinh viên này nói: “Mình là sinh viên năm hai đang học Đại học S.P Hà Nội khoa Địa lý, đi học hộ khá lâu nên giờ chuyên nghiệp rồi, không còn sợ nữa. Khi đi học ở các trường chính quy thì cẩn thận một chút còn học cao đẳng hay tại chức thì không lo, thậm chí còn mặc cả áo có ghi tên trường mình đi học”.

Buổi học hộ diễn ra trót lọt khi không gặp phải sự kiểm tra nào từ phía giảng viên. Cuối giờ, theo thỏa thuận từ trước, tôi nhận được 100.000 đồng (từ một sinh viên trong lớp). Về nhà, tôi nhận được tin nhắn cảm ơn từ người thuê và lời nhắn sẽ nhờ tiếp khi nào bận, không đi học được.

Dịch vụ trọn gói

Thâm nhập “thế giới ngầm” học hộ - thi hộ mới thấy được sự đa dạng của loại hình dịch vụ phi pháp này. Không chỉ dừng lại trong phạm vi một vài buổi học, học hộ - thi hộ còn được mở rộng thành dịch vụ trọn gói.

N.B.T, sinh viên Khoa Máy Tàu biển, Trường Cao đẳng Bách nghệ (Hải Phòng), kể lại quá trình tìm người học hộ của mình: “Trước mình học trung cấp, ra trường đi làm nhiều năm. Mình có nhu cầu học liên thông lên cao đẳng để có tấm bằng giá trị hơn. Do bận đi tàu, nên phải thuê người đi học hộ. Mình nhờ đến môi giới qua một trung tâm mà bạn mình chỉ lối. Vì vậy, nhận được sự giới thiệu một em sinh viên Đại học Hàng hải cùng chuyên ngành, số tiền mình và em học hộ ấy tự thương lượng. Còn bên giới thiệu được trả một khoản rồi không liên quan gì đến bên ấy nữa”. Theo anh T, việc tìm được người học hộ rất đơn giản: chỉ cần nêu yêu cầu cũng như môn học, ngành học với trung tâm; họ sẽ chịu trách nhiệm giới thiệu những người phù hợp từ chuyên ngành, nơi ở, giá cả đến ngoại hình (chiều cao, cân nặng tương tự khách hàng).

Người đi học hộ chủ yếu là sinh viên có thời gian rảnh rỗi, đi học cho các học viên lớp liên thông, tại chức - những người đã đi làm hoặc đã lập gia đình.  P.T.T, sinh viên Học viện Y học cổ truyền, người thường xuyên đi học hộ, nói: “Tôi nghĩ, hầu hết các bạn sinh viên đi học hộ cũng chỉ vì một lý do duy nhất là kiếm tiền. Đi học xa nhà có rất nhiều thứ cần tiền để trang trải cho cuộc sống. Mặc dù mình biết như vậy nguy hiểm nếu bị phát hiện, nhưng đi dần rồi cũng quen. Tôi đi học chủ yếu cho các lớp cao đẳng hay tại chức thôi, còn đại học chính quy thì chỉ học 1-2 buổi”.

Dễ lúng túng nếu bị gọi trả lời, thường lo sợ bị phát hiện, nên người đi học hộ thường phải cải trang thật kĩ. Đ.T.L,  sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, kể: “Trước kia một phần cũng vì sợ nên mình chưa bao giờ đi học hộ cả. Nhưng khi thấy bạn bè của mình đi nhiều và cũng khá dễ dàng trong quá trình học, học xong, lấy tiền luôn lại không bị ai quản lý như đi làm thêm, thu nhập cũng khá, nên mình quyết định nhận học. Dần dần quen được nhiều mối mình còn giới thiệu cho các bạn khác đi học nữa. Giờ thì chuyên nghiệp rồi, có mối là nhận luôn không kể học cho sinh viên hay học viên cao học”.  

Là dịch vụ “ngầm” nhưng học hộ - thi hộ hiện được quảng cáo rộng rãi trên mạng xã hội. Thẻ sinh viên giả đầy đủ mã vạch, dấu giáp lai được rao bán tràn lan trên mạng.

(Còn tiếp)

Đón xem bài 2: Thẻ sinh viên giả: Muốn bao nhiêu cũng có

MỚI - NÓNG