Công an báo cáo vụ phát hiện người nước ngoài tư vấn cho công ty du học 'chui'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Liên quan đến vụ việc Công ty TNHH Du học định cư DSS (DSS Việt Nam) tổ chức tọa đàm trực tuyến và trực tiếp cho khách hàng, có người nước ngoài tham dự UBND phường Đa Kao và Công an phường Đa Kao, Quận 1 đã báo cáo lên cấp quận này xin ý kiến chỉ đạo xử lý theo quy định pháp luật.

Ngày 30/11 báo Tiền Phong nhận được công văn của UBND phường Đa Kao, Quận 1 cho biết, qua thông tin phản ánh của người dân về việc DSS Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến và trực tiếp cho khách hàng, có sự tham dự của người nước ngoài không có giấy phép tại Nhà khách Người có công, số 168 Hai Bà Trưng, UBND phường đã ngay lập tức phối hợp với Công an phường Đa Kao, Đội An ninh – Công an quận 1 tiến hành kiểm tra vụ việc.

Công an báo cáo vụ phát hiện người nước ngoài tư vấn cho công ty du học 'chui' ảnh 1

Buổi tọa đàm trực tiếp và trực tuyến có sự tham gia của người nước ngoài do DSS Việt Nam tổ chức ngày 26/11

Tại thời điểm kiểm tra vào lúc 09 giờ 30 phút ngày 26/11, tổ công tác gồm công chức UBND phường, Công an phường, Đội An ninh– Công an Quận 1 và Chuyên viên Phòng LĐTB&XH Quận 1 phối hợp kiểm tra, ghi nhận DSS Việt Nam có thuê mặt bằng (chưa ký kết hợp đồng thuê mặt bằng tổ chức sự kiện) tại lầu 6 Nhà khách Người có công (số 168 Hai Bà Trưng) đang tổ chức sự kiện mang tên “Tọa đàm trực tiếp Visa định cư tay nghề cùng luật sư di trú Alan Duri – Cựu Thẩm phán tòa di trú liên bang tối cao tại Úc”. Tên sự kiện nêu trên được ghi nhận theo băng rôn quảng cáo treo trước cửa địa chỉ 168 Hai Bà Trưng và trước hội trường nơi tổ chức sự kiện.

Tổ công tác liên hệ giám đốc Nhà khách Người có công kiểm tra thông tin nội dung buổi tọa đàm, tuy nhiên, DSS Việt Nam chưa ký kết hợp đồng với đơn vị cho thuê, khi được Nhà khách thông báo mời đơn vị tổ chức đến phòng khách cung cấp thông tin cho đoàn kiểm tra nhưng Công ty đã không cử đại diện phối hợp làm việc nên tổ công tác đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại nơi đang thực hiện buổi tọa đàm.

Qua kiểm tra trực tiếp, Tổ công tác ghi nhận buổi tọa đàm có một người nước ngoài cùng khoảng 20 người Việt Nam tham dự, được phát (livestream) trực tiếp trên mạng xã hội Facebook. Công ty DSS Việt Nam chưa xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngành nghề hoạt động cũng như các văn bản khác liên quan đến buổi tọa đàm được tổ chức nêu trên. Khi Tổ công tác đến làm việc, Công ty đã dừng buổi tọa đàm và cho người tham dự ra về.

Công an báo cáo vụ phát hiện người nước ngoài tư vấn cho công ty du học 'chui' ảnh 2

Nội dung buổi tọa đàm được quảng cáo tại địa điểm tổ chức

Sau sự kiện, Công an phường Đa Kao đã tiến hành thu thập thông tin của cá nhân người nước ngoài và các người tham dự buổi tọa đàm tại số 168 Hai Bà Trưng để có cơ sở làm rõ nội dung phản ánh của người dân. Tất cả nội dung vụ việc đã được UBND phường và Công an phường báo cáo lên cấp Quận, xin ý kiến chỉ đạo xử lý theo quy định pháp luật.

Theo nguồn tin PV Tiền Phong, DSS Việt Nam đến thời điểm này vẫn chưa được Sở GD&ĐT TPHCM cấp phép hoạt động trở lại trong lĩnh vực tư vấn du học và Sở LĐTB&XH TPHCM cũng không cấp phép cho công ty trong bất kỳ lĩnh vực nào nhưng DSS Việt Nam vẫn hoạt động tư vấn...

Được biết, ngoài buổi tọa đàm trực tiếp và trực tuyến tại số 168 Hai Bà Trưng bị chính quyền địa phương yêu cầu dừng tổ chức ngày 26/11 thì chiều 27/11, DSS Việt Nam tiếp tục tổ chức buổi livestream trên fanpage DSS Group – Giáo dục và Di trú để ông Alan Duri tư vấn về visa... Theo nguồn tin, ông Alan Duri sang Việt Nam lần này với mục đích du lịch.

Công an báo cáo vụ phát hiện người nước ngoài tư vấn cho công ty du học 'chui' ảnh 3

Sau khi bị chính quyền yêu cầu dừng buổi tọa đàm trực tiếp và trực tuyến tại Hội trường Nhà khách người có công, DSS Group tiếp tục tổ chức liverstream với người được cho là cựu thẩm phán tòa di trú liên bang tối cao tại Úc Alan Duri chiều 27/11

Chưa dừng lại, ngày 29/11, “Cựu Thẩm phán tòa di trú liên bang tối cao tại Úc Alan Duri” xuất hiện tư vấn về thủ tục visa trên sóng truyền hình. Qúa trình ghi hình được DSS Việt Nam ghi lại và phát trực tiếp trên trang fanpage của mình.

Trước đó, như phản ánh, nhiều bạn đọc gửi đơn đến báo Tiền Phong phản ánh, tố cáo DSS Việt Nam và DSS Úc thu tiền của họ nhưng không đưa họ đi nước ngoài làm việc. Đi sâu vào tìm hiểu, báo Tiền Phong còn phát hiện thêm các hoạt động bất thường khác của DSS Việt Nam như giấy phép hết hạn vẫn hoạt động; thu hộ tiền bằng ngoại tệ cho Công ty DSS Úc mặc dù công ty này không hoạt động ở Việt Nam; hoạt động sai chức năng; tư vấn, giới thiệu đưa người đi làm việc ở nước ngoài; nợ lương, không đóng bảo hiểm xã hội…cho người lao động.

Theo thống kê, có hơn 20 bạn đọc là khách hàng của DSS Việt Nam đã gửi đơn phán ánh đến báo Tiền Phong. Hầu hết những người này đã được Công ty DSS Việt Nam thu một khoản tiền lớn và thu tiền của khách hàng là người Việt bằng ngoại tệ là USD.

Liên quan đến vụ việc này, Sở LĐTB&XH TPHCM đã chuyển 2 đơn tố cáo DSS Việt Nam của người dân đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM. Ngoài ra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 1 cũng có phiếu chuyển đơn tố giác của người dân với bà Nguyễn Lê Vân – Giám đốc DSS Việt Nam sang Cơ quan cảnh sát điều tra quận 3; Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM cũng có phiếu chuyển đơn tố giác bà Daisy Nguyen – Giám đốc DSS Úc và bà Nguyễn Lê Vân – Giám đốc DSS Việt Nam đến Phòng Cảnh sát kinh tế để điều tra theo thẩm quyền.

MỚI - NÓNG
Quốc hội đồng ý tái khởi động điện hạt nhân, tăng vốn Vietnam Airlines
Quốc hội đồng ý tái khởi động điện hạt nhân, tăng vốn Vietnam Airlines
TPO - Quốc hội đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử. Quốc hội cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng.