Công bố quốc tế ISI của các đại học Việt Nam trong năm học 2016-2017

Top 20 đại học Việt Nam có công bố ISI nhiều nhất cho năm học 2016-2017
Top 20 đại học Việt Nam có công bố ISI nhiều nhất cho năm học 2016-2017
Dữ liệu của bài viết được chiết xuất từ thông tin của gần 8.500 bài báo ISI có xuất xứ Việt Nam trong 3 năm trở lại đây từ 2015 đến giữa 2017, được tải từ cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS). Thông tin thống kê theo năm học được tính từ tháng 6 năm trước đến tháng 5 năm sau, cho 2 năm học 2015-2016 và 2016-2017.

1. Số lượng Công bố:

Theo Hình 1, không quá ngạc nhiên khi ĐHQG Hà Nội, nơi tập trung đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học, là trường dẫn đầu danh sách công bố báo ISI của Việt Nam. Số lượng công bố của ĐHQG Hà Nội cao hơn 1.5 lần của các trường ở vị trí số 2 và 3, là ĐHQG HCM và ĐH Tôn Đức Thắng trong năm học 2016-2017.

Nếu quan sát kỹ hơn, có thể thấy rằng số lượng công bố của 5 trường dẫn đầu, gồm (1) ĐHQG Hà Nội, (2) ĐHQG HCM, (3) ĐH Tôn Đức Thắng, (4) ĐH Duy Tân, và (5) ĐH BK HN là cách biệt rõ rệt so với nhóm các trường đại học còn lại. Tổng số công bố ISI của "câu lạc bộ tốp đầu" này gần gấp 2 lần số công bố của 15 trường tiếp theo cộng lại. Trong danh sách 20 trường có công bố ISI nhiều nhất năm học 2016-2017, ĐH Duy Tân là đại diện duy nhất của các trường ngoài công lập.

Công bố quốc tế ISI của các đại học Việt Nam trong năm học 2016-2017 ảnh 1

Top 20 trường ĐH Việt Nam công bố ISI nhiều nhất 6 tháng đầu năm 2017

Nếu nhìn vào con số công bố của 6 tháng đầu năm 2017 thì số lượng công bố ISI của hầu hết các trường đều nhỉnh hơn 55% so với tổng số công bố của năm học 2016-2017 (Hình 2). Đây là dấu hiệu tốt cho thấy sự gia tăng theo chiều hướng đi lên trong khối lượng nghiên cứu của các trường đại học Việt Nam dù chưa nói lên được chất lượng hay chiều sâu trong nghiên cứu của từng ngành học.

Trong khối các trường đại học công lập, dù không có bề dày hoạt động như hai ĐHQG Hà Nội và ĐHQG HCM, hay ĐH BK HN, ĐH Tôn Đức Thắng đang nổi lên là một trường tiêu biểu cho công tác nghiên cứu (Hình 3). Sẽ mất nhiều năm nữa để ĐH Tôn Đức Thắng có thể bắt kịp khối lượng công bố ISI của ĐHQG Hà Nội nhưng việc trường có thể ổn định ở vị trí thứ 2 trong khối các trường công lập cũng như của cả nước trong các năm tới là hoàn toàn khả thi. Dĩ nhiên, vị trí thứ 2 cũng hứa hẹn là một cuộc đua quyết liệt giữa hai trường trong cùng thành phố: ĐHQG HCM (bao gồm ĐH Khoa học Tự nhiên HCM và ĐH Bách Khoa HCM) và ĐH Tôn Đức Thắng.

Công bố quốc tế ISI của các đại học Việt Nam trong năm học 2016-2017 ảnh 2 Top 10 các trường ĐH công lập Việt Nam công bố ISI nhiều nhất năm học 2016-2017
Công bố quốc tế ISI của các đại học Việt Nam trong năm học 2016-2017 ảnh 3 Top các trường đại học ngoài công lập Việt Nam có công bố ISI nhiều nhất năm học 2016-2017
Trong bối cảnh các trường đại học ngoài công lập đều là những trường non trẻ, phải tự thân vận động để tồn tại và thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhiều hơn nhiệm vụ nghiên cứu, thì việc công bố được các công trình nghiên cứu trên các tập san quốc tế ISI thường đòi hỏi sự quyết tâm đầu tư sức người và sức của rất lớn của các trường. Trong năm học 2016-2017, tổng số công bố của các đại học ngoài công lập chỉ là 402 bài. Hình 4 cho thấy trừ trường hợp ngoại lệ của ĐH Duy Tân, các trường đại học ngoài công lập còn lại có số lượng công bố ISI khá khiêm tốn. ĐH Duy Tân đóng góp đến 77% cho con số này, gấp 3.5 lần số bài báo của các trường ngoài công lập khác cộng lại. Bên cạnh đó, có thể thấy một trường đại học ngoài công lập khác cũng đang dần nổi lên, tập trung theo đuổi công tác nghiên cứu trong hai năm trở lại đây là ĐH Nguyễn Tất Thành.

