Công bố bảng xếp hạng về quản lý an toàn thực phẩm năm 2017

Hàng nghìn con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ ở cơ sở Xuyên Á là một trong những sự kiện "xấu" nhất về ATTP trong năm 2017 tại TPHCM
Hàng nghìn con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ ở cơ sở Xuyên Á là một trong những sự kiện "xấu" nhất về ATTP trong năm 2017 tại TPHCM
TPO - TPHCM rơi từ top 10 xếp hạng “triển khai tốt” xuống mục “đạt yêu cầu”, Hà Nội vẫn “giẫm chân tại chỗ” chưa cải thiện vị trí; Cần Thơ, Hà Tĩnh từ vị trí cuối bảng đã vươn lên nhóm “triển khai tốt” về quản lý ATTP nông sản trong năm qua.

Bộ NN&PTNT vừa công bố bảng xếp hạng về quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2017 với 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đây lần thứ 3, Bộ NN&PTNT công bố về bảng xếp hạng này.

Theo đó, top 10 địa phương được đánh giá là “triển khai tốt” về quản lý ATTP trong năm qua là Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Ninh Thuận, Nam Định, Hà Nam, Hà Tĩnh, Sơn La, Quảng Bình và Đồng Nai.

Điều đáng ghi nhận trong bảng xếp hạng năm nay là Cần Thơ và Hà Tĩnh, từ nhóm “còn hạn chế”- xếp cuối bảng năm trước, nay đã vươn lên top 10 địa phương “triển khai tốt”.

Trong khi đó, TPHCM từ top 10 địa phương làm tốt năm trước, năm 2017 đã rơi xuống nhóm “đạt yêu cầu” với vị trí thứ 24. Đây cũng là địa phương để xảy ra vụ hàng nghìn con heo tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ, tại lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi)- nơi cung cấp lớn nhất nguồn thịt heo cho người tiêu dùng TPHCM.

Thủ đô Hà Nội vẫn trong vẫn nằm trong nhóm “đạt yêu cầu”, dù trên bảng xếp hạng, đã rớt từ vị trí 14 xuống vị trí 19/63 tỉnh thành trong năm 2017.

Trong khi đó, dù cũng nằm trong nhóm “đạt yêu cầu”, tuy nhiên, 5 địa phương xếp ở vị trí cuối bảng xếp hạng, lần lượt dưới lên là: Phú Yên, Gia Lai, Bắc Kạn, Bắc Giang, Khánh Hòa.

Điều đặc biệt, trong 3 năm công bố bảng xếp hạng, lần này, không có tỉnh nào xếp vào diện “còn hạn chế”.

Việc xếp hạng các địa phương về quản lý an toàn thực phẩm, dựa trên bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, xếp hạng do Bộ NN&PTNT ban hành.  Các tiêu chí cơ bản gồm: Việc chỉ đạo, điều hành công tác quản lý ATTP; tuyên truyền, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về ATTP và ý thức chấp hành pháp luật về ATTP; giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP; tăng cường năng lực công tác quản lý ATTP; xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.

Các địa phương gửi hồ sơ tự đánh giá chấm điểm triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm năm 2017, sau đó, sẽ được Hội đồng thẩm định của Bộ NN&PTNT xét duyệt và đề nghị.

Trong năm 2018, Bộ NN&PTNT tiếp tục lấy làm năm cao điểm về ATTP. Trong đó, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt đảm bảo ATTP nhóm sản phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; trọng tâm là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản.

MỚI - NÓNG