Vì sao ông dùng nghệ thuật múa rối nước để chuyển tải câu chuyện về những “công binh” Việt trên đất Pháp thời kỳ họ bị cưỡng ép sang Pháp?
Trong số hàng nghìn công binh, lính thợ Đông Dương bị ép sang nước Pháp, tôi chọn 20 người để kể lại câu chuyện, trong đó 10 người sống ở Pháp, số còn lại sống ở Việt Nam. Khi hai vạn lính thợ bị ép sang nước Pháp phục vụ Thế chiến thứ hai, họ hầu hết đều mù chữ không biết gì, chẳng khác nào con rối bị chế độ thực dân và quan lại của ta điều khiển. Từ đó mà tôi nghĩ đến múa rối nước, nghệ thuật truyền thống dân gian của ta sinh ra từ những người nông dân trồng lúa nước. Tôi dùng nó để biến thành ngôn ngữ điện ảnh, đem cách quay của mình nhập vào câu chuyện. Tôi cũng viết kịch bản, vẽ từng con rối để làm ra 14 con rối riêng cho phim này.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng, phim của ông đề cập những thân phận của Thế chiến thứ hai, còn những người lính thợ của Thế chiến thứ nhất dù ít nhiều gắn với vinh quang thắng trận của nước Pháp nhưng đều là những thân phận người Việt phải thực thi trách nhiệm với mẫu quốc. Nhà sử học đặt vấn đề cần góc nhìn lịch sử không “để quên thân phận con người”. Ông nghĩ sao về điều này?
Đó là góc nhìn sử học. Là nghệ sỹ và đạo diễn, chữ đạo trong đó nghĩa là xây dựng. Khi làm phim này, tôi quan tâm là nghệ thuật phải xây dựng được điều gì. Vấn đề đêm dài Đông Dương quan trọng hơn, và tôi nói đến “công binh” chứ không phải “lính thợ”. “Công binh” là những công nhân dưới kỷ luật nhà binh, khác hẳn với những người lính thợ ở thời kỳ trước.
Lúc đầu làm phim nhiều người hỏi tại sao tôi không nói về những chiến binh Thế chiến thứ nhất. Làm phim là tác phẩm nghệ thuật phải mở ra điều gì đó. Những người lính thợ của Thế chiến lần một, họ tự nguyện tham gia chiến tranh. Tôi phải yêu, thương nhân vật thì mới có thể làm phim được. Dưới góc độ sử học, tôi có thể hiểu, nhưng là đạo diễn, tôi không có được sự yêu thương như đối với những người công binh.
Ông có thể chia sẻ thêm về quá trình về Việt Nam khảo sát khi thực hiện bộ phim này?
Đạo diễn Lê Lâm sinh năm 1948 tại Hải Phòng, du học Pháp năm 1966, học cử nhân Toán. Trong thời gian này, ông học chuyên ngành hội họa ở Trường Mỹ thuật Paris, sau chuyển sang làm điện ảnh. Ông là giảng viên kịch bản, đạo diễn tại Trường Điện ảnh La Fémis (tên cũ Idhec) tại Paris.
Phim Công binh, đêm dài Đông Dương (2012) nhận giải Kỳ lân vàng tại LHP Amiens, giải nhất Hội đồng giám khảo LHP Pessac tại Pháp và đề cử tại LHP Amsterdam và Hong Kong.
Tôi quay được 120 tiếng làm tư liệu, nhưng chỉ làm được phim dài 2 tiếng và vẫn còn nhiều tư liệu rất quý. Tôi chỉ chọn ra 20 công binh khi về thời gian khảo sát năm 2010, nhưng vẫn quay chừng đó thời gian vì đó là cơ hội, không quay mai mốt họ không còn là mất đi cả trang lịch sử. Trong lúc tôi mới dựng phim đã có ba người mất, khi dựng xong phim (2012) là sáu người, đến giờ này thì không biết còn bao nhiêu người. Từ trước tới nay, phim điện ảnh, tài liệu về Đông Dương đều qua góc nhìn Tây phương, chưa có phim nào của người Việt xứng đáng phát hành bên châu Âu. Vì vậy, tôi thấy mình phải có trách nhiệm của nghệ sỹ, cố gắng có cái nhìn khác. Bởi góc nhìn của người thả bom không thể nào giống người hứng chịu quả bom ấy.
