Một phụ nữ Hàn Quốc từng phải phục vụ trong nhà thổ của quân đội Nhật thời chiến biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm hàn gắn quan hệ với Tokyo. (Ảnh: AP) |
Washington khen ngợi thoả thuận này là “đột phá”, sau một thời gian gây sức ép lên hai đồng minh Seoul và Tokyo phải giải quyết những vấn đề lịch sử để tập trung đối phó với mối đe doạ hạt nhân và tên lửa từ Bình Nhưỡng, cũng như phối hợp đối phó với Trung Quốc.
Kế hoạch được đưa ra khi Tổng thống Yoon đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Tokyo trong tháng này, cuộc gặp song phương Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng 4 và thượng đỉnh ba bên vào tháng 5.
Theo thoả thuận được Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin công bố, các nạn nhân sẽ nhận được bồi thường từ một quỹ do Seoul lập ra, thay từ các công ty Nhật. “Tôi hy vọng giải pháp này sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử của cả Hàn Quốc và Nhật Bản, giúp vượt qua sự thù địch và hướng tới tương lai”, ông Park nói.
Báo chí trong nước dẫn lời Tổng thống Yoon nói rằng, quyết định này dựa trên “quyết tâm đưa quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản hướng tới tương lai”.
Tuy nhiên, thoả thuận mới vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích.
“Đây là một thảm họa ngoại giao dẫn đến việc từ bỏ chủ quyền pháp lý. Không chỉ không giúp cải thiện quan hệ với Nhật Bản, việc này chỉ châm ngòi cho một cuộc tranh luận mới”, Kim Young-hwan, phát ngôn viên Trung tâm Sự thật và Công lý lịch sử, tuyên bố. Tổ chức phi chính phủ này chuyên hỗ trợ các nạn nhân bị cưỡng ép lao động.
Năm 2018, Toà án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu các công ty Nhật, trong đó có Mitsubishi Heavy và Nippon Steel, phải bồi thường 100 triệu won cho mỗi nạn nhân bị cưỡng ép lao động.
Toà án tuyên bố sẽ thanh lý tài sản của những công ty này ở Hàn Quốc nếu không thực hiện phán quyết. Dù 15 người Hàn Quốc đã thắng kiện, nhưng chưa ai nhận được tiền bồi thường. Khoảng 200 vụ kiện tương tự đang trong quá trình tố tụng.
Theo kế hoạch mới, một quỹ do Seoul lập ra sẽ nhận tiền đóng góp “tự nguyện” của các doanh nghiệp trong nước và bồi thường cho những người thắng kiện.
Chính phủ muốn những công ty Hàn Quốc hưởng lợi từ thoả thuận song phương năm 1965, như POSCO và KT, đóng góp vào quỹ này.
Tokyo được nói là đang cân nhắc thành lập một quỹ học bổng riêng để đưa các sinh viên Hàn Quốc sang Nhật học tập như một cử chỉ hoà giải.
Đối với việc yêu cầu Nhật Bản xin lỗi, ngày 6/3, văn phòng tổng thống Hàn Quốc thừa nhận những tuyên bố trước đây của Tokyo, bao gồm tuyên bố chung năm 1998 của Tổng thống Kim Dae-jung và Thủ tướng Nhật Keizo Obuchi khi đó, ông Park cho biết.
Luật sư Lim Jae-sung, đại diện cho một số nạn nhân, cho rằng kế hoạch của chính phủ nhằm nhận trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân thay cho phía Nhật Bản sẽ bị phản đối trước toà. “Chính phủ giờ chuyển cuộc đấu tranh giữa các nạn nhân với Nhật Bản thành vấn đề giữa các nạn nhân với chính họ”, ông Lim nói.