'Ngậm trái đắng' với giấc mơ làm việc ở trời Tây - Kỳ cuối: Ai tiếp tay cho DSS Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài nhưng nhiều năm qua, Công ty giáo dục DSS (tạm gọi là DSS Úc) và Công ty TNHH du học định cư DSS (tạm gọi là DSS Việt Nam) vẫn “núp bóng” lấy tiền khách hàng để đào tạo nghề, nhận đưa người lao động đi nước ngoài làm việc.
'Ngậm trái đắng' với giấc mơ làm việc ở trời Tây - Kỳ cuối: Ai tiếp tay cho DSS Việt Nam? ảnh 1
Nhân viên của DSS Việt Nam và 2 khách hàng

Không có chức năng đưa lao động đi… nước ngoài

Xác minh của phóng viên báo Tiền Phong cho thấy, DSS Việt Nam mới chỉ có giấy phép kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cấp vào ngày 11/9/2019. Địa chỉ hoạt động tổ chức tư vấn theo giấy phép này tại số 534C Lê Văn Sỹ, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM. Giấy phép cũng đã hết hạn vào ngày 11/9/2024. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết hiện vẫn chưa cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ nói trên cho DSS Việt Nam. Trong khi đó, đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM khẳng định đến ngày 25/9/2024 sở này chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho DSS Việt Nam.

Trong một văn bản trả lời đơn thư của người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Công ty DSS Úc có trụ sở tại Úc và Công ty DSS Việt Nam (mã số thuế: 0314879750) chưa được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động dịch vụ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hai công ty trên không được phép hoạt động dịch vụ này. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào của hai công ty này về việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các hình thức khác.

'Ngậm trái đắng' với giấc mơ làm việc ở trời Tây - Kỳ cuối: Ai tiếp tay cho DSS Việt Nam? ảnh 2
Bà Daisy Nguyễn (đứng) tại một cuộc hội thảo. Nhiều người đặt câu hỏi Daisy Nguyễn với Nguyễn Lê Vân có phải là một?

Điều ngạc nhiên là Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TPHCM thừa nhận từ năm 2020 đến nay, Thanh tra Sở này nhận được 6 đơn thư khiếu nại và phản ánh liên quan đến Công ty TNHH Định cư Du học DSS (tức DSS Việt Nam) . Trong đó, chủ yếu là đơn thư tố cáo công ty này nợ lương nhân viên, không đóng bảo hiểm xã hội và lừa đảo, thu phí dịch vụ nhưng không thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến việc đưa người Việt Nam đi du học, định cư ở nước ngoài. Thế nhưng, cũng từ năm 2020 đến thời điểm tháng 9/2024, cấp quản lý này chưa lần nào thực hiện thanh kiểm tra đối với Công ty TNHH Định cư Du học DSS tại TPHCM.

'Ngậm trái đắng' với giấc mơ làm việc ở trời Tây - Kỳ cuối: Ai tiếp tay cho DSS Việt Nam? ảnh 3
Đại diện Công ty DSS Việt Nam gặp gỡ khách hàng để giới thiệu tại một khách sạn ở Hà Nội. Ảnh: PV

Một luật sư chuyên sâu về lĩnh vực di trú cho rằng, nếu DSS Việt Nam là doanh nghiệp được cấp phép tư vấn về du học và định cư, họ chỉ được phép dừng ở chức năng tư vấn, chứ không được phép tuyển dụng và đào tạo nghề hay liên kết đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng bất cứ hình thức nào. “Việc doanh nghiệp này đăng thông tin cần tuyển lao động đi làm farm (nông nghiệp - PV) tại các nước, giới thiệu về những cơ hội việc làm tại một nước khác, hay hứa hẹn đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là không đúng sự thật và không đúng quy định pháp luật”- luật sư này nói.

Nguồn tin của Tiền Phong ngày 30/9 cho biết, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã chuyển đơn tố giác tội phạm của 3 nạn nhân là ông Phạm M.H (ngụ tại Hà Nội), ông Mạc V.T và bà Nguyễn Th. V ở Hải Dương (cùng ngụ ở Hải Dương) đến Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Theo Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra, trước đó 3 công dân trên đã gửi đơn tố cáo Công ty giáo dục DSS do bà Daisy Nguyễn làm giám đốc và Công ty TNHH du học định cư DSS do bà Nguyễn Lê Vân làm giám đốc có hành vi cấu kết chiếm đoạt tài sản. Theo nội dung đơn tố giác, bà Nguyễn Lê Vân thông qua việc tuyển dụng lao động đi định cư tại Úc nhưng sau đó không thực hiện theo thoả thuận. Trong đó, bà Nguyễn Th. V bị chiếm đoạt số tiền 465 triệu đồng, ông Phạm M.H bị chiếm đoạt 116 triệu đồng và ông Mạc V.T bị chiếm đoạt số tiền 343 triệu đồng.

'Ngậm trái đắng' với giấc mơ làm việc ở trời Tây - Kỳ cuối: Ai tiếp tay cho DSS Việt Nam? ảnh 4
Tấm biển giới thiệu về hoạt động Công ty Giáo dục DSS (tức DSS Úc) tại cơ sở trong Trường Công đoàn Giáo dục Việt Nam ở quận 3 (TPHCM). Ảnh: PV

Đe dọa phóng viên

Địa chỉ trong giấy phép hoạt động và thực tế của DSS Việt Nam hoàn toàn khác nhau. DSS Việt Nam hiện đóng trú tại nhiều địa điểm ở TPHCM, trong đó có cả địa chỉ số 3, Công trường Quốc tế, Quận 3 (như báo Tiền Phong đã thông tin ở số báo trước). Đây cũng chính là trụ sở của Văn phòng đại diện của Bộ Giáo dục & Đào tạo đặt tại TPHCM.

Ngày 12/9, phóng viên báo Tiền Phong trao đổi với người đại diện của Văn phòng Bộ Giaó dục & Đào tạo tại TPHCM về việc cho DSS Việt Nam thuê trụ sở trong cơ quan này có đúng chủ trương hay không? Điều lạ là mặc dù phóng viên chưa đặt lịch làm việc với DSS Việt Nam nhưng thông tin này lập tức đến tai lãnh đạo của DSS Việt Nam. Đến trưa 13/9, phóng viên báo Tiền Phong nhận được tin nhắn qua Zalo của bà Nguyễn Lê Vân - Giám đốc Công ty DSS Việt Nam với những lời lẽ rất thô tục. Tiếp đến vào lúc 16 giờ 30 chiều 13/9, phóng viên tiếp tục nhận được điện thoại từ số 0919291055. Người đàn ông này gọi điện giới thiệu tên là Nhân làm việc bên Công ty DSS Việt Nam. Ông ta hỏi tại sao “phá nồi cơm của DSS” và dọa lại phóng viên rằng sẽ tố cáo vụ việc lên Ban Tuyên giáo TW, đồng thời còn nhắn tin có ý răn đe khi nhắc đến tên của một lãnh đạo Cục Báo chí…

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.