Trả lời Tiền Phong bằng văn bản tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM diễn ra chiều 17/10, đại diện Công an TPHCM cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra có tiếp nhận đơn tố cáo của công dân đối với Công ty TNHH Du học định cư DSS do bà Nguyễn Lê Vân làm Tổng Giám đốc và công ty giáo dục DSS do bà Daisy Nguyễn làm Giám đốc (cả hai là một người, khác quốc tịch), chiếm đoạt tiền thông qua việc ký kết Hợp đồng dịch vụ visa.
Theo Công an TPHCM do có nhiều nội dung cần làm rõ, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra cụ thể là Phòng Cảnh sát Kinh tế đang khẩn trương kiểm tra, xác minh. Khi có kết quả sau cùng sẽ thông báo theo quy định.
Trong khi đó, theo bà Lương Thị Hà – Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TPHCM, tiếp theo loạt bài phản ánh về hoạt động của DSS Việt Nam, Sở LĐTB&XH TPHCM đã thành lập 2 tổ chuyên môn xác minh, tập hợp hồ sơ, làm việc với đơn vị.
“Tuần này, Thanh tra Sở nhận thêm 2 đơn khiếu nại, tố cáo DSS Việt Nam (tổng cộng có 12 đơn - PV). Sau khi sàng lọc, Sở đang tổng hợp hồ sơ chuyển 2 đơn tố cáo công ty này sang cơ quan công an điều tra để làm rõ”, bà Hà cho biết.
Bà Lương Thị Hà – Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM trả lời câu hỏi của báo Tiền Phong tại buổi họp báo chiều 17/10 |
Tại buổi họp báo, PV Tiền Phong đặt câu hỏi về việc hiện tại công ty DSS Việt Nam đã hết giấy phép nhưng vẫn đang hoạt động tư vấn, quảng cáo rầm rộ về việc chiêu sinh, tuyển dụng lao động đi làm việc nước ngoài và đào tạo nghề… là hoạt động "chui", vi phạm pháp luật. Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu người dân ký hợp đồng với DSS Việt Nam?
Liên quan câu hỏi này, bà Hà cho biết: “Tiếp thu ý kiến của báo và tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Sở để tổ chức cuộc họp với các sở ngành có liên quan về hoạt động của DSS Việt Nam, khi có nội dung, kết quả sẽ thông tin với báo Tiền Phong”.
Dù hết hạn nhưng DSS Việt Nam vẫn ngang nhiên hoạt động, tư vấn và quảng bá |
Trước đó, như Tiền Phong phản ánh, nhiều bạn đọc gửi đơn đến báo Tiền Phong phản ánh, tố cáo DSS Việt Nam thu tiền của họ nhưng không đưa họ đi nước ngoài làm việc. Đi sâu vào tìm hiểu, báo Tiền Phong còn phát hiện thêm các hoạt động bất thường khác của DSS Việt Nam như giấy phép hết hạn vẫn hoạt động; hoạt động sai chức năng; tư vấn đưa người xuất cảnh trái phép; nợ lương, không đóng bảo hiểm xã hội…