Vừa qua trên mạng xã hội lan truyền nhiều clip ghi lại hình ảnh một phụ nữ được cho là cô đồng T.H (Hải Dương) xem bói bổ cau. Trong các clip, cô đồng T.H tay bổ cau còn miệng phán những nội dung về gia đạo, công việc, tiền tài kèm câu chắc nịch “đúng nhận, sai cãi”.
Những clip này gây "bão" dư luận, thậm chí câu nói cửa miệng “đúng nhận, sai cãi” của cô đồng T.H còn nhanh chóng trở thành hot trend trên một số nền tảng như Tiktok, Facebook, Youtube….
Cô đồng bổ cau xem bói |
Hành vi xem bói online của cô đồng “đúng nhận, sai cãi” liệu có phải là hành vi mê tín dị đoan? Trao đổi với Tiền Phong, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Theo các nhà nghiên cứu, bói toán là một biểu hiện của mê tín dị đoan.
"Cục Văn hóa cơ sở quản lý lễ hội và các vấn đề văn hóa cơ sở. Trong nhiều văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở cũng nhấn mạnh tới việc thực hiện nếp sống văn minh ở lễ hội, di tích. Cục đề nghị các địa phương có giải pháp ngăn chặn hiện tượng mê tín dị đoan trong hoạt động lễ hội", bà Hương nói.
Về trường hợp những clip cô đồng bổ cau xem bói lan truyền trên mạng xã hội, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cũng nhắc tới Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành với mục tiêu khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội lành mạnh, ngăn chặn việc chia sẻ những hình ảnh, thông tin độc hại không đúng thuần phong mỹ tục.
Về phía địa phương, ngày 8/2, bà Mạc Thị Huyền – Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) cho biết: Địa phương vừa giao cơ quan công an phối hợp với phòng ban chuyên môn vào cuộc xác minh những clip về cô đồng T.H trên mạng xã hội.
Theo bà Huyền, T.H trú tại phường Hiến Thành (thị xã Kinh Môn), đã xây dựng gia đình ở địa phương khác. Thời gian gần đây, người phụ nữ này về quê ở, trông nhà cho bố mẹ đẻ.
Bà Mạc Thị Huyền cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin trên, địa phương đã giao lực lượng công an và Ban Chỉ đạo tôn giáo thị xã vào cuộc xác minh. Đến nay việc xác minh vẫn chưa hoàn tất.
"Quá trình lực lượng chức năng xác minh, nếu phát hiện hành vi vi phạm, địa phương sẽ xử lý theo quy định", bà Huyền nói.
Điều 320 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định về tội "Hành nghề mê tín, dị đoan".
Theo đó, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điểm b khoản 1 điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.