Nhiều dấu hiệu oan sai trong vụ 'áp giải học sinh tại sân trường'

Luật sư Phan Ngọc Nhàn
Luật sư Phan Ngọc Nhàn
TP - Báo Tiền Phong đã phỏng vấn luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TPHCM) và luật sư Phan Ngọc Nhàn (Đoàn Ls Đắk Lắk), là 2 Ls vừa ký văn bản hỗ trợ pháp lý miễn phí cho học sinh Đỗ Quang Thiện) về các vấn đề liên quan.  

Theo luật sư, điều gì khiến vụ án này thu hút sự quan tâm của công luận?  

Luật sư  Hà Hải ( Ls HH): Theo tôi, thứ nhất, thời điểm xảy ra sự việc em Thiện còn là trẻ vị thành niên, liên tục kêu oan nhưng cơ quan điều tra và công tố các cấp vẫn không để tâm đến lời kêu oan đó, vẫn quyết buộc tội em Thiện. Thứ hai, công văn số 696 của bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk (CV 696), thì thương tật của ông Thọ hoàn toàn không liên quan đến tai nạn giao thông. Nhưng các cơ quan tố tụng vẫn buộc em Thiện chịu trách nhiệm hình sự và dân sự, nên vụ việc có dấu hiệu oan sai. Thứ ba,  việc cơ quan thi hành án (THA) thực hiện bắt giam em Thiện ngay tại trường; Và dù TAND tối cao đã quyết định tạm đình chỉ THA có thời hiệu từ ngày 20/5, nhưng đến thời điểm này em Thiện vẫn phải ở trong tù, trong khi kỳ thi tốt nghiệp đã đến gần khiến dư luận bức xúc.

Luật sư Phan Ngọc Nhàn (Ls PNN): Dư luận đặc biệt quan tâm về việc các cơ quan tố tụng chỉ coi trọng chứng cứ buộc tội mà không xem xét chứng cứ gỡ tội, vội vàng kết tội bị cáo bằng mọi giá. Lẽ ra, ngay sau khi có công văn số 696 của giám đốc BV tỉnh Đắk Lắk, các cơ quan tố tụng phải bàn bạc, có thể mời giám đốc Trung tâm giám định pháp y, giám đốc BV, bác sỹ trực tiếp điều trị cho nạn nhân để trao đổi xác định nạn nhân nhập viện là vì bệnh lý đột quỵ hay bị TNGT. Việc xác định này không khó, vì các dấu vết để lại trên hiện trường, trên cơ thể nạn nhân chắc chắn đủ xác định chính xác tình trạng của bệnh nhân, làm căn cứ xử lý vụ án. Nếu được như vậy, thì đã không có những điều đáng tiếc xảy ra.

Bác sĩ giám định pháp y (Bs PY) cho rằng “ Bệnh viện (BV) có cách làm của BV, tôi có cách làm của tôi!”,  luật sư nghĩ gì về điều này? 

Ls HH: Khoản 2, điều 23 luật Giám định tư pháp quy định: “Người giám định tư pháp phải tuân thủ các nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp; Thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu giám định; Chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình đưa ra”. Do đó hoạt động giám định phải theo quy định pháp luật và theo yêu cầu của cơ quan điều tra, chứ không phải theo ý muốn chủ quan của cá nhân giám định viên hay Bs PY.

Ls PNN: Dù bác sĩ pháp y (Bs PY) có quyền của mình, nhưng trong vụ án này, Bs PY cần tham khảo ý kiến đồng nghiệp để xác định chính xác nguyên nhân khiến bệnh nhân đột quỵ. Bởi Bs PY muốn kết luận phải dựa trên cơ sở bệnh án của bệnh viện kết hợp với việc xem xét các dấu vết trên cơ thể nạn nhân, chứ không thể kết luận theo ý chí chủ quan của mình được.

Liệu CV 696 có nhất thiết phải được xem là chứng cứ, và buộc phải lưu trong hồ sơ tố tụng hay không? 

Nhiều dấu hiệu oan sai trong vụ 'áp giải học sinh tại sân trường' ảnh 1

Luật sư Hà Hải

Ls HH: Theo Điều 3, Thông tư liên tịch số 09/2013 liên Bộ, một trong những yếu tố cấu thành tội phạm “Vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ”, thì hành vi vi phạm phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả. Kết luận pháp y số 1164/PY-TgT chỉ cho biết tỷ lệ thương tật mà không đề cập nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thương tật - yếu tố quan trọng để xem xét liệu em Thiện có chịu trách nhiệm hình sự hay không. Trong khi, công văn 696 ghi nhận ý kiến của các bác sĩ có chuyên môn, nghiệp vụ trực tiếp thăm khám điều trị cho ông Thọ lại khẳng định ông Thọ bị đột quỵ do bệnh lý, hoàn toàn không liên can gì đến tai nạn. Căn cứ vào Khoản 1, Điều 64, BLTTDS “Chứng cứ dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội” thì nội dung CV 696 là tình tiết cực kỳ quan trọng, hoàn toàn có giá trị pháp lý. Cũng theo điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự thì “Những tình tiết có liên quan đến vụ án được ghi trong các tài liệu do cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ”. Do đó CV 696 này cần phải được  cơ quan chức năng xem xét và đánh giá như là một chứng cứ.

Ls PNN: Theo tôi, CV 696 là chứng cứ rất quan trọng để xác định nguyên nhân đột quỵ của nạn nhân và là chứng cứ xác định bị cáo có là người gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của nạn nhân hay không. Mặc dù công văn này không phải là căn cứ để xác định bị cáo vô tội, nhưng nếu những người tiến hành tố tụng coi trọng “sinh mạng chính trị” của một con người, thì CV này cần phải được xem xét, “soi rọi” qua nhiều góc cạnh khác nhau. Có thể triệu tập BS PY đến phiên tòa, giải thích căn cứ nào mà Pháp y xác định nạn nhân chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Nếu BS pháp y không  giải thích được, Tòa án có thể tuyên bị cáo không phạm tội.

Quyết định 02 Tạm đình chỉ thi hành án (THA) được ký ngày 20/5, mà đến đầu ngày 24/5 em Thiện vẫn ở trong tù, cho thấy điều gì?  

Ls HH: Nội dung quyết định tạm đình chỉ THA có giá trị tức thì, và cơ quan có trách nhiệm thi hành phải biết và tổ chức thực hiện ngay lập tức. Trong trường hợp này, cơ quan chức năng nên thực hiện ngay quyết định của TANDTC, tránh kéo dài khiến việc học và thi cử của em Thiện bị cản trở.

Ls PNN: Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và theo thông lệ, thì đối với quyết định tạm đình chỉ thi hành án hình sự với bị án đang chấp hành hình phạt trong các trại giam, tạm giam, thì sau khi người có thẩm quyền ký quyết định, bộ phận giúp việc một mặt phải gửi ngay quyết định này, đồng thời Fax ngay cho chánh án Tòa án cấp tỉnh. Chánh án Tòa tỉnh chuyển ngay cho Chánh án thành phố ra quyết định THA, ngay trong ngày bị án phải được trả tự do.

Cảm ơn hai vị luật sư.

MỚI - NÓNG