Công an ăn chặn trầm kỳ bị phơi ra ánh sáng

Các bị cáo Vũ Anh Trung, Trần Lệ Kiên, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Hồng Hà, Luân Văn Nam (từ trái qua) tại phiên tòa
Các bị cáo Vũ Anh Trung, Trần Lệ Kiên, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Hồng Hà, Luân Văn Nam (từ trái qua) tại phiên tòa
TPO - Sáng 18/6, TAND huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án ăn chặn trầm hương, kỳ nam (trầm kỳ) xảy ra tại huyện Khánh Sơn cuối tháng 9/2012.

Các bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Nguyễn Hồng Hà (SN 1967 tại Hà Nội, nguyên Trung tá, nguyên Đội trưởng Đội CSGT, Công an Khánh Sơn), Vũ Anh Trung (SN 1978 tại Thanh Hóa, nguyên Thiếu tá, nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường, Công an Khánh Sơn), Trần Lệ Kiên (SN 1984 tại Phú Thọ, nguyên Thượng úy, nguyên Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự - Hỗ trợ tư pháp, Công an Khánh Sơn), Luân Văn Nam (Nam lụi, SN 1985 tại Cao Bằng, trú thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, nghề nghiệp lái xe). Bị cáo Nguyễn Thành Trung (SN 1968 tại Hà Nội, nguyên Thượng tá, nguyên Trưởng Công an huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) bị truy tố về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Như báo Tiền Phong đã phản ánh, giữa tháng 9/2012 có hàng nghìn người đến đào bới ở khu vực rừng Gộp Ngà (Sơn Trung, Khánh Sơn) để tìm kiếm trầm kỳ. UBND huyện Khánh Sơn thành lập đội liên ngành, nhằm ngăn chặn việc đào bới, đưa người tìm trầm ra khỏi rừng, do Vũ Anh Trung làm Đội trưởng, Nguyễn Hồng Hà làm Đội phó. Cuối tháng 9/2012, nhiều người dân tố cáo một số cán bộ Công an đã chiếm đoạt trầm kỳ do họ tìm được. Cơ quan CSĐT, Công an Khánh Hòa điều tra, xác định hai nhóm người tìm được trầm kỳ trong đêm 26/9/2012 đã phải giao lại sĩ quan Công an trong đội liên ngành.

Nhóm thứ nhất của các ông Nguyễn Ngọc Thừa (trú Đại Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam), Trần Văn Khánh (còn gọi là Khánh Trắng, trú khóm 2, thị trấn Tô Hạp) đào được một cục trầm kỳ trong tối 26/9/2012. Nhóm ông Thừa sợ bị nhóm khác cướp, nên đã giao cục trầm kỳ cho Trần Lệ Kiên. Sau đó, ông Nguyễn Thành Trung (lúc đó vừa bị giáng cấp từ Thượng tá xuống Trung tá, giáng chức xuống Phó trưởng Công an huyện Khánh Sơn do sai phạm liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng) đem cục trầm kỳ đi bán. Bán được cục trầm kỳ với giá 3,8 tỷ đồng, ông Trung đưa cho nhóm của ông Thừa 1,6 tỷ đồng, đưa cho Vũ Anh Trung 1,4 tỷ đồng, đưa cho nhóm của Nam 800 triệu đồng.

Tối 26/9/2012, nhóm của ông Huỳnh Trung Nghĩa (còn gọi là Gồ em, trú tại thôn Trung Dõng 2, Vạn Bình, Vạn Ninh, Khánh Hòa) cũng đào được 1 cục trầm kỳ, dài khoảng 20cm. Luân Văn Nam đòi ông Nghĩa đưa cục trầm kỳ cho mình, rồi đưa lại cho Nguyễn Hồng Hà. Hà giao cục trầm cho Nam cất giữ, ngày 30/9/2012 Nam đưa cục trầm kỳ cho Nguyễn Thành Trung. Ông Trung bán cục trầm kỳ cho Bùi Khắc Dũng (Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) được 350 triệu đồng...

Ngày 1/4/2013, Cơ quan CSĐT, Công an Khánh Hòa khởi tố vụ án. Vũ Anh Trung, Trần Lệ Kiên, Nguyễn Hồng Hà bị bắt tạm giam ngày 3/4/2013. Nguyễn Thành Trung và Luân Văn Nam bị bắt tạm giam ngày 11/6/2013.

Ngày 11/6/2014, TAND huyện Khánh Sơn đã mở phiên tòa, xét xử sơ thẩm vụ án này. Tại phiên tòa, chỉ có 16/41 người làm chứng có mặt. Luật sư Nguyễn Đình Thơ (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa), người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Trung có đơn xin vắng mặt và xin hoãn tòa, bị cáo Nguyễn Thành Trung cũng xin Tòa hoãn xử. Do vậy, Hội đồng xét xử đã tuyên hoãn phiên tòa.

Tại phiên tòa ngày 18/6, chỉ có 12/41 nhân chứng có mặt. Trong số các nhân chứng được Tòa triệu tập có hai ông Phó trưởng Công an Khánh Sơn, là ông Phạm Hồng Sơn và ông Nguyến Tiến, nhưng cả hai ông đều vắng mặt. Bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Thành Trung, có thêm luật sư Lê Văn Minh (Cty TNHH Luật Kozy), Đoàn Luật sư Hà Nội. Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Thành Trung cho rằng, cần áp giải các nhân chứng Nguyễn Ngọc Thừa, Phạm Thanh Túc, Bùi Khắc Dũng tới tòa, hoặc tạm hoãn phiên tòa nếu các nhân chứng này không có mặt. Theo cáo trạng, ông Nguyễn Ngọc Thừa (Đại Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam) là trưởng nhóm tìm được cục trầm kỳ đầu tiên, Phạm Thanh Túc (Cam Phước Tây, Cam Lâm, Khánh Hòa) và Bùi Khắc Dũng (P. 11, Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) là những người mua bán cục trầm kỳ thứ hai với bị cáo Nguyễn Thành Trung. Vì vậy, theo các luật sư, việc các nhân chứng này có mặt đối chất tại Tòa là rất cần thiết, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bị cáo Nguyễn Thành Trung.

Hội đồng xét xử cho rằng, trong hồ sơ đã có lời khai của các nhân chứng, chưa cần thiết áp giải các nhân chứng mà luật sư nêu tên, nên cho tiếp tục phiên xét xử.

Một số hình ảnh tại phiên tòa: 

Công an ăn chặn trầm kỳ bị phơi ra ánh sáng ảnh 1

Người dân tập trung rất đông để theo dõi phiên tòa

Công an ăn chặn trầm kỳ bị phơi ra ánh sáng ảnh 2

Bị cáo Nguyễn Thành Trung trước vành móng ngựaCông an ăn chặn trầm kỳ bị phơi ra ánh sáng ảnh 3

Công an ăn chặn trầm kỳ bị phơi ra ánh sáng ảnh 4
Công an ăn chặn trầm kỳ bị phơi ra ánh sáng ảnh 5

Chỉ có 12/41 nhân chứng tới Tòa

MỚI - NÓNG