Phần 2 Kỳ án “Áp giải học sinh giữa sân trường”- Bài 3:

Công an, Tòa án với… một cậu học trò!

Đại diện Công an tỉnh trả lời chất vấn của báo Tiền Phong về vụ em Thiện tại cuộc họp báo mới đây
Đại diện Công an tỉnh trả lời chất vấn của báo Tiền Phong về vụ em Thiện tại cuộc họp báo mới đây
TP - Trên cơ sở kết luận giám định pháp y, Viện Kiểm sát lại luận bệnh thay bác sĩ khiến cho vụ án Đỗ Quang Thiện có dấu hiệu oan sai. Còn Công an và Tòa án ở đâu? Nếu các cán bộ liên quan của 2 ngành này thực hiện nghiêm túc, trọn vẹn quy trình điều tra-xét xử, liệu nam sinh Đỗ Quang Thiện có lãnh án 9 tháng tù giam?

Vì sao không giám định lại?

 Trong công văn phúc đáp số 530 ký ngày 8/6/2015 gửi Sở Thông tin & Truyền thông (Sở TT&TT) để cung cấp thông tin cho báo chí, phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk khẳng định “vụ án trên, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Buôn Ma Thuột (CSĐT) đã tiến hành điều tra theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, đề nghị truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai”.

Quá trình tổng hợp, phân tích thông tin và chứng cứ từ các bên của báo Tiền Phong đã cho thấy: Vụ va chạm nhẹ ngã 2 xe máy ngày 20/9/2012 tại giao lộ nội thành Buôn Ma Thuột thực tế đã không tạo ra chấn thương nào! Không thuyết phục khi nhận định ông Thọ đột quỵ do em Thiện.

Công văn số 2171 ngày 21/10/2013 của Phân viện KHHS- Bộ Công an tại TPHCM phúc đáp Quyết định trưng cầu giám định lại tỉ lệ thương tật cho ông Lê Phước Thọ của cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột, đã khẳng định “Việc giám định tỉ lệ thương tật là đánh giá các di chứng để lại sau chấn thương được khám và đánh giá trực tiếp trên đối tượng cần giám định, không giám định qua hồ sơ”.  Phân viện KHHS đã đề nghị cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột đưa đối tượng đến Phân viện KHHS để tiến hành giám định lại theo đúng thủ tục. Điều đó không được thực hiện chỉ vì ông Thọ không chịu vào TPHCM để giám định lại với lý do không đủ sức khỏe, nhưng cơ quan CSĐT vẫn gom cả những phiếu thu, hóa đơn của bệnh viện Chợ Rẫy đã được photo mờ nhòe không rõ nội dung, ngày tháng do ông Thọ cung cấp để cộng vào các khoản chi phí điều trị buộc gia đình em Thiện phải bồi thường, mà “quên bẵng” việc điều tra cho rõ ông Thọ có thực vào TPHCM điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy bao nhiêu ngày, bệnh lý thế nào, có chắc là chấn thương sọ não, mất 50% sức khỏe như KLPY 1164? Để rồi từ đó nhất quyết đổ tội cho em Thiện?

Phải chăng có điều khuất tất, khó hiểu của cơ quan CSĐT. Khi mà trước mặt điều tra viên, dù đã biết rõ hồ sơ bệnh án của 2 bệnh viện điều trị ngay tại Đắk Lắk cho ông Thọ đều ghi ông Thọ bị đột quỵ do bệnh lý, không có thương tích gì sau cú ngã xe, nhưng thân nhân ông Thọ vẫn lớn tiếng đòi “ mạng đền mạng” (dù chẳng ai chết!). Thân nhân ông Thọ đòi bồi thường ban đầu hơn 200 triệu đồng, sau giảm xuống trên 183 triệu đồng, rốt cuộc mới gom được số hóa đơn chứng từ tổng cộng hơn 56,4 triệu đồng để tòa tuyên án!

Nặng, nhẹ, quyền Tòa!

Trong tất cả các công văn (CV) phúc đáp Sở TT&TT và báo Tiền Phong của các bên liên quan đến vụ án này, duy chỉ có TAND tỉnh không hề nhận mình đúng! Rất đơn giản, vì trước đó, Tòa tỉnh đã nhận được CV số 16 kháng nghị bản án phúc thẩm, và CV 02 tạm đình chỉ thi hành án đối với Đỗ Quang Thiện, chờ đến khi có kết quả xét xử giám đốc thẩm, của TAND Tối cao. 

Trước vành móng ngựa cả 2 phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, Thiện đều kêu oan về việc ông Thọ không xin đường, tự rẽ trái ngã vào xe của em trong tình trạng nồng mùi bia rượu. Nhưng cả 2 cấp tòa đều bác bỏ các lời khai này cũng như các dấu hiệu mâu thuẫn giữa hồ sơ bệnh án với KLPY! Bản án Tòa sơ thẩm thì ghi: quá trình điều tra, cũng như tại Tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo... Trong vụ án này người bị hại cũng có lỗi khi cho xe chuyển hướng không quan sát..., nên xử Thiện 6 tháng tù cho hưởng án treo. Còn bản án phúc thẩm ghi: Sau khi phạm tội bị cáo khai báo quanh co, không thành khẩn, không ăn năn hối hận về hành vi của mình, chưa bồi thường cho bị hại… nên đã xử tăng án, tuyên phạt Thiện 9 tháng tù giam cùng khoản bồi thường trên 56,4 triệu đồng.

Từng công tác trong ngành tòa án 14 năm, nhiều năm ngồi ghế thẩm phán, rồi Chánh án Tòa án thị xã, trao  đổi với báo Tiền Phong, luật sư Phan Ngọc Nhàn nói: Thẩm phán xét xử vụ án này đã vô cảm như một cái máy! Lẽ ra, để xác định bị cáo có tội hay không có tội, thẩm phán phải tìm hiểu các dấu vết trầy xước khi va chạm để lại trên 2 xe máy, xem có phù hợp với lời khai của bị cáo, những người làm chứng cùng các tài liệu khác như biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm kỹ thuật xe, bệnh án, giám định pháp y… Việc ông Thọ ngã bên trái nhưng tụ máu nội sọ bên phải, thì có phải do tai nạn dẫn đến ông Thọ bị tổn hại 50% sức khỏe như kết luận pháp y hay không?

Toàn bộ bệnh án của bệnh viện không có chi tiết nào cho phép suy diễn ông Thọ bị đột quỵ do tai nạn giao thông! Sao Tòa không soi xét hết các tình tiết có trong hồ sơ vụ án mà vẫn tuyên án? Án sơ thẩm ghi ông Thọ cũng có lỗi do cho xe chuyển hướng nhưng không quan sát. Vậy vì sao 2 cấp Tòa đều buộc gia đình cháu Thiện phải bồi thường 100% chi phí điều trị cho ông Thọ, mà không tính theo phần lỗi mỗi bên, theo nguyên tắc xác định mức độ, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã được quy định? Xử kiểu đó, oan sai là tất yếu!

LS Phan Ngọc Nhàn nói

MỚI - NÓNG