Nếu so sánh giữa các đại học công lập theo các vùng miền khác nhau ở Việt Nam thì theo số liệu năm học 2016-2017, ĐH Thái Nguyên hiện đang là đơn vị dẫn đầu về số lượng công bố ISI (Hình 5). Ba đại học tiếp theo là ĐH Cần Thơ, ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng có số lượng công bố ISI xấp xỉ nhau, vào khoảng trên dưới 75 bài ISI cho năm học 2016-2017. Các trường còn lại như ĐH Vinh, ĐH Quy Nhơn và ĐH Tây Nguyên đều có số lượng công bố ISI trong năm từ 40 bài trở xuống.

Công bố quốc tế ISI của các đại học Việt Nam trong năm học 2016-2017 ảnh 4 So sánh lượng công bố ISI của các đại học vùng-miền, năm học 2016-2017

2. Tốc độ Công bố giữa hai năm học 2015-2016 và 2016-2017 
Công bố quốc tế ISI của các đại học Việt Nam trong năm học 2016-2017 ảnh 5 Tốc độ tăng trưởng qua phần trăm và tăng trưởng dương về số lượng bài báo ISI giữa 2 năm học 2015-2016 và 2016-2017
Bên cạnh số lượng công bố, tốc độ tăng trưởng giữa các năm cũng là một tiêu chí đáng chú ý. Hình 6 biểu diễn sự tăng trưởng dương về số lượng công bố và tốc độ tăng trưởng bằng phần trăm tương ứng của các trường đại học Việt Nam giữa hai năm học 2015-2016 và 2016-2017. Dễ thấy, hai trường ĐH Duy Tân và ĐH Tôn Đức Thắng dẫn đầu về tăng trưởng theo số lượng công bố. Tuy vậy, các trường như ĐH Công nghệ GTVT, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, ĐH Thương mại,… mới là các trường có sự bứt phá về phần trăm tăng trưởng giữa hai năm học gần đây, dù số lượng công bố còn khiêm tốn. Điều này cho thấy nỗ lực lớn hiện nay của các đại học Việt Nam để có được sự hiện diện của mình trên các tập san quốc tế được chỉ mục bởi ISI.

3. Chỉ số Ảnh hưởng IF (Impact Factor)

Công bố quốc tế ISI của các đại học Việt Nam trong năm học 2016-2017 ảnh 6 Phân bố của các trường ĐH Việt Nam trên các tập san có IF cao (>15) trong hai năm học 2015-2016 và 2016-2017
Phân bố của các trường có công bố trên các tập san có IF cao (lớn hơn 15) trong hai năm học 2015-2016 và 2016-2017 được mô tả qua Hình 7. Dễ thấy ở các tập san có IF cao nhất có sự góp mặt của 2 ĐHQG Hà Nội và HCM, 3 đại học chuyên ngành Y-Dược, 2 đại học chuyên ngành kỹ thuật, 2 đại học theo vùng miền - ĐH Thái Nguyên và ĐH Cần Thơ, và 2 đại học ngoài công lập - ĐH ĐH Duy Tân và ĐH Tân Tạo. Riêng đối với tập san có IF cao nhất, Lancet (IF=47.831), là thuộc ngành Y và các trường tham gia công bố đều có đào tạo Y-Dược.

Phân tích dữ liệu công bố của các trường cho thấy hầu hết các công trình của các đại học Việt Nam được đăng trên các tập san có IF cao đều là những công trình hợp tác nghiên cứu với các đối tác nước ngoài. Hình 7 phần nào cho thấy thế mạnh hợp tác nghiên cứu của các trường qua nhóm tập san họ công bố. Nhóm các đại học như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y-Dược TpHCM, ĐH Y tế Công cộng, ĐH Thái Nguyên, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Cần Thơ, HV Quân Y, ĐH Duy Tân, và ĐH Tân Tạo được xem là có hợp tác nghiên cứu mạnh về lĩnh vực Y-Dược với các công bố trên các tập san liên quan đến Y tế thuộc hệ thống Lancet. Kế đến là hai ĐHQG với sở trường là các ngành khoa học cơ bản và các công bố trên hệ thống Nature. ĐH KH&CN Hà Nội có ưu thế về Khoa học Vật liệu, Năng lượng, Môi trường, và ĐH Lê Quí Đôn về Kỹ thuật Điện tử-Viễn thông. 

Tóm lại, các dữ liệu trên đây mô tả một cách khái quát "bức tranh" công bố quốc tế ISI qua số lượng bài báo của các trường ĐH Việt Nam trong năm học 2016-2017, cho thấy các trường công bố mạnh vẫn là các đại học lâu đời với đội ngũ nghiên cứu đông đảo (các ĐHQG, ĐH BK HN) bên cạnh một vài trường non trẻ (ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Duy Tân). Nhìn chung các trường đại học Việt Nam đều đang nỗ lực gia tăng số lượng công bố nghiên cứu, năm sau tốt hơn năm trước. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho nền khoa học nước nhà dù vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.