Sau khi đạt một số giải thưởng, được công chiếu tại Pháp, bộ phim của ông được sự đón nhận như thế nào của khán giả và hậu duệ của những nhân vật công binh trong phim?
Tôi nghĩ mình là người lái đò ký ức cho cả hai nước, vì tôi muốn đem bộ phim để cộng đồng người Việt ở Pháp, để thế hệ trẻ sống bên ấy hiểu biết hơn. Khi phim ra mắt, nhiều khán giả là con cháu các công binh chỉ biết tiếng Pháp, khám phá ra quá khứ của bố, ông bị giấu kín lâu nay. Suốt một năm trời phim chiếu ở các địa phương, Paris và tôi dành 300 giờ thảo luận.
Đến địa phương nào cũng có ít nhất 2-3 người nhận là con cháu công binh, không hiểu gì về cha ông mình. Một nữ khán giả kể sinh năm 1952 có bố là công binh, mẹ người Pháp khi lên bốn bị bạn bè trêu chọc gọi bằng những cái tên miệt thị. Về nhà hỏi bố, bố không làm sao giải thích được - nỗi khổ của phần lớn những người công binh này, họ không biết tại sao mình có mặt ở Pháp.
“Bây giờ coi phim tôi mới hiểu lịch sử về bố, có thể nói cho cháu ngoại tại sao mắt xếch. Một khi tôi biết nguồn gốc của mình, thì con cháu tôi sẽ thành người, dù nó là công dân Pháp thì dòng máu nó đều có lịch sử”. Câu nói của nữ khán giả này chính là giải thưởng tối cao cho bộ phim của tôi.
Trước khi dự tọa đàm, khán giả ngồi kín khán phòng L’Espace xem Công binh, đêm dài Đông Dương. Trong số này có chị Hải đến từ Hải Dương, con gái ông Nguyễn Huy Cương - một công binh từ Pháp trở về Việt Nam. Chị khóc khi xem phim, bởi con cháu chỉ biết bố từng sang Pháp nhưng không hiểu được cha ông mình chịu những cực khổ, đau thương ra sao. Cháu một công binh khác hay tin chiếu phim và tọa đàm với đạo diễn đã bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội. Anh mất rất nhiều công sức để tìm lại di cốt của ông trên đất Pháp.
Thân phận con người
Ngồi ghế chủ trì tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, một trong những hạn chế của giới sử học là “viết lịch sử một cách vô nhân xưng, bởi chỉ toàn đề cập ý niệm cách mạng, chiến tranh, tổ chức chính trị mà không thấy thân phận con người”. Nói về hai vạn người bị bắt ép sang Pháp làm công binh, lính thợ trong Thế chiến thứ hai, rồi bị giam cầm, đối xử tệ bạc, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh, họ bị cả nước Pháp lãng quên, người trong nước cũng phần nào không quan tâm. “Họ mang danh đi lính cho Tây là điều hết sức nặng nề trong một thời kỳ lịch sử, và vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ sau. Bộ phim không chỉ giải tỏa cho những người trong cuộc, có ý nghĩa nhất định với những hậu duệ sống trong nước”, ông nói. Nhà sử học cũng nhắc lại sự kiện 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh có chuyến thăm nước Pháp và Bác gặp gỡ một số lính thợ. Sau này, họa sỹ Lê Bá Đảng học theo lời khuyên của Bác, trở thành họa sỹ lớn thành danh trên đất Pháp, tại Huế hiện có trung tâm nghệ thuật mang tên ông.